Giúp các “sao” trưởng thành toàn diện
Thể thao - Ngày đăng : 07:42, 21/03/2012
Với Quyết định số 139/2006/QĐ-UBND ngày 9-8-2006 của UBND TP Hà Nội, Trường Phổ thông năng khiếu TDTT Hà Nội (trước đây là Trường Văn hóa Thể thao Hà Nội) đã chuyển đổi mô hình học tập từ chương trình bổ túc văn hóa sang chương trình phổ thông, dạy từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT. Đây là một thử thách rất lớn đối với đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường. Phải làm sao để học sinh - VĐV, nhất là học sinh khối THPT, dù không có nhiều thời gian học tập nhưng vẫn tiếp thu được khối lượng kiến thức của chương trình phổ thông cơ bản, đủ kiến thức và tự tin tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Phạm Phước Hưng, VĐV TDDC xuất sắc trưởng thành từ Trường PT năng khiếu TDTT Hà Nội. |
"Cả thầy cô và các trò đều phải nỗ lực rất nhiều. Trường thuộc nhóm trường chuyên biệt, dạy học sinh có năng khiếu về thể thao, cũng là trường đa cấp (tiểu học, THCS, THPT). Bên cạnh lịch học cố định, giáo viên nhà trường phải tổ chức dạy bù để bảo đảm chương trình cơ bản cho VĐV đi tập huấn, thi đấu" - cô Phạm Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Khó có thể nói hết những vất vả, khó khăn thầy, trò nhà trường phải vượt qua khi bố trí lịch học vào buổi tối. Trường có nhiều cơ sở giáo dục cách xa nhau như Mỹ Đình, Hà Đông, Quần Ngựa, chưa kể một phân hiệu tại Nam Ninh (Trung Quốc). Do đó, tùy theo lịch tập huấn, thi đấu của các trò ở trong nước và nước ngoài mà giáo viên lên lịch dạy bù cho phù hợp, bảo đảm việc học tập, luyện tập thể thao một cách hiệu quả nhất cho VĐV. Thậm chí, một số thầy cô cũng không có nghỉ hè, vì hầu hết thời gian này được bố trí cho việc dạy bù cho các em đi tập huấn thi đấu về.
Theo cô Lương Tuyết Vinh, Phó hiệu trưởng nhà trường: "Với đặc thù của một trường chuyên biệt dạy văn hóa cho VĐV năng khiếu, chúng tôi phải chú ý vừa dạy, vừa… dỗ học sinh - VĐV, tăng cường giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện. Các em là VĐV tập thể thao giỏi, rất hiếu động và cũng khá… "cứng đầu", do đó, giáo viên phải hiểu tâm lý đặc thù của từng môn thể thao để có phương pháp dạy phù hợp với lứa tuổi học sinh - VĐV".
Với lòng yêu nghề của các thầy cô, sự đam mê thể thao của các VĐV, thầy trò nhà trường đã cùng nỗ lực rất nhiều. Chẳng thế, người trong nghề thường nói đùa: Đây là ngôi trường của các "sao". Những Nguyễn Thúy Hiền (Wushu), Nguyễn Thị Tĩnh (Điền kinh), Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC), Ngô Ngân Hà (Bắn súng), Nguyễn Thị Thiết (Cử tạ), Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải (Bóng bàn)… đều từng là học sinh của trường. Họ đều là những gương mặt tiêu biểu của Thể thao Việt Nam.
Trò chuyện cùng phóng viên Hànộimới, cô Phạm Thanh Huyền chia sẻ: "Tất cả đều vì sự phát triển của thể thao Thủ đô và cả nước. Chính vì thế, dù vất vả đến mấy, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường cũng tìm cách khắc phục để có giải pháp phù hợp nhằm giúp các tài năng thể thao được đào tạo văn hóa đến nơi đến chốn, giúp cho các em trưởng thành toàn diện".
Ngày 26-3: Khánh thành phòng truyền thống Phòng truyền thống nhà trường sẽ chính thức khánh thành vào ngày 26-3-2012, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ngày Thể thao Việt Nam. Tính đến ngày 20-3, nhà trường đã tập hợp được khá nhiều tư liệu gồm tranh, ảnh, các biểu, bảng, cúp, cờ ghi dấu thành tích thi đấu, kỷ yếu, hiện vật của các bộ môn thể thao. Tuy nhiên, số tư liệu này chưa thể gọi là đáng kể so với bề dày 46 năm hình thành và phát triển của ngôi trường giàu truyền thống này. Vì vậy, nhà trường mong muốn được sự cung cấp tư liệu, chung tay góp sức của các cựu học sinh, cán bộ, HLV để làm giàu thêm phòng truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức và rèn kỹ năng sống cho VĐV ngày một tốt hơn. |