Tăng thẩm quyền xử phạt đối với chức danh đội trưởng

Chính trị - Ngày đăng : 16:54, 27/03/2012

(HNMO) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội ( QH) khóa XIII, chiều qua 27-3, Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đề nghị cụ thể hóa một số quy định trong Dự thảo, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND, trưởng công an cấp xã có giá trị " bằng với mức xử phạt tiền" được quy định tại điểm b, khoản 1 điều 39 và điều 40 của dự thảo rất khó thực hiện và không rõ ràng. Đề nghị sửa lại là việc quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị "không vượt quá" mức xử phạt tiền. Việc quy định Chủ tịch UBND cấp xã được phép xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng nhưng lại không quy định cho phép áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai phép sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội kiến nghị tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh "đội trưởng" lên 10 triệu đồng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tại điều 62 của Dự thảo về việc lập biên bản vi phạm hành chính cần xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về việc lập biên bản trong trường hợp người vi phạm cố tình trốn tránh theo hướng: căn cứ vào hồ sơ hiện có, nếu người có thẩm quyền xử phạt có đủ cơ sở xác định có vi phạm hành chính và người vi phạm cố tình trốn tránh việc ký biên bản, đại diện chính quyền địa phương không ký biên bản hoặc không tìm được người chứng kiến thì người có thẩm quyền xử phạt được lập biên bản và xử phạt vi phạm đối với trường hợp này.

Nêu lên một số bất cập về xử phạt vi phạm hành trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh thanh tra Sở GTVT cho rằng mức phạt tiền 20- 30 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, gây cản trở giao thông, là mức phạt quá cao, chưa phù hợp với thực tế, khó khăn trong quá trình xử phạt của các cơ quan chức năng…

Ngoài ra, các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng việc áp dụng hình thức lao động công ích đối với các vi phạm hành chính chỉ phù hợp với nông thôn không phù hợp với thực tiễn ở cấp phường, quận; đề nghị giữ nguyên thời gian ra quyết định xử phạt như hiện nay là 10 ngày thay vì rút gọn 7 ngày như trong dự thảo....

Đà Đông