Đò đêm ngược sông Hồng

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:20, 23/03/2012

(HNM) - Không biển báo, không lời chỉ dẫn nhưng bến thuyền đó cứ tồn tại từ bấy lâu trong cái rủ rỉ của người buôn chuyến từ thượng nguồn sông Cái xuống Hà thành hoa lệ để mưu sinh.

Đêm mưu sinh cùng dòng sông

7 giờ tối một ngày tháng ba, trời còn mịt mù sương giăng chẳng ra nực cũng chẳng phải tiết hàn, bác lái đò lực lưỡng cong người chống cây sào xuống đẩy thuyền vượt ra khỏi bãi lầy. Con thuyền xoay ngang te tái lao ra giữa dòng. Vừa lặng lẽ chui qua cầu Chương Dương, Long Biên rực rỡ ánh đèn, đêm sâu thăm thẳm đã chồm tới như muốn ôm gọn con thuyền mong manh đó. Ngược dòng thêm đoạn nữa, qua cầu Thăng Long đến đền Chèm là coi như đã làm bạn với ánh trăng suông. Rời Hà Nội như vậy, khiến chúng tôi đôi chút tủi lòng, nhất là khi chả mấy ai hay con thuyền về đâu trong thăm thẳm Hồng giang. Ngồi sau rốt, giữ chặt bánh lái, bác chủ thuyền rủ rỉ rót vào tai: "Cách đây vài năm dân thương hồ buôn bán trên sông Hồng rộ hơn, nhưng lúc ấy cũng chỉ có những thuyền một hai chục tấn. Còn bây giờ, số lượng thuyền có ít hơn nhưng được thay bằng thuyền sắt, trọng tải lên tới 50-100 tấn. Người buôn xuôi ngược giờ vãn hẳn, chẳng biết vài năm nữa tôi còn trụ với nghề không". Nghe câu này, chúng tôi chợt nghĩ, rất có thể mình đang là những người may mắn ngồi đò đi trên một tuyến đường sắp bị thời gian khắc nghiệt khai tử.

Chân dung một chủ thuyền.


Cũng chẳng ai ngờ, một chuyến đi đêm trên sông dài tới 60km (Từ Hà Nội về Vĩnh Phúc) chỉ phải trả 20.000 đồng/người. Đó là giá chủ thuyền nói là mới tăng để bù lại chi phí đắt đỏ. Còn mấy năm trước, ngược sông Hồng chừng ấy đường chỉ mất 7.000 đồng/người. Bất ngờ hơn khi khách trên thuyền đa phần là phụ nữ ở những tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Hằng ngày, họ chuyển hoa quả thu gom được ở các chợ vùng quê về Hà Nội. Bán buôn cả ngày rồi chẳng ai hẹn ai cứ chập tối lại thấy họ về bến, gặp nhau trên thuyền khi tất cả đều mệt lả…

Đêm như hũ nút. Con thuyền dài vậy mà như lọt thỏm và lạc lõng giữa dòng. Đi trong sương giăng lạnh buốt, có khi chỉ cách một con sào mà chẳng thấy mặt, chỉ bập bõm tiếng máy phành phành phía dưới đuôi hất lên theo chiều ngược gió nghe buồn não. Phải cúi sát người xuống sàn chúng tôi mới nhìn được lối lên mũi tàu giữa tiếng ràn rạt của nước và rặt những thứ hàng hóa quen thuộc của dân thương hồ. Chục cái xe thồ lỏng chỏng, quang gánh, mấy đôi gà gật gù nằm gối lên nhau. Thứ xa xỉ nhất trên cả con thuyền là một bộ xa lông lót mút rách nham nhở, giờ làm chỗ ngả lưng hữu dụng cho một lão nông ngoài 60 lên thuyền sớm nhất. Ông cụ khoác chiếc áo bông cũ mèm nằm ngả ra khoan khoái tấm tắc mãi vì tìm được chỗ ngủ "đắc địa" từ lúc tàu vượt cạn qua doi đất Tứ Liên.

Câu chuyện nhà thuyền

Trăng hạ tuần tháng hai âm pha sương đùng đục. Trăng hắt thứ ánh sáng như bóng đèn thiếu điện xuống mặt sông rộng mênh mông, dòng sông in bóng trăng như thể được dát bạc. Lão nông tưởng đang thiu thiu trên chiếc xa lon bỗng thở dài nói một mình: "Cữ này mà trăng thế kia hẳn còn vài đận rét nữa". Thuyền ngang qua địa phận xã Phú Thượng, có tiếng xì xào của mấy bà buôn trong khoang: "Chỗ này mấy năm trước đắm tàu chết bao nhiêu người đấy!". Chuyện xầm xì thế mà làm khối người trong đó có tôi giật mình. Càng rợn hơn khi biết hiện tại trên tàu chỉ có 2 chiếc phao cũ mèm đã mủn trơ cốt. Thoáng lạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi chợt nhớ tới câu chuyện đã từng trao đổi với thanh tra giao thông đường thủy.

