“Mẫu số chung” của tự phê bình và phê bình
Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 26/03/2012
Từ lý luận và thực tiễn cách mạng hơn 80 năm qua đã chứng minh rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng, tự phê bình và phê bình là vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta, là phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947 - một tác phẩm mẫu mực về xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng chương I với tiêu đề "Phê bình và sửa chữa": "Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Sau này, trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, khi nói về Đảng, một trong ba điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta là: "Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng..." (xin lưu ý: Chủ tịch Hồ Chí Minh xếp "tự phê bình" đứng trước "phê bình").
Sự cần thiết của vấn đề tự phê bình và phê bình là vậy, nhưng thực hiện công việc này hoàn toàn không đơn giản.
Theo quan niệm truyền thống của cha ông ta, gốc của thiên hạ là nước, gốc của nước là nhà, gốc của nhà là cá nhân. Nhưng thiên hạ, nước, cá nhân đều có mối quan hệ hữu cơ với nhau, mà trước hết tu thân (đối với cá nhân) là một việc làm cực kỳ quan trọng. Mỗi cá nhân, tu tập lấy được mình thì mới sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề; nhà cửa đã sắp đặt cho chỉnh tề thì nước mới sửa trị được; nước đã sửa trị, thiên hạ mới bình an. Về bản chất, con người là một tồn tại xã hội nên quá trình tu thân không chỉ bó hẹp trong sự phát triển luân lý đơn thuần mà còn được hiểu như một quá trình "xã hội hóa" của cá nhân con người nhằm mục đích đạt đến sự hoàn thiện của bản tính con người. Như vậy, tu thân trước hết là quá trình hòa nhập của cá nhân với đời sống cộng đồng, đồng thời cũng là quá trình tham gia tích cực của cá nhân vì sự phát triển của cộng đồng.
Tuy nhiên, để tu thân, để tự kiểm điểm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng bản thân để thấy những mặt tích cực của cá nhân mà phát huy, những yếu kém mà sửa chữa, khắc phục, lại không hề dễ. Dù vẫn biết "nhân vô thập toàn", con người khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm, nhưng thừa nhận sai lầm và khuyết điểm của mình để mà sửa chữa thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích, đó chính là một cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản thân mỗi con người. Và chỉ như vậy mỗi cá nhân mới có thể tự hoàn thiện mình thông qua rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu và tự răn. Nhưng tự phê bình cũng có mặt hạn chế khi chủ thể có sự chủ quan trong nhận thức: sai tưởng đúng, xấu tưởng tốt, trái tưởng phải... Vì vậy, cần có phê bình. Phê bình là chỉ ra khuyết điểm (hay ưu điểm) của người khác. Phê bình đúng sẽ giúp cho người mắc sai lầm, khuyết điểm thấy sự cần thiết phải sửa chữa. Người phê bình thường có thái độ khách quan hơn người tự phê bình.
