"Phá rừng là vấn đề rất bức xúc trong xã hội”
Xã hội - Ngày đăng : 20:08, 22/03/2012
Trước tình trạng phá rừng đã đến mức đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay và việc phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp cho thấy, chúng ta đã đổi một hệ sinh thái bảo vệ con người để lấy kinh tế nuôi con người mà độc giả băn khoăn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, phá rừng trái pháp luật là vấn đề rất bức xúc trong xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang khai thực hiện nhiều biện pháp để cùng các địa phương kiểm soát tình hình.
Thực tế, nhiều năm qua, tình hình phá rừng trên phạm vi cả nước nói chung đã giảm xuống. “Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là Tây Nguyên, tình hình phá rừng vẫn diễn ra khá gay gắt” - Bộ trưởng thừa nhận.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1685 ngày 27/9/2011 và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 07 ngày 8/2/2012 về các cơ chế chính sách để tăng cường bảo vệ rừng.
“Chúng tôi thấy rằng, vấn đề lớn đặt ra là chúng ta cần triển khai tổ chức quyết liệt hơn, tức là cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương và đặc biệt là các đồng chí ở địa phương” - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, trách nhiệm trước hết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ, trước nhân dân nhưng để thực hiện cần sự ủng hộ và hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là của các đồng chí ở cấp cơ sở.
Về việc phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp, theo Bộ trưởng, chúng ta triển khai thực hiện, cần rất cân nhắc, tùy điều kiện cụ thể từng nơi để có sự lựa chọn cho phù hợp, miễn là đem lại lợi ích cao nhất cho bà con nông dân và cho đất nước. Trên thực tế, nhiều loại cây nông nghiệp cũng có tác dụng giữ nước, giữ đất nhất định dù có thể không bằng rừng tự nhiên, đồng thời đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân.
Ảnh minh họa |
“Tuy nhiên, chúng ta cần phải rất cân nhắc, lựa chọn kỹ tùy từng khu vực đất đai cụ thể” - Ông nhắc lại.
Cũng liên quan đến rừng, nhưng là việc Chính phủ đã có những chính sách thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng nhưng một bộ phận không nhỏ người dân sống gần rừng nhưng vẫn rất nghèo khó, điều đó khiến họ làm ngơ trước những hành vi phá rừng diễn ra dường như công khai ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thừa nhận, đúng là để bảo vệ được rừng, trước hết chúng ta phải có cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho bà con nông dân sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng với Nhà nước.
Cách thứ nhất là chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất chính sách để nhân dân có thể hưởng lợi từ rừng, coi rừng cũng như là của mình để bảo vệ và hưởng lợi từ rừng.
Mặt khác, nhiều bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, Chính phủ có chính sách giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, có thu nhập từ nguồn khác thay vì phải trông đợi nhiều vào rừng.
Khi được đề nghị cho biết kết quả kiểm tra vụ vận chuyển hơn 500m3 gỗ của Công ty Ngọc Hưng bị Hải quan giữ tại Đà Nẵng mà Bộ NN&PTNT đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ kiểm tra, người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ NN&PTNT đang cử cán bộ cùng với các cơ quan chức năng để kiểm tra về vụ việc này. Đây là vụ việc liên quan đến luật pháp, xin phép độc giả là khi nào vụ việc được kiểm tra, làm rõ, có kết luận của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể.
Ngoài vấn đề về rừng thì đánh bắt xa bờ và việc một số người dân rút khỏi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP (áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, đặc biệt là các sản phẩm về rau quả tươi của Việt Nam) cũng được độc giả quan tâm.
Trước băn khoăn rằng đánh bắt xa bờ mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn, nhưng với thực trạng an ninh trên biển cũng như giá xăng dầu tăng hiện nay thì việc bám biển đang là thách thức với ngư dân, những biện pháp, chương trình của Bộ trưởng để giúp ngư dân bám biển cũng như việc bảo quản sau thu hoạch tốt để nâng cao giá trị kinh tế từ hải sản thu về là gì? - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chương trình hiện đại hóa tàu cá để giúp ngư dân có phương tiện đánh bắt đạt hiệu quả cao hơn; đồng thời, phổ biến, hỗ trợ ngư dân áp dụng các phương tiện bảo quản hải sản, vì nếu không bảo quản tốt sau những chuyến đi biển dài ngày, giá hải sản có thể giảm rất nhiều, có lúc tới 30%.
“Trước mắt, chúng tôi đang triển khai thực hiện những chính sách mà Chính phủ đã ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân xây dựng các tổ đội đoàn kết, tiếp tục nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngư dân, tăng cường tính hiệu quả của công tác dự báo và phổ biến về ngư trường” - Bộ trưởng nói.
Về việc một số nông dân ở Tiền Giang rút khỏi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, người đứng đầu Bộ NN&PTNT khẳng định, việc hướng dẫn và hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để có năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn là một hướng đi đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ nông dân thực hiện các quy trình này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong thực tiễn, chúng ta cần có các biện pháp phù hợp. Trước hết, nên tìm hiểu và nắm bắt kỹ về thị trường trước khi tổ chức sản xuất, tốt nhất là có cam kết, hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm để có đầu ra ổn định. “Mặt khác, cần có sự liên kết để tổ chức sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu làm việc hiệu quả” - Bộ trưởng nói thêm.