Cần phải có cơ chế tài phán với văn bản quy phạm pháp luật
Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 25/03/2012
Tháng 1-2012, trong phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận nội dung giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cho thấy cần phải gấp rút chấn chỉnh tình trạng này. Các vấn đề nêu trên chính là trọng tâm cuộc trao đổi của chúng tôi với TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
Ảnh: Thu Vân |
Trình độ chuyên môn của nhiều người chưa đạt yêu cầu
- Thưa ông, thời gian qua các cơ quan truyền thông nêu khá nhiều về những văn bản bị "tuýt còi". Bởi vậy nên dư luận xã hội chú ý nhiều hơn tới công việc của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). Vậy phải chăng công việc chính của những người trong nghề như ông là… "thổi còi"?
- Điều đó cũng đúng nhưng chưa đủ. Theo quy định, chức năng của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Có người nói rằng hai công việc cũng na ná như nhau. Thực ra, đó là hai nhánh công việc hoàn toàn khác nhau. Kiểm tra, xử lý tức là xem một văn bản khi được "đẻ" ra, đúng hay sai như thế nào ngay tại thời điểm ký hoặc ban hành. Đấy là cái việc người ta quen gọi nôm na là "tuýt còi" hay "đãi gạo nhặt sạn". Còn rà soát, hệ thống hóa là công việc căn chỉnh, làm trong sạch hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, giúp cho những quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế đời sống.
- Vậy thì khối lượng công việc hàng năm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là rất đồ sộ?
- Quả thực là phải "sờ" tới hàng vạn văn bản mỗi năm. Nhưng cũng phải có sự phân công, phân cấp!
- Khối lượng văn bản lớn như vậy, phân cấp cũng không đơn giản. Ông có thể cho biết rõ hơn?
- Bộ Tư pháp có Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các bộ ngành có cơ quan pháp chế; 63 địa phương đều có Sở Tư pháp, xuống tới các quận, huyện thì có phòng tư pháp... Nghĩa là chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan, đơn vị tham gia vào hai mảng việc này. Bên cạnh đó còn có hệ thống cộng tác viên từ trung ương tới các ngành, địa phương bao gồm các chuyên gia có đủ trình độ, năng lực chuyên môn... Tóm lại là từng công đoạn, phần việc đều có sự phân công cụ thể. Đơn vị chúng tôi hiện có 30 người cùng khoảng trên 100 cộng tác viên, chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý văn bản của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Xét về lý thuyết, hệ thống tham mưu, kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay là khá chặt chẽ từ trung ương tới cơ sở, thậm chí ở cấp phường, xã còn có cán bộ làm công tác tư pháp. Song vấn đề đặt ra là, dù có nhiều cơ quan tham mưu, thực hiện chức năng giám sát như Sở Tư pháp giám sát việc ban hành văn bản của các quận, huyện, thị xã; các phòng tư pháp giám sát việc ra văn bản của các phường, xã..., nhưng đến văn bản của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố còn chưa chuẩn thì chắc chắn càng ở dưới càng có nhiều sai sót. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Có cả nhận thức, trình độ chuyên môn, có cả yếu tố về cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát... Người soạn thảo, cơ quan soạn thảo văn bản để lại lỗi, người thẩm định, đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định cũng không phát hiện ra, đó là cái gì? Do vậy mới có những lỗi rất sơ đẳng, ví dụ về mặt câu chữ, ngôn ngữ, thể thức diễn đạt. Tôi nói thẳng, cứ 10 văn bản đưa cho tôi đọc phải đến 6-7 văn bản tôi phát hiện sai về thể thức, câu chữ không chuẩn. Năm 2011, chúng tôi đã kiểm tra, thẩm định 30 văn bản do Bộ Tư pháp ban hành, phát hiện 2 văn bản sai nội dung và thể thức, kỹ thuật trình bày. Ngay cả dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ thuật soạn thảo văn bản, chúng tôi vẫn phát hiện ra 4-5 lỗi; dù chỉ là lỗi nhỏ, nhưng ý tôi muốn nói, với cơ quan có chuyên môn cao trong việc này vẫn còn có thể xảy ra sai sót... Như vậy là trình độ nhiều người làm công tác này còn chưa chuẩn, nếu không muốn nói thẳng ra là còn thấp, chưa đạt yêu cầu.