Tự phê bình và phê bình là hai mặt của một vấn đề. Trên thực tế, cụm từ mà lâu nay đa số trong chúng ta quen dùng là "phê bình và tự phê bình". Nói cách khác là nhiều người thường xem nặng phần nhận xét, đánh giá, góp ý kiến cho người khác mà xem nhẹ việc tự soi, tự sửa, tự gột rửa những yếu kém, khuyết điểm của bản thân. Trong việc tự kiểm điểm cá nhân, những thành tích, điểm mạnh thường được "đánh bóng" bằng những cụm từ đọc qua, nghe qua đã thấy toàn là điều hay, điều tốt, liệt kê rất dài những cái tốt; còn những tồn tại, yếu kém thì chỉ xuất hiện ít ỏi hoặc được đề cập một cách sơ sài, chiếu lệ, rất chung chung, kiểu như "tính tình đôi lúc còn nóng nảy", "chưa mạnh dạn trong đấu tranh phê và tự phê bình", "một số phần việc chưa được sắp xếp khoa học"... Rồi trong những cuộc họp, người ta mượn chủ đề sinh hoạt tự phê bình và phê bình để đề cao cá nhân, "bơm thổi" những việc mình làm được, bào chữa, biện minh những khuyết điểm; trông trước ngó sau, đón ý cấp trên; che giấu khuyết điểm cho nhau, thậm chí vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; hoặc ngược lại (tình trạng này cực kỳ nguy hiểm) là bới móc, đả kích nhau với động cơ không trong sáng, biến cuộc họp thành nơi cấu kết nhóm nọ, nhóm kia để đấu đá, hạ bệ uy tín, mạt sát người khác... Ấy là chưa nói, còn có cả những chuyện "bằng mặt không bằng lòng", khích bác, "trước mặt thì nể, kể lể sau lưng", nói xấu, chia rẽ, bè phái...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tồn tại, khuyết điểm của từng cá nhân cũng như những "chứng bệnh". Tự phê bình và phê bình cũng như "thuốc" để trị bệnh. Không dám tự phê bình khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình, khuyết điểm càng chất chứa, bệnh tình càng nặng. Còn nể nang không phê bình để cho đồng chí mình sa vào lầm lỗi đến nỗi hỏng việc thì khác nào thấy người có bệnh mà không chữa bệnh cứu người. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc làm như cơm "ăn cho khỏi đói", như "rửa mặt cho khỏi bẩn". Đó là công việc hằng ngày, hiển nhiên cần thiết.
Tự phê bình và phê bình có một "mẫu số chung". Đó là nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để tư tưởng và hành động của từng cá nhân được đúng hơn và tốt hơn, để công việc có hiệu quả hơn. Suy cho cùng, tự phê bình và phê bình là một động lực của quá trình phát triển nhân cách. Tuy nhiên, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt nhất, nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên.
Nhìn ở một góc độ khác, tự phê bình và phê bình là hành vi văn hóa, vì vậy công việc này phải được thực hiện đúng như bản chất của nó. Hành vi văn hóa của tự phê bình và phê bình thể hiện trước hết ở sự đối thoại có văn hóa. Vượt qua cá thể tính của mình, mở lòng sẵn sàng tiếp thu những góp ý nhân bản, cùng nhau xây dựng và thúc đẩy tiến trình hoàn thiện mỗi cá nhân và cộng đồng để hướng tới sự phát triển của xã hội - đó cũng là một "mẫu số chung". Nghĩa là thực hiện tự phê bình và phê bình phải dựa trên nền tảng chung là tinh thần xây dựng, khách quan, trung thực. Bản thân trong tự phê bình phải mạnh dạn thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá chuẩn mực những ưu điểm, khuyết điểm của mình cho dù đó là những cái sai, cái dốt, cái kém mà không sợ mất thể diện, uy tín. Khi được người khác nhận xét, góp ý phải tiếp thu với thái độ thực sự cầu thị chứ không phải là ngụy biện cho khuyết điểm của mình, hoặc nhận lỗi qua loa để rồi đâu lại hoàn đó. Còn văn hóa trong phê bình là phải có thái độ đúng đắn trên cơ sở "lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn" để các vấn đề nêu ra được khách quan, công tâm, chính xác, đúng mực chứ không phải "yêu nên tốt, ghét nên xấu", dẫn đến tình trạng cùng phe cánh thì bao che, không cùng phe cánh thì bới móc, nói xấu lẫn nhau. Các vấn đề phê bình phải chính xác, trung thực cũng như được thực hiện công khai để đối tượng được phê bình nhận thấy khuyết điểm mà sửa chữa chứ không phải là thói vô trách nhiệm, trịch thượng, phát ngôn bừa bãi, rì rầm rỉ rả nói sau lưng, tạo ra sự nghi kỵ lẫn nhau, gây mất đoàn kết trong nội bộ, hòng trục lợi từ sự "đục nước béo cò"...
Tự phê bình và phê bình trong Ðảng là giải quyết những mâu thuẫn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, giữa sự đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ với trình độ năng lực còn hạn chế của đội ngũ cán bộ, đảng viên... Đây là những công việc luôn nóng bỏng, luôn cấp thiết để củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, xây dựng và phát triển Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong mọi giai đoạn lịch sử.