Bài 9: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 23/03/2012
Là đảng bộ có nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, khẳng định vị thế người đứng đầu qua đánh giá hiệu quả công việc, ông Vũ Đức Bảo, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Long Biên đã có cuộc trao đổi với PV Báo Hànộimới về vấn đề này.
- Theo quy định, người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm cùng tập thể hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào địa phương, đơn vị mình. Tuy nhiên, cùng một chủ trương, chính sách, nhưng việc thực hiện cũng như hiệu quả công việc mỗi nơi một khác. Vậy theo ông cần các điều kiện, cơ chế nào để người đứng đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ?
- Để người đứng đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi cho rằng ngoài việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, các quy định của Đảng thì phải được thể chế bằng các quy chế hoạt động của cấp ủy. Đương nhiên, với chủ tịch là lãnh đạo bằng cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước, bí thư lãnh đạo bằng nghị quyết, chủ trương… Người đứng đầu phải tuân thủ nguyên tắc "tập trung dân chủ" trong quyết định những vấn đề lớn, dứt khoát phải đưa ra các cấp theo trình tự thủ tục, lấy ý kiến trong ngành, địa phương, tập thể thường vụ. Trên cơ sở đó, đồng chí bí thư phải quyết định về mặt chủ trương, chứ không làm thay chính quyền. Còn người đứng đầu chính quyền ngoài chấp hành đầy đủ luật pháp quy định còn phải chấp hành chủ trương của Đảng về vấn đề đó. Phải làm rõ vấn đề này trong tổ chức thực hiện mới đem lại hiệu quả.
Đơn cử khi triển khai dự án đường Ngô Gia Tự trên địa bàn quận, liên quan đến 771 hộ, 25 cơ quan nhưng chỉ sau hơn một năm đã giải phóng xong mặt bằng, chi trả hơn 1.200 tỷ đồng. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải làm rõ trong nhân dân, các tổ chức về sự cần thiết, cấp bách của dự án. Bên cạnh đó phải khảo sát thực tế, tiếp xúc với nhân dân, lấy chi bộ, đảng viên làm nòng cốt. Trong triển khai dự án bao giờ cũng phát sinh phức tạp, bất cập, phải tiếp thu đầy đủ kiến nghị, sau đó phân tích từng nhóm vấn đề. Quận đã trình 14 cơ chế đặc thù và được TP giải quyết, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của người dân, vơi đi rất nhiều bức xúc, đơn thư khiếu nại.
- Có một thực tế, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ chính trị, nhất là việc khó khăn, phức tạp, phụ thuộc rất lớn vào cách xử lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Vậy, Long Biên có cách gì để "tăng lực" cho những người đứng đầu ở địa phương?
- Tôi thấy tại các đảng bộ trực thuộc Thành ủy còn có bất cập về hệ thống chính trị ở cơ sở. Có nơi một chi bộ lãnh đạo 2-3 tổ dân phố, bất cập về mô hình và không tập trung. Muốn lãnh đạo tốt phải tập trung. Ở Long Biên có 319 tổ dân phố có 319 bí thư chi bộ, 319 tổ trưởng dân phố, 319 trưởng ban công tác Mặt trận, 319 chi hội trưởng phụ nữ, đồng nhất về bộ máy. Thứ hai, chúng tôi ưu tiên cho công tác xây dựng chi bộ vững mạnh, tạo cơ chế cho chi bộ hoạt động như tập huấn, hỗ trợ kinh phí, trao đổi kinh nghiệm, xác định rõ vai trò của chi ủy và đồng chí bí thư chi bộ. Để thực hiện vai trò giám sát của nhân dân với cán bộ, đảng viên, chúng tôi đã công khai số điện thoại của bí thư và chủ tịch quận cho các đồng chí tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ. Tôi đã nhiều lần trực tiếp giải quyết công việc với tổ dân phố, chi bộ. Khi phát hiện tổ chức đảng, đảng viên, người đứng đầu có vi phạm, nếu liên quan đến chính quyền thì không giao cho chính quyền xem xét làm mà giao cho UBKT Huyện ủy tiến hành kiểm tra, phát hiện vấn đề rồi mới giao cho Thanh tra làm và nghe lại kết quả. Cách làm này vừa nâng cao được vai trò của cấp ủy, vừa khách quan và hạn chế được tình trạng bao che của chính quyền địa phương. Đơn cử, có hộ xây dựng nhà trái phép (chủ hộ là người nhà chủ tịch phường) nên được phường, thanh tra xây dựng dung túng, ''bật đèn xanh'', sau khi giao cho UBKT kiểm tra thấy đúng, Huyện ủy mới yêu cầu UBND quận giao cho Thanh tra xử lý, kết luận, cuối cùng nhà đó phải dỡ.
- Thế còn vai trò của người đứng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
- Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải am hiểu tình hình địa phương, phải khách quan, công tâm, hiểu việc, trách nhiệm đến cùng và có phương thức làm việc hiệu quả và sử dụng tốt các công cụ của Đảng. Khi vụ việc đưa đến bí thư rồi thì không còn ai khác ngoài bí thư phải chịu trách nhiệm giải quyết, không thể né trách, kể cả khi chủ tịch, phó chủ tịch có sai phạm.
Phương pháp điều hành của người đứng đầu cấp ủy đòi hỏi phải linh hoạt, đúng tầm nhằm mục đích cuối cùng là giữ được cán bộ, tạo được lòng tin của dân. Vừa rồi có việc chủ tịch phường để cán bộ (là người quen) đi thu thuế rồi đút túi luôn. Nếu làm to chuyện chắc chắn phải xử lý hình sự. Tôi giao cho CA huyện triệu tập đối tượng lên đấu tranh, kết quả đã thu hồi được toàn bộ số tiền. Cán bộ thuế vi phạm bị đuổi việc, đồng chí chủ tịch phường phải rút kinh nghiệm, giữ được ổn định tại địa phương.
- Theo ông để Nghị quyết TƯ 4 có hiệu quả cần những điều kiện và cách làm như thế nào?
- Muốn thực hiện chỉ có nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương và bước đi phù hợp. Mấu chốt của việc chỉnh đốn Đảng phải làm cho mỗi người có ý thức tự giác. Đã đến lúc nhân dân báo động chúng ta, cán bộ, người đứng đầu cần nghiêm túc tự nhìn lại mình đã làm cái gì chưa đúng để rút kinh nghiệm tự sửa mình. Phải rà soát lại tất cả quy chế, cơ chế, quy trình để không có kẽ hở cho cán bộ coi đây là điều kiện để trục lợi, gây bức xúc cho nhân dân. Cần huy động tất cả lực lượng, từ tổ dân phố đến các cấp, ngành để phát hiện những bất cập, sơ hở nhũng nhiễu để thít chặt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò UBKT, khối nội chính nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời mầm mống sai phạm.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ khuyết điểm (chưa phải là sai phạm) trong điều hành. Bên cạnh đó, người chủ trì kiểm điểm phải khách quan, công tâm, thực sự là người cầm cân nảy mực. Mục đích sau kiểm điểm để đoàn kết hơn, công việc tốt hơn và làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!