Đúng là nếu kiểm tra điều kiện an toàn trên sông nước với tất cả thuyền bè kiểu như thế này là khó trăm bề khi đơn vị chỉ có hơn chục người phụ trách cả tuyến sông rộng mênh mông thuyền bè đi lại tấp nập!? Trên lưu vực 4 con sông chảy qua địa bàn Hà Nội (sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống), hiện có 41 bến đò ngang, 2 bến đò dọc vận chuyển hành khách, trong đó có đến 23 bến hoạt động không phép với khoảng 300 tàu thuyền lớn bé đang hoạt động. Nguy hiểm luôn rình rập cả 9 bến đò ngang trên địa bàn huyện Ba Vì, 2 bến của huyện Đông Anh và 2 bến tại huyện Phúc Thọ... khi tất cả các bến này đều không được phép hoạt động. Chỉ duy nhất bến Chương Dương là có giấy phép và phương tiện vận chuyển hành khách đã đăng ký.

Vậy nhưng hằng ngày, hằng giờ, những con đò mưu sinh vẫn bám vào dòng sông, ngược xuôi ặc è chở người, hàng... cưỡi trên lưng "hà bá", bất chấp hiểm nguy.

Chiếc đồng hồ chạy bằng pin con thỏ bé như bao thuốc lá của nhà thuyền điểm 22 giờ đêm. Con tàu lầm lũi lao ngược dòng. "Xuống khoang thuyền mà nằm, có chiếu đấy!" - giọng ai nói vẳng ra phía dưới khoang, hình như đó là lời đối thoại đầu tiên khi tôi bước chân xuống con đò. Rờ bước chân về phải dụi mắt đến mấy lần tôi mới định hình được không gian trong khoang thuyền có đến gần hai chục người phụ nữ đang ngủ la liệt trên những tấm ván mà nhà thuyền gác lên làm "giường". Ở dưới cái giường bất đắc dĩ đó là những vũng nước đọng kinh niên cùng muỗi và… muỗi. Người đàn bà vừa nói với tôi là người duy nhất không ngủ. Chị tên Xoan 42 tuổi ở xã Tân Lập huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có thâm niên trên chục năm ngược xuôi trên con sông này. Cũng như bao người đàn bà khác, họ đều là những lao động chính trong gia đình. "Còn biết làm gì hả chú? Quê tôi vùng trũng đời sống khó khăn nên mới phải đêm hôm mò mẫm như thế này. Sông nước thế, nghĩ đến cuối năm "hà bá tuyển quân" thì ai chẳng sợ. Nhưng sợ mà nghỉ chợ một ngày thì chắc chết… đói ngay".

Dân buôn nằm la liệt trong khoang.

Chân dung thủy thủ

Chặng tiếp theo xuôi về Lập Thạch chỉ còn khoảng hơn chục người. Không chợp mắt được vì muỗi cắn, tôi lân la hỏi chuyện ông chủ thuyền vừa được vợ thay ca. Ngồi trên võng, thõng thượt đôi chân khẳng khiu xuống. Ngồi theo cách đó bà chủ tàu tên Soi vừa lái tàu vừa rổn rảng chuyện: "Ngoài 60 rồi đấy! Gần đất xa trời nhưng vợ chồng tôi phải tồn tại trên con thuyền này cốt để cho con cái yên tâm mà đi xa làm ăn. Nhất là tách thằng út mới ngoài đôi mươi ra với chúng bạn hư". Ấy là bà Soi đang nói đến gã đàn ông bặm trợn vẫn im lặng chẳng nói câu nào từ lúc tôi lên thuyền. Nói về kinh nghiệm sông nước bà Soi khẳng định chắc nịch: "Tôi có bằng lái tàu chứ. Nhưng có điều để ở… nhà. Mà cứ đi thuyền thôi chứ ăn thua gì chú ơi, khách qua được sông đâu có nhớ đến đò, xăng nhớt, rồi luật lá cho mấy ông cũng hết". Bà hạ giọng.

Tôi biết bà chủ nói vậy cho oai, chứ theo Cục Đăng kiểm Việt Nam dễ có đến 3/4 đò dọc chở hàng và chở khách chưa đăng kiểm. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều phương tiện tuy quá hạn đăng kiểm nhưng khi bắt được chỉ bị xử phạt hành chính và vẫn được phép tham gia giao thông, dẫn đến chuyện chủ đò trốn tránh đăng kiểm. Chính ông Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1 phải than thở: Mỗi khi có phương tiện sắp hết hạn đăng kiểm định kỳ, đơn vị đều liên lạc với chủ phương tiện để thông báo và đề nghị thu xếp địa điểm, thời gian để cử đăng kiểm viên đến đăng kiểm, nhưng đa số chủ phương tiện đều "từ chối khéo", hoặc hẹn mà không tới, thậm chí thẳng thừng từ chối hợp tác.

Tàu đi một mạch đến 2 giờ sáng là tới bến cuối thuộc xã Trung Hà thuộc Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Dân buôn lục tục xuống bến. Nghe điện thoại nhà giục về, mấy người chúng tôi chẳng ai bảo ai vội vã bắt xe ô tô về Hà Nội cho an toàn. Ngồi vững trên xe ô tô rồi mà trong đầu vẫn vương vất những cảnh thương tâm con mất cha, chồng mất vợ vì những tai nạn chìm đò thảm khốc dọc các tuyến đường thủy thời gian qua.

Triệu Dương