Thầy phong thủy khuyên gì?

Sách - Ngày đăng : 10:15, 26/03/2012

(HNNN) - Đặc biệt là trong các căn hộ chung cư, thì gần như 100% các căn hộ sử dụng ban công như nơi phơi quần áo, vì không còn chỗ nào khác thoáng khí hơn!

Khi nói rông dài, triền miên về phong thủy bằng nhiều sách vở quá làm cho người đọc rối loạn, hoang mang, không biết tin vào đâu, thì các nhà học giả phong thủy đã sáng tạo ra một loại cẩm nang ngắn gọn, không sa vào phô trương kiến thức, mà đưa ngay ra những nguyên tắc, lời khuyên để bất kỳ ai cũng làm theo mà không cần nhiều thời gian suy nghĩ. Cuốn sách mới ra đời đầu năm nay có tên gọi: Những kiêng kị trong phong thủy do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành chỉ dày 190 trang, nhưng được tinh soạn theo hướng như vậy. Nội dung cuốn sách bao gồm những lời khuyên gì và đúng đến đâu. Ví dụ một số chương mục chính như sau:

1. Môi trường và hoàn cảnh

- “Khi mua nhà đất nên cân nhắc yếu tố tam thời (quá khứ, hiện tại, tương lai). Phải tìm hiểu xem trước đó khoảng dăm năm, vài chục năm, một trăm năm nơi đó thế nào, dùng vào việc gì? Đặc biệt phải chú ý tìm hiểu quy hoạch của chính quyền sở tại và cấp cao hơn” (trang 5). “Khi làm nhà hoặc dọn sang nhà mới cần chú ý yếu tố Tam nhật, tức là ngày động thổ, ngày bày biện đồ đạc, ngày dọn vào nhà ở. Có như vậy mới biết được ngôi nhà đó có được bắt đầu động thổ xây dựng vào ngày lành tháng tốt hay không” (trang 8).

Đây là một lời khuyên như giả tưởng! Không ai đi mua nhà, đất lại có khả năng tìm hiểu lịch sử cả trăm năm trước, một công việc chắc đến ngành công an điều tra cũng chào thua. Mảnh đất hoặc ngôi nhà xây trên mảnh đất ấy có lý lịch, tiểu sử không tốt mà địa thế đẹp, dễ kinh doanh sinh lời thì vẫn khối người tranh nhau mua bán. Cũng tương tự như vậy, cái gọi là ngày động thổ không có gì quan trọng, nếu như người ta mua nhà, đất xong bắt đầu xây dựng lại theo ý mình. Duy lời khuyên chú ý tìm hiểu quy hoạch có vẻ khá nực cười, vì đây thuộc về thẩm quyền của Nhà nước chứ không phải của thầy phong thủy. Dù thầy địa hay gia chủ có thích đất đẹp đến mấy mà không được chính quyền đồng ý, cấp giấy tờ thì sao mua - bán được?

- “Khi mua nhà đất, nếu các bạn có tín ngưỡng tôn giáo, trong nhà có thờ thần linh, Phật thì càng cần chú ý. Các vị thần linh thường rất ngại ở gần các cặp vợ chồng mới cưới, nên khi chọn nhà ở cần tránh phía trên có tình trạng đó và phía dưới có cặp vợ chồng mới cưới cũng cần tránh vì họ có thể làm cho bàn thờ nhà bạn mất thiêng” (trang 7). “Khi mua nhà đất, nên chọn nơi có tượng đá vuông vắn, tròn trặn. Cũng có thể chủ động bày tượng đá ở gần nhà” (trang 9).

Tính chất đặc trưng của đạo Phật là từ bi, hỷ xả, bác ái và hoàn toàn thoát tục. Vậy tại sao các vị thần phải quan tâm đến mức ngại các cặp vợ chồng mới cưới, với những cặp đã cưới lâu rồi thì sao? Chẳng nhẽ lại giống như chuyện Diêm Vương xử kiện thịt cầy 7 món? Thế thì bôi bác các đấng thần linh quá! Còn nhà nào thờ thần nhà nấy sẽ được phù hộ (thần thiêng), hay có thể hiểu đất nhà nào - thổ công nhà nấy, nếu nước sông không phạm nước giếng cần gì phải tránh? Hay ví dụ, một cặp vợ chồng mới cưới lập bàn thờ ở căn hộ của họ, sao thần lại không thiêng được? Vả lại, tìm nơi có tượng đá thiêng thì sao chọn được đất, ngoài ra không phải tất cả mọi người đều thích hợp với đá!

- “Nên làm biệt thự tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra sông hồ. Phía trước nhà có sông nước, là gia chủ có nhiều phúc lộc vì thủy tượng trưng cho phúc khí. Trong cuộc sống hiện đại tại các thành phố, rất khó chọn được nhà ở theo đúng các nguyên tắc của phong thủy, do đó cũng phải châm chước, không thể quá câu nệ”! (trang 22). Rõ ràng thời buổi bây giờ không dễ gì tìm được địa điểm có núi và sông hồ để mua đất, làm nhà. Ngay cả thầy phong thủy cũng phải thừa nhận là không thể quá câu nệ, đã vậy cố tình liệt kê vấn đề này làm gì cho độc giả thêm thèm muốn?

