Quản lý di sản: Không có công thức chung

Văn hóa - Ngày đăng : 07:35, 21/03/2012

(HNM) - Chuỗi hội thảo bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) ở Việt Nam trong khuôn khổ tuần lễ

Hiểu được việc thích ứng với điều kiện sống, hài hòa với thiên nhiên, giúp con người có trách nhiệm bảo tồn cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Yến Ngọc


- Có ý kiến cho rằng quan điểm "bảo tồn có chọn lọc" đồng nghĩa với việc xếp hạng di tích theo 3 cấp như ở Việt Nam hiện nay đang đi ngược với Công ước của UNESCO là sai lầm, là sự nhầm lẫn về khái niệm. Là người trực tiếp quản lý DSVH trong nhiều năm, đồng thời là nhà nghiên cứu về DS, bà đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Theo tôi, khái niệm "bảo tồn có chọn lọc" cần được hiểu một cách sâu sắc. Chọn lọc ở đây là ai chọn lọc, cộng đồng chọn lọc là tất nhiên nhưng liệu họ có đủ tri thức để chọn lọc không hay phải cần đến sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý? Trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ nhận thấy đối với những DS nghiêng về giá trị phi vật thể thì quyết định chọn lọc chủ yếu thuộc về cộng đồng, còn với DS nghiêng về giá trị vật thể thì việc chọn lọc không thể thiếu vai trò của các cơ quan quản lý. Như vậy, DSVH phi vật thể không cần xếp hạng mà chỉ cần điều tra, khảo sát, kiểm kê để đưa vào danh mục bảo tồn, điều này đã được quy định rất rõ trong Luật DSVH, còn di tích vẫn phải xếp hạng. Việc xếp hạng di tích sẽ giúp các cơ quan dễ quản lý, dễ lên kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích hơn. Nhóm nghiên cứu đã dùng khái niệm "bảo tồn chọn lọc" đối với DSVH nói chung nhưng lại phân tích sâu việc xếp hạng di tích nên dễ gây tranh cãi.

- Hiện nay, địa phương nào có DS độc đáo cũng lập hồ sơ trình lên UNESCO trong khi nhiều DS đang bị biến tướng, thậm chí một số DS đã được vinh danh cũng chưa nhận được sự quan tâm xứng tầm. Đó có phải là "hội chứng" lập hồ sơ cho DS không, thưa bà?

- Tôi cho rằng các địa phương có DS độc đáo mong muốn lập hồ sơ cho DS là tín hiệu đáng mừng vì người dân đã có ý thức bảo tồn DS và mong muốn DS được vinh danh. Điều quan trọng là sau khi đón nhận danh hiệu chúng ta có bảo vệ được DS hay không, chứ không phải là chuyện lập hồ sơ nhiều hay ít. Còn chuyện DS biến tướng không liên quan gì tới việc lập hồ sơ bởi nếu không lập hồ sơ chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ biến tướng DS. Nếu DS bị biến tướng, trước hết chính quyền và cộng đồng dân cư nơi có DS phải tìm biện pháp khắc phục chứ không nên đổ lỗi cho việc lập hồ sơ hoặc coi việc lập hồ sơ trình lên UNESCO là giải pháp tối ưu để cứu DS.

Tôi lấy ví dụ như tỉnh Hà Giang có ý tưởng lập hồ sơ "cày trên cao nguyên đá" của đồng bào các dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn tưởng như chẳng có yếu tố gì nổi bật nhưng thực chất nó là tri thức thổ canh hốc đá hết sức độc đáo, lâu đời. UNESCO rất khuyến khích loại hình này vì nó giúp cho con người thấy rằng họ phải thích ứng với điều kiện sống, phải tương tác với thiên nhiên, phải hài hòa với thiên nhiên, phải có trách nhiệm bảo tồn tri thức lâu đời.

- Như bà vừa nói thì cộng đồng có vai trò quyết định đối với DSVH phi vật thể, nhưng chính một số người đại diện cho cộng đồng lại phản ánh "nếu Nhà nước không can thiệp thì lễ hội sẽ bị cải biên", bà nghĩ thế nào?

- Đối với DS lễ hội, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm Nhà nước rất cần giúp đỡ cộng đồng về cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại, vệ sinh, an ninh và sự quảng bá nhưng không nên can thiệp sâu vào khâu tổ chức của họ. Về việc lễ hội bị cải biên nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước có lẽ chỉ xảy ra với những lễ hội lớn mang tính biểu tượng vì năm nào người dân được mùa sẽ làm to, năm nào mất mùa họ sẽ tổ chức qua loa. Còn lại phần lớn lễ hội truyền thống vẫn được cộng đồng duy trì hàng trăm năm nay, dù ngày xưa không có điều kiện kinh tế như bây giờ. Qua đó để thấy rằng, đối với từng lễ hội cụ thể phải có những quyết định quản lý cụ thể chứ không nên có công thức chung cho tất cả các lễ hội.

- Vậy theo bà giải pháp nào là hữu hiệu, bền vững nhất để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở nước ta hiện nay?

- Không có công thức chung, giải pháp chung cho mọi DS. Nhưng theo tôi, để DSVH có tương lai tốt đẹp hơn, trước hết người quản lý và cộng đồng nơi có DS phải hiểu về DS. Muốn vậy, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ trang bị kiến thức bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhận thức rõ điều này, Trung tâm Bảo tồn và phát huy DSVH đã phối hợp với ngành giáo dục thí điểm giảng dạy DS cho học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, Nguyễn Văn Huyên và Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Kinh nghiệm rút ra sau thời gian giáo dục thí điểm là ngành văn hóa và ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ mới có thể thành công. Ngành văn hóa phải trang bị cho giáo viên kiến thức về DS, còn ngành giáo dục phải tập huấn cho cán bộ ngành văn hóa phương pháp, kỹ năng tương tác với học sinh, sau đó hai bên cùng trao đổi, bàn bạc để tìm chương trình giáo dục phù hợp. Hiện việc giáo dục DS trong nhà trường là chương trình ngoại khóa nhưng sau này chúng tôi sẽ đề nghị với Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình chính khóa. Biện pháp này vừa giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về DS để từ đó có kiến thức bảo tồn, vừa giảm tải chương trình học cho học sinh.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Hiền Dung