Năm 2013: Tập trung giảm tải tại một số bệnh viện “nóng”
Đời sống - Ngày đăng : 12:40, 26/03/2012
Việc giảm tải được chú trọng tại các bệnh viện "nóng" trong năm 2013 |
Trả lời câu hỏi đại biểu (ĐB) Vi Thị Hương (Nghệ An) về vấn đề chưa tăng cường công tác y tế dự phòng, đầu tư ngân sách hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đào tạo chuyên môn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết với các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Bộ đề nghị xây dựng từ 2006 nhựng đến nay do nguồn ngân sách hạn hẹp nên chỉ đầu tư ở bệnh viện huyện và tỉnh.
Nhân lực cho y tế dự phòng, hiện còn kém thu hút. Từ năm 2007, mặc dù đã mở thêm mã ngành bác sĩ y tế dự phòng để khuyến khích thu hút sinh viên, nhưng phải đến 2013 mới có được số bác sỹ ra trường. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trường ĐH đào tạo mã ngành này, nhưng cũng cần chờ đợi mới có được số lượng bác sỹ y tế dự phòng.
ĐB Lê Năm (Thanh Hóa) nêu câu hỏi: “Trong khi các bệnh viện công quá tải thì bệnh viện lại tư thiếu vắng bệnh nhân, chưa chia sẻ gánh nặng với nhà nước nên xã hội hóa hạn chế. Vậy có giải pháp gì để các bệnh viện tư hoạt động có hiệu quả”? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải: NĐ69 về chủ trương xã hội hóa tạo điều kiện cho bệnh viện tư thành lập nhưng tỷ lệ số bệnh viện tư này chưa đạt do vốn lớn, kỹ thuật chuyên môn và nguồn bác sỹ.
Do đó, các bệnh viện tư chưa tạo nên được “thương hiệu”, khiến người dân chưa hoàn toàn tin tưởng, dẫn tới tình trạng thiếu vắng bệnh nhân. Trong khi đó, các bệnh viện công lâm vào tình trạng quá tải do đã có “thương hiệu”, tên tuổi, đội ngũ bác sỹ lành nghề, giá các dịch vụ lại thấp.
Trả lời chất vấn về đề nghị kéo dài thời gian nghỉ hưu đối với bác sĩ nữ có trình độ chuyên khoa trở lên, Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến cho rằng đây cũng là nguyện vọng của toàn ngành y tế. Vì phụ nữ từ 55 - 60 là tuổi “sung mãn” về mọi mặt: sinh học, kinh nghiệm, xã hội. Nhưng để thực hiện được nguyện vọng còn phải phụ thuộc vào quyết định của QH.
Lý giải về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ngày 14/5 tới đây, báo cáo số 267/BC-BYT, ngày 23/3/2012, của Bộ Y tế nêu rõ: “Do mức thu một phần viện phí ban hành từ năm 1995, đến nay đã 17 năm và một số dịch vụ ban hành năm 2006, đến nay cũng đã 6 năm, mới chỉ tính bằng 30 - 50% chi phí trực tiếp tại thời điểm ban hành nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Trong khi giá cả tăng, chỉ số giá tiêu dùng chung năm 2011 so với 1995 là 3,4 lần, tiền lương tối thiểu tăng 6,9 lần”.
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế là do mức giá cũ đã quá... lỗi thời |
Trước tình hình đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tưởng Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT ngày 29/2/2012 về mức giá tối đa của 447 dịch vụ kỹ thuật y tế đã ban hành từ năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006.
“Việc điều chỉnh này là rất cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT” – Bộ trưởng khẳng định. Bà Kim Tiến cũng cho rằng thông tư này ra đời “sẽ tác động tích cực đối với cả người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, Nhà nước và BHYT” và khẳng định “đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến những nhóm người nghèo và gia đình chính sách”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ĐB đoàn Hà Tĩnh chất vấn về những việc mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm kể từ khi nhận chức vụ đứng đầu ngành để giải quyết các vấn đề mà ĐB đã nêu ra, cũng như các giải pháp tạo chuyển biến cho ngành y tế từ nay đến năm 2015.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã xác định được 7 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là giảm tải bệnh viện, đổi mới cơ chế tài chính (xây dựng xong cơ chế đổi mới, điều chỉnh giá dịch vụ viện phí), nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở về cơ sở vật chất, con người, phục vụ công tác chăm sóc, y tế dự phòng, nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cùng phát triển khoa học công nghệ.
Trong năm 2012, sẽ ra Nghị định đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ, đến 2016, tính 100% chi phí với bệnh viện tuyến TƯ. Sang năm 2013, hy vọng số lượng cán bộ y tế bước đầu đổi mới khi từ năm 2007 các chương trình đào tạo được nâng cao.
Về vấn đề giảm tải, trong năm 2013, Bệnh viện Ung bướu TƯ (Tp.HCM) sẽ được di dời từ 200 - 500 giường. Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ giảm tải đối với chuyên khoa hô hấp. Vấn đề giảm tải được thể hiện rõ ở 2 BV “nóng nhất” tuyến TƯ.
Khắc phục tình trạng quá tải không thể "một sớm một chiều" |
“Khó khăn trong việc giảm tải vẫn là việc giải phóng mặt bằng. Như tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, việc bao giờ sẽ giảm tải được là chưa thể biết. Trước mắt trong năm 2013, sẽ có một vài khoa tại các bệnh viện “nóng” sẽ được giải tỏa. Về giải pháp đồng bộ lâu dài thì các tỉnh phải cho mặt mặt bằng giải phóng, xây dựng bệnh viện vệ tinh (như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, Chợ Rẫy…). Việc giảm tải không thể một sớm một chiều mà hy vọng đến năm 2015 sẽ có bước cơ bản” - Bộ trưởng trả lời.
Kết thúc buổi chất vấn, đã có 37 đại biểu đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đó 25 đại biểu được trả lời trực tiếp. Phần trả lời diễn ra trên tinh thần đối thoại, thẳng thắn. Chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ tiếp tục trả lời chất vấn đề các vấn đề: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở…