Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ bản thân mỗi đảng viên, cán bộ và từng tổ chức đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 23/03/2012

LTS: Trong phiên bế mạc hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo. Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy tới bạn đọc.

LTS: Trong hai ngày 20 và 21-3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (BCT) khóa XI về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và 9 Chương trình công tác của BCH Đảng bộ thành phố. Trong phiên bế mạc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị. Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy tới bạn đọc.

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TƯ, ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 08, ngày 12-3-2012 của Ban chấp hành Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, sau hai ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI và 9 Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đã thành công tốt đẹp.

Các đồng chí tham dự hội nghị đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức hội nghị lần này, với thành phần mở rộng; tài liệu đầy đủ; phương pháp tiến hành dân chủ và nghiêm túc; hoan nghênh các đồng chí được phân công chuẩn bị nội dung và công tác tổ chức phục vụ hội nghị.

Các đồng chí đã nghiên cứu, nghe các đồng chí Thường trực Thành ủy và lãnh đạo các ban xây dựng Đảng trình bày những nội dung cơ bản, những điểm cốt lõi đặc biệt quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và 9 Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Thành ủy và các Hướng dẫn thực hiện của Thành ủy.

Tại hội nghị này, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí rất cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Nghị quyết; nhất trí rất cao với mục đích, yêu cầu, phương châm, giải pháp được nêu trong Nghị quyết. Từ đó xác định quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và 9 Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV đã đề ra. Tất cả chúng ta đều nhận thức, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng trong toàn Đảng bộ Thủ đô.

Qua nghiên cứu và thảo luận, hội nghị của chúng ta khẳng định Nghị quyết của Trung ương đã chọn đúng và trúng các vấn đề cấp bách, quan trọng; Ban Chấp hành Trung ương đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nhất là về những mặt khuyết điểm, yếu kém trong Đảng, từ đó đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp đồng bộ có tính khả thi để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng trên là:“Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”. Những khuyết điểm, yếu kém trên “Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Đó là những lời nhắc nhở, cảnh báo hết sức nghiêm khắc đối với từng cán bộ, đảng viên trong lúc này.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi. Nhiều ý kiến tập trung bàn về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết, đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Qua tập hợp các ý kiến thảo luận, tôi xin trao đổi thêm một số vấn đề mà các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm.

Tại hội nghị này, chúng ta đều thống nhất nhận thức rằng, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này là một việc cực kỳ quan trọng; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài nhằm tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần vào sự trong sạch, vững mạnh của toàn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Qua học tập, nghiên cứu Nghị quyết chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, xây dựng chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ bản thân mỗi đảng viên, cán bộ và từng tổ chức của Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này là công việc quan trọng, hệ trọng, khó khăn nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Lúc này sự tiên phong, gương mẫu, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Phải quán triệt, thực hiện thật tốt phương châm, phương pháp; phải làm kiên quyết, kiên trì, thận trọng, có lộ trình phù hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để biểu dương, uốn nắn kịp thời. Cần khắc phục cả hai luồng suy nghĩ, một là, không tin, thiếu tin, hoài nghi kết quả, chưa bắt tay vào làm đã tìm cách né tránh; hoặc suy nghĩ giản đơn, cho rằng chỉ làm một lần là xong. Chúng ta cần tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không nóng vội; không để cho bất cứ ai lợi dụng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình để làm suy yếu Đảng.

Để Nghị quyết của Đảng và các Chương trình công tác của Thành ủy thực sự đi vào cuộc sống, các đồng chí là những người đứng đầu các cấp, các ngành, cần xác định rõ tinh thần trách nhiệm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, sau Hội nghị này, cấp ủy các cấp cần khẩn trương bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tới cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Việc này cần được tiến hành khẩn trương. Các cấp ủy đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức học tập Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, coi trọng thảo luận, đối thoại. Cần phân công chuẩn bị chu đáo về đội ngũ báo cáo viên để việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết đạt kết quả cao nhất.

Hai là, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) phải lưu ý tính đồng bộ của các giải pháp, trong đó giải pháp kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cấp trên kiểm điểm trước, làm gương cho cấp dưới. Thủ trưởng, người đứng đầu phải nêu gương về tính gương mẫu, nghiêm túc, đi đầu. Thực hiện tự phê bình và phê bình thì không chờ phải mở hội nghị, không chờ cơ chế chính sách, tiền bạc, kinh phí, mà ngay khi bước ra khỏi cánh cửa hội nghị này, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... các cấp phải tự kiểm điểm, tự soi xét mình và cơ quan, đơn vị mình xem cần phải sửa gì, sửa như thế nào. Trong 4 giải pháp thể hiện tính đồng bộ, nhóm giải pháp nào cũng quan trọng; mỗi giải pháp đều là bộ phận không thể tách rời. Khi đưa nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình lên trên là để đề cao tính tự nguyện, tự giác, để gắn với trách nhiệm từng người; mọi việc đều phải bắt đầu từ bản thân mỗi đảng viên.

Một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng của tự phê bình và phê bình lần này là mỗi người phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa những yếu kém, khuyết điểm của bản thân. Không ai có thể làm tốt hơn là mỗi người tự sửa mình; không ai có thể hiểu mình bằng mình, cả ưu cũng như khuyết điểm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong văn bản Nghị quyết và các bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Chắc rằng mọi người đều có thể phân biệt được chủ nghĩa cá nhân khác với động lực cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là coi cá nhân mình trên hết; là chỉ biết mình, không biết người khác; là không quan tâm đến lợi ích của tập thể, lợi ích của Đảng, của nhân dân. Biểu hiện đến mức cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, đó là những người “vô cảm” trước trách nhiệm, là không còn “dây thần kinh xấu hổ” trước những việc làm sai trái của mình.

Cần tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm, tạo sự bức xúc trong nhân dân? Phải chăng, nguyên nhân sâu xa là chủ nghĩa cá nhân, là không đặt lợi ích chung lên trên? Từ nay việc tự phê bình, tự kiểm điểm càng phải trở thành nề nếp, là công việc hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Mỗi năm có kiểm tra, đánh giá gắn với kết quả giải quyết nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị, gắn với việc lấy phiếu tín nhiệm. Do vậy, trong triển khai, cần chuẩn bị, hướng dẫn cụ thể về mục tiêu, quy trình, nội dung, bước đi, trong đó, tập trung giải quyết cơ bản ba nội dung trọng tâm nêu trong Nghị quyết. Đồng thời, hết sức coi trọng lắng nghe, tập hợp ý kiến, góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Đồng thời với việc thực hiện nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tổ chức - cán bộ; về cơ chế chính sách; về giáo dục chính trị, tư tưởng. Phải khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định... cái gì lạc hậu, không đúng thì phải loại bỏ; cái gì thiếu hoặc không còn phù hợp thì phải gấp rút bổ sung, hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Thành ủy chủ trương khuyến khích tinh thần đổi mới, mở rộng dân chủ, tăng cường sự công khai, minh bạch, tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng, giúp đỡ của nhân dân.

Ba là, tiếp sau việc học tập, quán triệt Nghị quyết phải là hành động, là bắt tay vào giải quyết các nhiệm vụ, các vấn đề cụ thể, để góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình. Không phải ở đâu, lúc nào cũng đòi hỏi phải làm được ngay tất cả mọi việc; cũng không phải nhất thiết ở đâu cũng phải xử lý ngay những việc phức tạp nếu chưa kịp chuẩn bị; nhưng đòi hỏi chúng ta là phải làm thật sự chứ không phải chỉ nói suông. Qua học tập, nghiên cứu Nghị quyết, chúng ta đã hiểu rõ cần phải làm gì và vì sao phải làm. Tất cả chúng ta, không trừ một ai, không cho phép mình là người đứng ngoài quan sát. Tự phê, tự sửa thì không ai phải chờ người khác làm thay, làm hộ.

Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy của Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trước những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Tổ chức học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ thiết thực góp phần làm chuyển biến toàn diện tình hình. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa chúng ta chỉ đóng cửa lại để hội họp, mà phải đồng thời giải quyết các nhiệm vụ một cách toàn diện. Hội họp, kiểm điểm để thúc đẩy công việc, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chứ không phải lại lơi là công việc hằng ngày.

Bốn là, Thường trực Thành ủy sẽ phân công các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các quận, huyện, thị ủy, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Thành ủy căn cứ sự chỉ đạo của Thành ủy, bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để triển khai thực hiện. Gắn kết việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 với các Nghị quyết Trung ương khác, với 9 Chương trình công tác của Thành ủy, với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước.

Các ý kiến góp ý về ban hành văn bản, qua trao đổi, Thường trực Thành ủy nhất trí tiếp thu là Thành ủy chỉ nên ra một văn bản Kế hoạch thực hiện kèm theo nội dung Hướng dẫn, trong đó bao gồm nội dung hướng dẫn của tất cả các Ban xây dựng Đảng để thuận lợi cho việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện.

Đối với các ý kiến yêu cầu hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, cách làm mẫu phiếu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; vấn đề kết hợp tự phê bình và phê bình với kiểm điểm cuối năm ở cấp cơ sở thực hiện ra sao..., sau hội nghị này, Thành ủy sẽ hướng dẫn cụ thể.

Với tinh thần đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ bày tỏ quyết tâm thực hiện Nghị quyết quan trọng của Trung ương; quyết tâm xây dựng Đảng bộ Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố năm 2012 và những năm tiếp theo.

Để nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tôi xin nhắc lại lời căn dặn vô cùng thiêng liêng của Bác Hồ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố bế mạc hội nghị. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!