Nguồn vốn ít, mất cân đối

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 23/03/2012

(HNM) - Trong những năm qua TP đã tập trung chỉ đạo tốt việc thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực đầu tư cho khu vực nông dân, nông thôn và nông nghiệp nhưng do nguồn vốn còn hạn chế, nên đầu tư thấp.


Đầu tư trực tiếp nông nghiệp chỉ đạt hơn 3%

Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ đầu tư hằng năm cho khu vực nông thôn ngày càng tăng, năm 2009 đạt 31,8%, đến năm 2011 đạt 39,5% tổng đầu tư ngân sách của TP. Trong 6 năm qua TP đã đầu tư 27.094,455 tỷ đồng cho "tam nông". Trong đó giao thông nông thôn chiếm 29,2%, giáo dục, văn hóa, y tế chiếm 34,1%… Nhưng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp chỉ 7,7% so với tổng đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Nếu không tính đầu tư cho hệ thống đê điều, phòng, chống lụt bão thì hằng năm tỷ lệ đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp chỉ đạt hơn 3% so với tổng đầu tư công của TP. Việc đầu tư các lĩnh vực "tam nông" còn chưa đều, cụ thể tỷ lệ đầu tư cho giao thông, giáo dục chiếm 60% tổng đầu tư cho nông thôn, trong khi đó tỷ lệ đầu tư cho các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, cấp nước sạch, đặc biệt là đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp rất thấp. Còn có tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống thủy lợi, đặc biệt là hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng chưa được quan tâm đầu tư nhiều nên còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn…


Mô hình sản xuất rau an toàn ở huyện Đông Anh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P. An

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, TP đã quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nên một số mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế như rau an toàn (RAT) ở Đông Anh, nuôi trồng thủy sản sạch ở Đông Mỹ (Thanh Trì)… nhưng thực tế nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chưa hình thành được vùng sản xuất RAT, chăn nuôi một cách ổn định bền vững. Từ năm 2009, trong 3 dự án được TP phê duyệt là dự án RAT, dự án nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư chỉ duy nhất có dự án RAT được khởi động, còn 2 dự án chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện rất chậm. Còn thiếu các dự án áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hoặc có nhưng triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu. Chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân còn thiếu, chưa đồng bộ. Chưa xây dựng được cơ chế thu hút các DN tham gia dự án nông nghiệp, hạ tầng nông thôn trong khi thủ tục hành chính tiếp nhận DN vào lĩnh vực này còn phức tạp. Đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và rủi ro cao nên không có DN nào mặn mà. Chính sách về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chưa thỏa đáng nên người dân lo ngại.

Điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý

Các huyện, thị xã đều có chung đề nghị TP nên sớm thông qua quy hoạch nông nghiệp để những dự án đã phê duyệt có cơ sở triển khai; các sở, ngành cần sớm thông qua chính sách hỗ trợ đầu tư cho "tam nông" mang tính đặc thù riêng của nông nghiệp Thủ đô và đầu tư cân đối giữa các lĩnh vực. Các dự án nông nghiệp nên phân cấp cho huyện để chủ động thực hiện lập đề án, còn khi triển khai xin ý kiến của các sở, ngành, mục đích để dự án triển khai nhanh mà vẫn bảo đảm tính pháp lý. Đề nghị Chính phủ và TP cần tập trung ưu tiên đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách điều hành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, xác định nông nghiệp Hà Nội phải tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, không phát triển manh mún. Từ nhiều năm qua TP đã có những cơ chế hỗ trợ cho nông nghiệp nhưng thực tế khi triển khai ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao như Trạm bơm Hoàng Nguyên (Phú Xuyên), dự án 16 trạm cấp nước ở các huyện… gây lãng phí đầu tư. Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho các địa phương hợp lý, tránh tình trạng đầu tư mất cân đối giữa các lĩnh vực. Cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án thuộc lĩnh vực môi trường, cấp nước sạch, thủy lợi, RAT, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao… làm cơ sở tăng tỷ lệ đầu tư những năm tới. Cần có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực "tam nông" cũng như các chính sách hỗ trợ nông dân. Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải, gây thất thoát lãng phí, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, xử lý nghiêm những sai phạm làm thất thoát vốn.

Quỳnh Dung