Luật “đá” luật
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 24/03/2012
Luật Ban hành VBQPPL quy định cả 3 cấp (tỉnh, thành phố; quận, huyện; xã, phường) đều có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung như nhau nhưng chỉ khác ở cấp độ. Điều đó dẫn đến hệ thống văn bản ở địa phương trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc và rất khó kiểm soát. Còn thẩm quyền ban hành VBQPPL thì bị xé nhỏ theo phạm vi quản lý và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND, đã dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác ban hành văn bản, gây tốn kém, lãng phí nguồn tài chính và nhân lực cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản ở địa phương.
Kết quả là nhiều tỉnh, thành phố không đủ căn cứ để phân biệt được văn bản cá biệt và văn bản QPPL. Qua 1.388 văn bản của địa phương được Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra từ đầu năm 2011 đến nay có hàng trăm văn bản có dấu hiệu sai cả về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày và nội dung, hiệu lực, vượt quyền, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời khiến người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức khác khó khăn khi thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, tất cả các văn bản này đều được Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành, nhưng khi chất lượng có vấn đề thì lại "quy" cho cơ quan soạn thảo, hay đổ lỗi kinh phí ít, con người có hạn. Hiện cũng mới chỉ có một vài người soạn văn bản bị xử lý với hình thức "kiểm điểm", nhắc nhở.
Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải pháp điển hóa các loại văn bản để tiện tra cứu ứng dụng, khắc phục mâu thuẫn đang tồn tại. Đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng chuyên trách và quy định rõ hình thức xử lý các cá nhân sai phạm.