2. Chọn màu cửa ra vào thích hợp

- “Màu sắc của cửa chính tốt nhất là hợp với mệnh ngũ hành. Gia chủ mệnh Kim, thì cửa chính màu trắng vàng nâu; mệnh Mộc, màu xanh nâu; mệnh Thủy, màu xanh trắng đen nâu; mệnh Hỏa, màu hồng da cam xanh; mệnh Thổ, màu hồng da cam vàng nâu” (trang 23). Theo bảng thống kê này, có thể thấy rõ màu nâu là màu có thể dùng chung cho 4 bản mệnh khác nhau, vậy sao không sử dụng một màu này làm màu tiêu chuẩn? Và xét về mặt thẩm mỹ kiến trúc, một cái cửa ra vào sơn màu hồng, da cam, vàng có vẻ như xăng pha nhớt, dù thầy bảo hợp cũng ít ai dám nghiến răng chịu chơi đồng bóng thế!

3. Nên làm phòng ăn có phương vị cát tường

- “Phòng ăn có phương vị tốt, rất có lợi cho vận khí của gia đình. Phía Nam có nhiều ánh sáng mặt trời và thuộc chất hỏa trong ngũ hành, có thể làm cho gia đình thịnh vượng như bốc lửa. Phía Đông Nam và phía Đông là nơi có mặt trời mọc, có nhiều sinh khí, là vị trí thích hợp để đặt phòng ăn” (trang 79). Phòng ăn ở phương vị không cát tường, không có nghĩa là cứ ngồi ăn là nuốt không trôi; phòng ăn ở phương vị cát tường, cũng không phải là cứ ngồi vào bàn là tự nhiên có sẵn thức ăn ngon lành! Điểm chính yếu là gia chủ có tiền mua thức ăn không, đầu bếp nấu nướng thế nào, chưa kể ăn với ai, ăn như thế nào cho ngon miệng? Tâm lý chung mọi người đều sợ bà Hỏa thiêu đốt, vậy mà làm cho gia đình thịnh vượng như bốc lửa, dễ có nguy cơ trắng tay lắm!

4. Nên đặt nhà bếp ở phương vị cát tường

- “Riêng bếp đun nấu thuộc tính hỏa có thể trấn áp khí hung, làm tăng thêm tài vận, sức khỏe, tránh tai nạn, trộm cắp. Chính thế nhà bếp vẫn phải chọn đặt ở phương vị cát tường” (trang 93). Nếu bếp ăn có tài năng như thế, thì nên sử dụng luôn bếp làm bảo vệ cho căn nhà. Nhiều nơi, nhiều gia đình chật chội, không đun bếp trong nhà, phải mang bếp dầu, than tổ ong ra trước ngõ hoặc vỉa hè đun từ sáng đến tối, chắc chắn vẫn có chức năng trấn áp như vậy, nhưng sao tai nạn, trộm cắp vẫn không thuyên giảm?

5. Nên đặt phòng học ở phương vị Văn xương

- “Văn xương là tên một chòm sao và cũng là tên vị thần chủ quản việc học vấn, công danh. Chỉ cần chọn đặt phòng học đúng vào phương vị Văn xương là sẽ gặp được thuận lợi trong việc học hành, thi cử, viết sách” (trang 106). Giải thích như vậy cũng có nghĩa là đâu có phòng học, ở đó có Văn xương. Trong trường học lớp nào cũng có Văn xương, thế nhưng học sinh vẫn học rất tồi, thi trượt đại học vô số. Liệu có phải những ai ngồi đúng hướng Văn xương trong lớp mới đỗ đạt? Không phải tác dụng của Văn xương, mà chính là học sinh lười học, không thích học. Nhiều học sinh ở nông thôn học trên lưng trâu, ngoài ruộng, bờ đê không có Văn xương mà vẫn đỗ thủ khoa thì sao? Nên kết luận rằng, chẳng có sao nào bằng sự nỗ lực phấn đấu chăm chỉ của bản thân người học!

6. Nên tránh biến ban công thành cửa hàng tạp hóa

- “Ban công là nơi nối thông con người với ngoại giới, gần với thiên nhiên, đưa không khí trong lành vào nhà, do đó cần coi trọng công năng của nó, không nên bày đặt đồ đạc đủ thứ linh tinh như một cửa hàng tạp hóa” (trang 169). Và “Nên đặt vật cát tường ngoài ban công như: Sư tử đá, rùa đồng, kỳ lân, chim ưng” (trang 176). Ngoài cây cảnh, hoa cảnh mọi người vẫn bày ra, còn thêm mấy thứ đồ vật vừa nêu trên thì ban công cũng gần giống như một cái kho chứa đồ rồi! Đặc biệt là trong các căn hộ chung cư, thì gần như 100% các căn hộ sử dụng ban công như nơi phơi quần áo, vì không còn chỗ nào khác thoáng khí hơn! Mà quần áo (tất nhiên bao gồm cả quần áo lót) sẽ kết hợp với cây cảnh và đồ vật cát tường thành một bãi tạp phẩm. Thế thời phải thế, biết làm thế nào khác được?

Mr. Địa Lâm