Đưa bảo tàng vào tour du lịch: Vẫn là bài toán khó

Du lịch - Ngày đăng : 07:18, 24/03/2012

(HNM) - Một lần nữa, vấn đề đưa bảo tàng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách lại được Tổng cục Du lịch và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đưa ra bàn luận tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 21-3.


Chưa tạo được điểm nhấn

Được đánh giá là một trong những bảo tàng năng động, biết cách "làm mới mình" để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa truyền thống của người dân cũng như du khách quốc tế nhưng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn còn là địa chỉ được ít người biết đến, trong đó có cả các hãng lữ hành.

Du khách tham quan các hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.


Chia sẻ về những cố gắng đổi mới cơ sở vật chất và tư duy trưng bày triển lãm, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng cho biết, sau một thời gian nâng cấp, chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, bảo tàng đã mở cửa trở lại đón khách tham quan vào tháng 10-2010. Từ mô hình lịch sử văn hóa, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, bảo tàng đã mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên đề về giới, năng động và hiện đại hơn. Cơ sở vật chất cũng đã được cải tạo, nâng cấp, ngay từ cổng vào đã tạo sự lôi cuốn với những màu sắc ấn tượng. Thậm chí, bảo tàng còn có cả hệ thống dịch vụ ăn uống và phòng khám phá dành cho trẻ em. Bảo tàng cũng lựa chọn 3 chủ đề chính, gồm phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ nhằm thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ đất nước... Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, với "cuộc cách mạng" này, chúng tôi mong muốn cơ sở vật chất của bảo tàng ngày càng hoàn thiện để giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử và văn hóa của phụ nữ Việt Nam tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Cố gắng là vậy nhưng theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, để trở thành điểm đến thực sự thu hút du khách, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Anh Quốc Trung, đại diện Công ty Du lịch Vidotour dẫn chứng, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các hãng lữ hành phải rút ngắn ngày tour do túi tiền của du khách eo hẹp. Mặt khác, họ còn phải cân nhắc kỹ việc lựa chọn điểm đến để đưa vào tour chào bán. Đơn cử đối với City tour - du lịch trong nội thành Hà Nội chỉ kéo dài từ nửa ngày đến một ngày thì bảo tàng lại không phải là điểm dừng chân phổ thông như phố cổ, múa rối nước, nghe ca trù hay ngồi xích lô ngắm phố phường. Nếu du khách có nhu cầu tham quan bảo tàng, các công ty du lịch chỉ đưa khách đến một số bảo tàng có thương hiệu như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh hay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. "Đứng trước sự cạnh tranh của sản phẩm du lịch ngày càng khó khăn như hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói riêng và hệ thống bảo tàng trên cả nước nói chung muốn tồn tại phải tạo được điểm nhấn với những sản phẩm trưng bày độc đáo, kịp thời đưa thông tin đến các đơn vị lữ hành. Nếu làm không tốt bằng các điểm khác, bảo tàng sẽ mất khách", anh Quốc Trung nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Phượng Hoàng cho rằng, hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, chưa tạo được dấu ấn với du khách. Những hiện vật trưng bày ở đây chỉ đủ để du khách trong nước hiểu, còn với khách nước ngoài thật khó lòng cảm nhận hết nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, những người đã góp công bảo vệ đất nước, gìn giữ mái ấm gia đình. Thậm chí, bảo tàng chỉ tập trung nhiều đến phụ nữ miền Bắc và phụ nữ thời nay mà chưa đưa ra được cái nhìn tổng quát về phụ nữ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và hình ảnh người phụ nữ bất khuất, kiên cường, trung hậu, đảm đang trong thời kỳ chống ngoại xâm. Bảo tàng Phụ nữ nên hoàn thiện phần trưng bày bằng việc tăng cường thêm nhiều hiện vật, những hoạt cảnh sinh động để thu hút du khách quốc tế một cách hiệu quả.

Làm gì để "hút" khách?

Không chỉ riêng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mà nhìn chung các bảo tàng ở Hà Nội đều chưa thu hút được khách quốc tế. Chỉ có số ít bảo tàng đã xây dựng được thương hiệu với khách quốc tế và được họ yêu thích. Đứng đầu danh sách các bảo tàng thường xuyên đón du khách quốc tế là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tiếp đến là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam...

Những người làm du lịch nhận thấy, nguyên nhân khiến du khách chưa "hào hứng" với những chương trình tham quan bảo tàng là ở chỗ, lâu nay, hệ thống bảo tàng mới chủ yếu chú trọng tới hoạt động trưng bày theo cách truyền thống mà chưa quan tâm nhiều đến việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu. Để bảo tàng là điểm đến quen thuộc và yêu thích của du khách khi đặt chân đến Thủ đô, theo đại diện Công ty Du lịch Vẻ đẹp Việt, bảo tàng nên tăng cường thêm nhiều chương trình "động" vào không gian trưng bày để du khách tự hiểu và cảm nhận. Ngoài ra, tại đây cũng nên tạo những điểm nhấn bằng việc lồng ghép các hoạt động văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Hà Nội như tổ chức khu tiệc trà, những gánh hàng rong, điểm hát ca trù...

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện có 8 hướng dẫn viên sử dụng hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Điều khiến các hãng lữ hành băn khoăn là với lượng khách du lịch đông và đến từ nhiều quốc gia, liệu bảo tàng có đủ thuyết minh viên biết nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là các ngoại ngữ hiếm, để thuyết trình cho  khách hay không (?). Vì vậy, một trong những việc làm để nâng cao chất lượng dịch vụ của bảo tàng là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên - bởi đây chính là cầu nối "kéo" du khách đến với bảo tàng.

Xuân Lộc