Vì sao các bến cảng được xây ở bờ lõm của sông?

Xã hội - Ngày đăng : 05:00, 25/03/2012

Nếu quan sát tỉ mỉ một chút vị trí của các bến cảng, bạn sẽ phát hiện thấy phần lớn chúng đều được xây dựng trên bờ lõm của sông. Vì sao vậy? Nếu hiểu được những kiến thức dưới đây, ta sẽ rõ điều đó không có gì là bí ẩn.

Các dòng sông do chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên nên phần lớn đều uốn quanh. Khi dòng nước chảy qua một khúc sông cong thì ngoài việc chảy xuống hạ lưu theo hướng dọc, do tác dụng của lực ly tâm nên nước sông còn đổ về phía bờ lõm (bên lở), hình thành dòng chảy theo hướng ngang.

Dưới tác dụng của dòng chảy theo hướng ngang, khi tầng trên của dòng chảy cuốn vào bờ lõm sẽ va đập vào đó làm cho dòng nước chảy từ bờ lõm xuống đáy sông không ngừng, rồi thoát ra chỗ đó, mang theo rất nhiều bùn cát ở nơi ấy về phía bờ lồi (bên bồi). Dưới tác dụng của trọng lực, bùn cát sẽ lắng đọng chất thành đống ở đây.

Sau đó tầng trên dòng nước lại tiếp tục xoáy vào bờ lõm. Kết quả của sự chuyển động không ngừng ấy làm cho đáy sông bờ lõm ngày càng sâu, còn đáy sông bờ lồi ngày càng nông khiến dòng chính của sông ngày càng xa bờ lồi và lệch về bờ lõm.

Khi lựa chọn địa điểm xây dựng bến cảng, nói chung chọn được nơi nào nước càng sâu càng tốt, vì như vậy mới thuận tiện cho việc tàu thuyền lớn cập bến. Do đó, đa phần các bến cảng lớn đều được xây dựng ở bờ lõm của dòng sông, ở đó nước tương đối sâu. Các bến cảng trên sông Trường Giang của Trung Quốc, sông Thames của Anh… đều được chọn vị trí theo cách này.