Quan trọng là giúp trẻ tự tin

Giáo dục - Ngày đăng : 07:26, 26/03/2012

(HNM) - Có một thực tế là HS hiện nay chưa được rèn luyện để ứng phó với các tình huống khó khăn. Bất kể sự không thành công trong học tập hay sự đổ vỡ nào trong các quan hệ với cha mẹ, bạn bè, thầy, cô giáo đều có thể khiến các em bị tổn thương tâm lý, có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.


- Có người cho rằng, HS ngày nay dường như thích ứng kém với khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Điều này có đúng không, thưa bà?

- Đúng vậy! Điều này có thể thấy qua sự gia tăng những ca tư vấn tâm lý HS trong những năm gần đây hay các sự kiện nổi bật liên quan đến các em, từ các hành vi không được kiểm soát như phản ứng gay gắt với bố mẹ, bạn bè, người thân… và nghiêm trọng hơn là đánh nhau, đánh hội đồng, tra tấn nhau, thậm chí là giết người, cướp của, tự sát và tự sát tập thể.


Học sinh cần được trang bị kỹ năng xã hội, kỹ năng sống thực tế để các em nâng cao năng lực ứng phó với các hoàn cảnh nảy sinh. Ảnh: Phương An


- Những hiện tượng nêu trên hẳn là có lý do. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng ứng phó kém trước khó khăn của HS?

- Khả năng ứng phó trước khó khăn của HS chính là việc làm chủ được tình huống nảy sinh và đưa ra cách thức ứng xử đúng đắn, phù hợp để vượt qua khó khăn. Việc trẻ không ứng phó tốt với khó khăn là do thiếu kỹ năng sống phù hợp độ tuổi, non nớt, kém tự tin. Điều này phần lớn là do cách ứng xử, giáo dục của bố mẹ, gia đình. Bố mẹ quá nuông chiều, bao bọc, chăm sóc trẻ thái quá, hoặc quá lơ là hoặc quá khắc nghiệt, hoặc bố mẹ không thống nhất trong phương pháp giáo dục… đều có thể dẫn đến hậu quả về mặt tâm lý. Hệ lụy từ cách giáo dục nói trên là trẻ không dám đương đầu, lẩn tránh tình huống khó khăn, sợ thất bại và khi gặp thất bại, dù là rất nhỏ thì trẻ cũng cảm thấy như "trời đất sụp đổ", dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, hành vi manh động như tự sát, hoặc tỏ vẻ "yêng hùng", thậm chí có thể liều mạng. Thực chất vấn đề là trẻ rất yếu đuối, non nớt.

- Mức độ trải nghiệm trong cuộc sống liệu có liên quan tới khả năng ứng phó của HS trước hoàn cảnh khó khăn, thưa bà?


- Hai yếu tố này liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu trẻ được trải nghiệm một cách đúng đắn, thông qua những gì diễn ra trong đời sống hằng ngày thì chúng sẽ có kinh nghiệm giải quyết vấn đề và do vậy, khả năng ứng phó với khó khăn sẽ tốt hơn. Có nghĩa là khi gặp khó khăn hay thất bại, trẻ sẽ không quá bỡ ngỡ, không dễ lâm vào trạng thái tuyệt vọng mà biết tìm cách vượt qua.

- Theo một nghiên cứu của nước ngoài, có đến 80% trẻ vị thành niên cho rằng quan hệ với bạn bè là quan trọng nhất, 70% coi quan hệ với mẹ là quan trọng nhất. Theo bà, chỗ dựa xã hội hình thành từ các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè giúp ích như thế nào cho HS khi chúng phải đối mặt với khó khăn?


- Từ lứa tuổi dậy thì, trẻ thích giao lưu với bạn bè nhiều hơn là bố mẹ, thầy cô, tuy nhiên, bạn bè chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trẻ trưởng thành. Trẻ cần có người lớn luôn đồng hành cùng chúng, có thể là bố mẹ, thầy cô, người bà con đáng kính hay người hàng xóm được nể trọng. Tóm lại, trẻ luôn cần bạn nhưng cũng cần có được một hình ảnh lý tưởng để noi theo. Hai nhân tố quan trọng là bạn và người lớn đáng kính, đáng tin sẽ là chỗ dựa đắc lực cho trẻ khi chúng gặp khó khăn.

- Vậy thì đứng trước một khó khăn về học tập, sinh hoạt, HS nên làm gì?

- Trước hết phải bình tĩnh. Nếu là khó khăn nhỏ thì có thể tâm sự với bạn cho vơi nỗi lo lắng. Tuy nhiên, với khó khăn lớn, chẳng hạn như không thể học một môn học nào đó cho dù đã rất cố gắng, hay bị thầy, cô giáo mắng oan, miệt thị trước lớp, bị điểm kém… thì HS nhất thiết phải tìm bố mẹ hoặc người lớn tin cậy để giãi bày, thậm chí phải tìm đến một nhà tâm lý để được tư vấn đầy đủ.

- Theo bà, HS cần được trang bị những kỹ năng gì để vượt qua khó khăn?

- HS phải được học các kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng chia sẻ, các kỹ năng sống thực tế (tham gia các lớp huấn luyện cuộc sống thực tế), đặc biệt là kỹ năng ứng phó với các khó khăn, qua đó để các em nâng cao năng lực ứng phó với các hoàn cảnh nảy sinh. Việc học này kéo dài trong nhiều năm tháng chứ không phải ngày một, ngày hai. Quan trọng nhất, theo tôi là bố mẹ nhanh chóng bổ sung cho con những gì con còn thiếu, ngay trong cuộc sống gia đình, chẳng hạn như ít bao bọc con hơn, để "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" hoặc cho trẻ tự giải quyết vấn đề của mình, khích lệ trẻ làm việc, động viên trẻ khi chúng gặp thất bại. Bố mẹ nên hạn chế sự nghiêm khắc thái quá, không nên áp đặt con mà hãy lắng nghe trẻ, cho trẻ một vị trí quan trọng trong việc quyết định những gì liên quan đến chúng. Bố mẹ cũng nên tham khảo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Việt Nam vì trong các văn bản này, những quyền trẻ được hưởng và những nghĩa vụ của trẻ được trình bày rất rõ; sự hiểu biết ấy thật sự có ích đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong việc ứng xử và giáo dục con cái.

- Xin cảm ơn bà!

Lâm Vũ