Làng chài bị lãng quên

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:56, 27/03/2012

(HNM) - Bến đậu của làng chài Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) nằm ngay cửa cống đổ thứ nước đen sần sật ra sông Cái dẫn ra biển.

Những kỷ lục đáng buồn

"Nhà" ông Phạm Văn Toán - được coi như người đứng đầu làng Cao Bình là một cái thuyền con. Nó bé tẹo, chẳng khác gì những hộ xung quanh khi được quây lại bằng tôn và cót ép như trò chơi úp chiếu dựng làm lều của trẻ con thành phố. Cả nhà ông Toán quây quần trong khoảng 6m2 lòng thuyền. Sinh hoạt thì vừa tắm, vừa giặt, vừa nấu nướng luôn trên thuyền… khi nào muốn vệ sinh thì ra cuối thuyền. Sau khi đón khách bằng tợp rượu, chào nhau là ông bắt đầu cao hứng kể. Gốc gác của người Cao Bình, thủy tổ của làng, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản thô sơ. Cứ lênh đênh trên sông nước kéo dài chừng 40km, từ địa phận xã Hồng Tiến ra tận đảo Cồn Vành.

Lũ trẻ Cao Bình thích đi sông nước hơn là đi học.


Làng chài tồn tại có niên biểu hẳn hoi. Đã có hàng chục thế hệ kế tiếp nhau ra đời, nhưng vẫn không làm sao để thoát được vòng vây của sự đói nghèo. Ông Toán thở dài cho biết, hiện nay đang có 757 khẩu (120 hộ gia đình) đang sinh sống trên sông như cha ông họ, mỗi gia đình ít nhất có 5-6 đứa con, kỷ lục nhất có nhà có 13 đứa cả thảy!.

Để khoe về "kỷ lục" đông con này, ông Toán gọi với sang dãy thuyền bồng bềnh, lúp xúp mời ông Tỵ hàng xóm sang. Ông Tỵ chưa qua tuổi 60 nhưng trông già lụ khụ. Đã có cháu nội rồi nhưng ông vẫn đang nuôi con nhỏ. Tính ra đứa đầu và đứa út nhà ông chênh nhau đến 27 tuổi. Trong khi thằng cả 32 tuổi đã là một hộ độc lập có thể tự dong thuyền ra khơi đánh bắt cá tôm nuôi cả gia đình thì thằng út mới 5 tuổi. "5 tuổi nhưng thằng nhóc bơi khỏe kinh" - ông Tỵ tự hào khoe khi mở đầu câu chuyện. Ở nơi khác, thường người ta hay khoe con học giỏi, thông minh nhưng ở làng chài đứa nào khá khẩm lắm mới lẹt đẹt học xong chương trình xóa mù chữ nên chuyện khoe con bơi lội giỏi là lẽ thường. Điều này, tôi vỡ ra ngay khi nghe tiếng ùm ùm nhảy xuống sông phía khoảng rộng nhô ra của những con thuyền đậu san sát. Trẻ con làng chài có khác, đứa nào cũng bơi giỏi nên cha mẹ chúng luôn lấy điều đó là sự tự hào với bà con quanh vùng. Câu cửa miệng của người Cao Bình khắp làng trên xóm dưới là "đẻ con biết lội hơn đẻ con biết trèo".

