Chơi mà học, học mà chơi
Giáo dục - Ngày đăng : 07:39, 21/03/2012
Đỗ Nhật Nam khiến nhiều nhà văn, nhà báo và khách mời dự buổi lễ tri ân độc giả và dịch giả của Thái Hà books phải bất ngờ vì lối nói chuyện sắc sảo và có phần "già" trước tuổi của em. Điều này lý giải vì sao cậu bé mới 11 tuổi này đã giành được nhiều thành tích về tiếng Anh đáng nể: xác lập kỷ lục và được trao danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam với hai bản dịch "Nạp điện" và "Mặt trời mọc, mặt trời lặn" khi 7 tuổi. Nam cũng từng đoạt giải Thí sinh tài năng của kỳ thi viết bài luận của Trường Đại học St.Andrew (Anh); giải Nhất kỳ thi tiếng Anh do Sở GD-ĐT Hà Nội và Trung tâm Việt - Anh tổ chức... Anh chàng "tròn xoe" này còn "sắm" nhiều vai khác như dịch phim cho VTV3, làm MC, làm diễn viên trong các phim "Mười ba nữ tù", "Tìm lại chính mình"...
Nhưng thành tích luôn là phần nổi dễ thấy nhất. Cái phần chìm khuất của niềm say mê và sự lao động nghiêm túc thường không mấy ai hiểu hết. Cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?" của Nam (viết bằng giọng của Nam) chính là nhằm chia sẻ cái phần chìm khuất thú vị đó. Thú vị bởi bạn đọc phát hiện ra sự lao động nghiêm túc ở một đứa trẻ vẻ như rất khác người lớn. Nó được dẫn dắt bằng lòng ham thích, sự tò mò và đơn giản có khi chỉ là niềm vui được chơi mà học, học mà chơi.
Sách của Nam có 3 phần gồm "Lớp một ơi, lớp một" với đủ thứ chuyện thường thấy của tuổi tạm biệt mẫu giáo, cùng nhiều chuyện khác thú vị của riêng Nam. "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?" chia sẻ câu chuyện "Tớ bắt đầu học tiếng Anh"; "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?" và "Tin tớ đi! Học tiếng Anh vui lắm". Nếu như hai phần đầu là chuyện kể thì toàn bộ phần ba là ví dụ sinh động khiến độc giả phải khâm phục. 15 bài luận bằng tiếng Anh, mà chủ đề của nó cũng đủ là một thách thức ngay cả khi ta viết bằng tiếng Việt như "Sự cần thiết của lời nói dối vô hại"; "Thế nào là một nhà lãnh đạo tài năng?", "Tấm vé tuyệt vời để đến với thành công"...
Thuộc dòng sách chia sẻ kinh nghiệm trong học tập của một bạn trẻ có thành tích cao, tựa như "Em phải đến Harvard học kinh tế", song cuốn sách này không phải do cha mẹ viết mà là nhân vật chính bộc bạch. Ở đây, bạn đọc thấy Nam đã từng mất tự tin, òa khóc khi mẹ hỏi về buổi học tiếng Anh thế nào? Nam cũng "không thích cái cảm giác một đống bài tập đang chờ mình"... Nam tự họa chân dung "anh chàng tham ăn" bằng câu chuyện "mượn miếng thịt" trong bát cơm của bạn... Có lẽ chính cái hơi hướng hồn nhiên kiểu tự truyện "Tottochan - cô bé bên cửa sổ" đã làm nên sự gần gũi, thuyết phục cho cuốn sách này chăng?
Và điều cuối cùng cậu bé này mang đến cho độc giả là chân dung hai vị phụ huynh (bố và mẹ) rất tâm lý, nhiều "chiến thuật" trong việc hỗ trợ, động viên con học tập.
Cảm ơn cậu bé 11 tuổi với cuốn nhật ký đã mang lại nhiều điều bổ ích còn lớn hơn cả việc học tiếng Anh: đó là nuôi dưỡng niềm yêu thích và năng khiếu của một đứa trẻ!