Thượng tôn pháp luật
- Có một vấn đề, nếu hệ thống tham mưu, kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật từ trên xuống dưới hoạt động có hiệu quả thì chắc chắn sẽ động chạm tới nhiều bộ, ngành, địa phương?
- Đó cũng là điều dễ hiểu vì chẳng ai thích mình bị "tuýt còi", chẳng ai thích "vạch áo cho người xem lưng".
- Nhiều khi xuất hiện những văn bản vi phạm pháp luật, thậm chí là trái pháp luật là do lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương?
- Trong nhiều trường hợp, tâm lý quản lý là như vậy. Người ta thường muốn dành thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương mình bằng việc dựng lên các quy định, thủ tục mà không nghĩ tới khó khăn của người dân, khó khăn của xã hội, bất chấp chuẩn chung, bất chấp kỷ cương phép nước. Ví dụ khi chúng tôi kiểm tra quy định của các địa phương về việc xử phạt hành chính thì hơn một nửa số tỉnh, thành phố có những văn bản đưa ra hành vi, mức phạt, thẩm quyền phạt... trái với các quy định của Trung ương, thậm chí "tréo ngoe" với các quy định của pháp luật. Hay như qua kiểm tra cũng có hơn một nửa số địa phương trong cả nước đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư trái pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền... Rồi một số địa phương đưa ra những quy định cấm đoán, xâm phạm quyền lợi của công dân theo kiểu ngăn sông cấm chợ.
- Nhưng người ta thường biện hộ bằng những lý do như phải căn cứ vào đặc thù, tình hình địa phương, căn cứ vào những khó khăn trong công tác quản lý của bộ, ngành vào thời điểm nhất định?
- Có những chuẩn mực bắt buộc phải tuân thủ. Vấn đề là "thượng tôn pháp luật". Cũng như nên nếp trong gia đình, bố mẹ không giữ chuẩn mực, gia phong để con cái lấy lý do nọ kia, thích làm gì thì làm sao được? Tuy nhiên cũng có thể từ những văn bản không chuẩn khi chúng tôi kiểm tra cho thấy có những vấn đề của luật pháp hoặc trong những quy định của trung ương có những bất cập, cần phải kiến nghị sửa đổi, căn chỉnh lại cho phù hợp với tình hình. Đó là tính hai mặt của vấn đề và cũng chính là hai mảng trách nhiệm của chúng tôi.
Công tác quản lý cần phải chuyên nghiệp
- Ông từng đề cập tới việc một số người làm công tác chuyên môn mà trình độ, năng lực còn hạn chế. Nhưng qua phân tích ở trên có thể thấy, nhận thức của một số người làm công tác lãnh đạo, quản lý cũng "có vấn đề" khi xuất hiện những văn bản vi phạm pháp luật?
- Có thể nói là nhận thức chưa đến độ. Cụ thể ra là nhận thức của một số người làm công tác lãnh đạo, quản lý đối với vấn đề này chưa "bắt" kịp với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, chưa nắm chắc "chuẩn" của quy định.
- Khi ban hành văn bản không chuẩn, cơ quan chức năng có ý kiến, họ muốn "đóng cửa bảo nhau", không muốn công khai phân tích những đúng sai theo quy định của luật pháp?
- Đó là nhược điểm có trong "tâm lý truyền thống" của chúng ta. Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền là điều phải làm và cần phải có một hệ thống pháp luật chuẩn để đáp ứng yêu cầu của đời sống. Do đó, cái gì sai, cái gì chưa chuẩn thì phải sửa, phải căn chỉnh lại để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ trên xuống dưới, là vấn đề nguyên tắc. Tuy nhiên "tâm lý truyền thống" hiện nay là không muốn... chế nhau, có khi là sai rõ ràng nhưng khi yêu cầu xử lý đúng quy định thì vẫn cứ bao che, né tránh, cứ muốn "đóng cửa bảo nhau".
- Sự thật thường hay mất lòng. Người ta thích khen, thích thành tích chứ mấy ai thích công khai... khuyết điểm của mình. Nhiều người biết phải làm những gì, nhưng để làm tới nơi tới chốn thì... lại ngại, nói một cách hình ảnh là dễ "đứt gánh giữa đường"...
- Theo tôi, bây giờ phải tác nghiệp một cách chuyên nghiệp. Người làm báo, người làm luật, người lãnh đạo, quản lý... đều cần sự chuyên nghiệp.