Cái sự đẻ nhiều thấy rõ ràng qua từng năm. Thêm mỗi chiếc thuyền là một hộ dân ở Cao Bình. Sau mỗi ô cửa lùm lùm trông ra sông ấy là không ít người mẹ trẻ. Có cô chưa đến 30 nhưng đã 5-6 mặt con là chuyện thường. Cũng dễ hiểu vì các cô 12-13 đã biết cập kê, đến khi 16-17 đã lên "thuyền hoa" về nhà chồng. Người Cao Bình ai cũng hiểu đẻ nhiều sẽ đồng nghĩa với nghèo đói, thất học nhưng chẳng ai đủ "dũng khí" vượt qua chính bản thân. Điệp khúc buồn ấy dường như mãi đeo đẳng người dân Cao Bình năm này qua tháng khác. Bà Liêm, vợ ông Tỵ gia đình đông con nhất Cao Bình, còn cười khùng khục khi nói về chuyện kế hoạch hóa gia đình: "Mỗi lần các chị vào vận động sinh đẻ có kế hoạch, ông nhà tôi đều hiểu chút ít đấy chứ. Đem mấy cái bao được phát về thuyền mân mê cả ngày chỉ chờ đến tối con cháu ngủ hết để thử nhưng… cứ uống rượu về là hùng hục như trâu. Ông vậy, tôi còn biết nói sao?". Nhà ông Tỵ, bà Liêm là hộ nghèo điển hình, quanh năm đói ăn. Để các con có bữa rau, bữa cháo qua ngày, cả hai vợ chồng phải đi lưới quanh năm. Khi vãn cá, kiêm thêm cả đào giếng, phụ hồ... Thế mà cơ cực vẫn hoàn cơ cực. Năm nào ông bà cũng thiếu ăn trên 10 tháng. 13 đứa con đứa học giỏi nhất hết lớp 3, còn lại là mù chữ. Trên khoang thuyền chừng 6m2 không có gì hơn ngoài 2 chiếc võng dù và 3 cái hòm đựng vài thứ lặt vặt.

Ước mơ được lên bờ

Lại nói về văn minh của làng quê Cao Bình. Đếm đầu ngón tay, cả làng đang có vài chiếc xe máy của những hộ dân đã mua được nhà trên bờ. Xe máy như thứ đồ xa xỉ, là hiện diện của văn minh nhân loại nơi đây, còn thì họa hoằn lắm mới có ti vi và đài cát sét. Nếu tính ti vi theo đầu người thì gần trăm đứa trẻ Cao Bình mới có một chiếc cũ mèm để xem mỗi tối. So với cuộc sống hôm nay, thế đã là khấm khá lắm rồi. Nhiều người dân Cao Bình gọi đó là sự kỳ diệu. Nhưng sự kỳ diệu vươn lên thoát nghèo này nằm ngoài khả năng của họ, tất cả đều nhờ chương trình cho vay vốn hỗ trợ người nghèo của Chính phủ. Mới ngày nào, một hai người rụt rè lên bờ vay vốn giờ thì cả làng chài ai cũng thấy đó chính là lối thoát nghèo duy nhất nên đã đồng loạt lên trụ sở xã xin "điểm chỉ" xác nhận.  Một cán bộ xã Hồng Tiến chẳng cần úp mở xác định với chúng tôi luôn: "Đâu cần phải đưa ra bằng chứng, bà con ở đây ai chả lạ gì dân Cao Bình không biết chữ. Hầu hết văn bản, giấy tờ bà con đều lăn tay hết".

Ông trưởng họ Phạm Văn Toán được xem như người có học thức nhất làng (ấy là ông nhận thế) vì đã học hết cấp II đủ để biết đọc, biết viết. Còn hiện tại có đến 80-90% dân làng Cao Bình không biết chữ. Hậu quả là đa phần các giấy tờ từ giấy khai sinh, giấy vay nợ ngân hàng, giấy kết hôn… đều phải điểm chỉ. Để khoe mình cũng là việc nói có sách, mách có chứng ông lôi tuột chúng tôi sang thuyền bên nhà ông Tiến hàng xóm. Con thuyền cũng chỉ chừng 6m2 và từ mấy chục năm chung sống với nhau vợ chồng ông Tiến cũng không sắm nổi tivi, đài đóm... Cuộc sống của ông Tiến như nhiều ngư dân khác, ngày ngày họ lao ra biển khơi để đánh bắt và đêm về chẳng biết làm gì ngoài chuyện..."yêu". Thời gian mải miết trôi, ông bà cũng kịp cống hiến cho xã hội 7 đứa con: sáu trai, một gái. Tất cả đều đã lộc ngộc, đen nhẻm.