- Nghĩa là mọi việc đều phải công khai, minh bạch, sòng phẳng, đúng quy chuẩn?
- Nghe có vẻ hơi... nhạy cảm. Nhưng rõ ràng đó là điều cần thiết mang tính sống còn của một xã hội văn minh, nếu không muốn tạo điểm nóng, bức xúc.
- Thưa ông, những văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành, nếu sai hoặc... không chuẩn có thể tác động đến quyền, lợi ích của từng nhóm đối tượng hoặc số đông trong xã hội. Vậy trách nhiệm của những người ban hành ra văn bản đó thế nào?
- Đúng là kỷ luật, kỷ cương hành chính của chúng ta trên thực tế chưa nghiêm. Theo tôi biết, mới chỉ là phê bình, nhắc nhở chứ chưa có trường hợp nào ra văn bản sai mà bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là cách chức, buộc thôi việc. Nếu ra quy định sai, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân thì phải có trách nhiệm rõ ràng, sòng phẳng. Đáng tiếc, nhiều trường hợp, ta chưa làm tốt.
Người "thổi còi" có chịu sức ép?
- Qua trao đổi với ông một số vấn đề mới thấy "sáng ra" phần nào sự cần thiết của công tác kiểm tra, rà soát, xử lý và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
- Chúng tôi đang cố gắng để chuẩn hóa điều đó. Hoạt động của cả bộ máy, hệ thống càng tốt bao nhiêu thì càng tránh cho xã hội có những rào cản không phù hợp hoặc trái với những quy định của pháp luật bấy nhiêu. Và đã đến lúc không thể tùy tiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Có như vậy mới có thể tăng cường pháp chế trong nhà nước pháp quyền. Thực hiện công khai minh bạch, tăng tính thân thiện của thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển chung của xã hội. Góp phần điều chỉnh thái độ làm việc của cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, phòng ngừa và đẩy lùi các hành vi tiêu cực... Nói có vẻ công thức, nhưng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng.
- Tuy nhiên cũng cần có cơ chế chặt chẽ và đủ sức nặng để ngăn ngừa "căn bệnh" hành dân, tùy tiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như việc xử lý mà chúng ta vừa đề cập ở trên chẳng hạn?
- Cùng với đó là sự thay đổi trong nhận thức về vấn đề này cũng như nâng cao trình độ, năng lực của những người làm công tác chuyên môn. Và đặc biệt là sự cần thiết có cơ chế tài phán đối với các văn bản cùng các thể chế cho cơ quan ban hành văn bản. Tôi là người rất tha thiết về việc cần phải có cơ chế tài phán đối với một văn bản. Không nên để mãi tình trạng như hiện nay.
- Được biết, ông làm công tác này đã 10 năm nay, hỏi thật, ông có phải chịu nhiều sức ép không?
- Có chứ! Vì đụng đến, phán xử việc của các vị chức sắc mà.
- Trước khi "thổi còi" từng văn bản cụ thể ông có... căng thẳng không? Thậm chí ông có phải chịu những tác động can thiệp vào công việc của mình không?
- Cũng có rất nhiều điều... phải nghĩ. Nhưng quan trọng là mình làm đúng và cần thiết phải như vậy. Bên cạnh năng lực, trình độ còn là bản lĩnh, phải dám tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình...
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian đối thoại!
Trong năm 2011, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận tổng số 4.219 văn bản từ các nguồn, tiến hành phân loại trên 2.165 văn bản, kiểm tra gần 1.800 văn bản, trong đó có 1.388 văn bản của các địa phương. Kết quả đã phát hiện 520 văn bản có dấu hiệu trái luật, chiếm 29% số văn bản kiểm tra. Tổng số nội dung phát hiện trái pháp luật là 655. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phân loại đã có 37 thông báo đối với 49 văn bản các bộ, ngành, địa phương ban hành có dấu hiệu trái luật. Theo đó, 5 văn bản đã có kết quả xử lý, 8 văn bản đã được cơ quan ban hành có kết quả trả lời kèm phương án khắc phục, xử lý. Như vậy còn 36 văn bản chưa có thông tin phản hồi chính thức. Dù hầu hết các thông báo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương tiếp thu nhưng do chưa kịp thời xử lý dẫn đến quá trình khắc phục kéo dài đối với một số văn bản. |