Đã có thời điểm phong trào đi học ở Cao Bình có vẻ lên cao. Nhờ xã vận động, thuyết phục, thậm chí phải "dọa" người dân mới chịu đi học. Ban đầu, có đến vài chục người, già có, trẻ có. Thế nhưng chỉ được vài buổi, rồi lớp xóa mù cứ thưa dần. Thôi thì đủ lý do, lấy vợ, lấy chồng, vào kỳ con nước về cả làng phải đổ xô theo luồng cá… lớp học lại vắng tanh. Cán bộ lại phải đi thuyết phục. Các ông chồng trốn tiệt trong khoang để các bà vợ đứng mũi thuyền tiếp chuyện. Mới lò dò bước xuống mạn thuyền đã thấy các bà đồng loạt te tái: "Đồng ý đi học nhưng chưa có chữ thì chưa chết, còn không có ăn có chết không?". Vậy là cả cán bộ và thầy giáo đều chịu thua. Cũng vì mải theo con cá, người dân Cao Bình đã đánh rơi con chữ từ lâu.

Nhưng người lớn không đến lớp thì trẻ em Cao Bình cũng phải được đi học. Công sức của cán bộ xã, của các thầy giáo bám làng đã được đền đáp. Hiện tại, trong số gần 200 đứa trẻ đang đến tuổi đi học ở làng chài Cao Bình chỉ có 69 em được đi học, trong đó 52 em học tiểu học, 17 em học trung học cơ sở và không có em nào được học THPT. Mặc dù vậy nhưng ở làng này đã có em nhà nghèo vượt khó và học rất giỏi như em Phạm Văn Thiêng… Dù kết quả này còn khiêm tốn nhưng cũng là một sự cố gắng của cả thầy, trò, gia đình các em vì từ năm 2003, nhà trường và một số người hảo tâm hỗ trợ các em một bữa ăn trưa và miễn giảm 50% học phí. Việc làm này khiến năm nay có thêm 5 em đến lớp.

Cho con đi học rồi, nhiều nhà bắt đầu tính chuyện lên bờ sắm sanh các tiện nghi phục vụ đời sống. Như nhà ông Tỵ, bà Liêm cuối cùng cũng thực hiện được mơ ước cả đời. Mãi mới đây ông mới chạy vạy mà mua được mảnh đất trên bờ và xây được cái nhà chưa trát vữa. Cả đời rúc trong thuyền, đến lúc lên bờ thấy nhà to quá ông bà cứ bâng khuâng. "Tôi quyết định lên bờ là chỉ nghĩ đến chuyện học hành và tương lai của con cái. Tính cả tôi và bà nó là 15 người vậy mà có 10 người không biết chữ. Nghèo tiền thì chịu được chứ nghèo chữ cái gì cũng phải điểm chỉ nghe chừng cực lắm!".

      *      
*            *

Đi bộ đến độ mỏi chân trên triền đê xã Hồng Tiến là đến Cao Bình, một vùng quê dường như bị lãng quên bởi mù chữ, đói nghèo và lạc hậu. Con đường đó như đồng cảm cùng suy nghĩ của nhiều người, biết đến khi nào người dân Cao Bình không còn nhúng tay vào mực để điểm chỉ và quyết chí lên bờ đi học. Tôi hỏi một lão thuyền chài về ước mơ này. Ông lão không trả lời ngay. Nhả khói thuốc lào, tợp ngụm rượu đắng, cụ vặn lại bâng quơ: "Thế anh bảo tôi đi đâu? Tôi già rồi, tôi cũng biết đâu là xấu, đâu là đẹp chứ. Nhưng tôi cũng biết, anh sẽ viết báo nói rằng, để xóa bỏ cái xóm nổi này cần phải cósự phối hợp của các cơ quan chức năng"…

Tôi ngồi im. Ngỡ ngàng, nao buồn giữa không gian làng nổi trong hương vị một thứ mùi lạ, không ra mùi của nước rác thải, của nước mắm tép, tép rang, của những chiếc thuyền nhỏ lưu cữu trên sông, của chăn áo lâu ngày không phơi nắng…

Triệu Dương