Về Mường Lò
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:57, 21/03/2012
Rời Hà Nội trong cơn mưa bụi giăng mờ, chúng tôi lên xe ngược đường đèo dốc núi, tìm về huyện Văn Chấn (Yên Bái) - nơi diễn ra hoạt động về nguồn của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc năm 2012. Sau 3 tiếng ngồi xe với nhiều đoạn đường xóc nẩy cùng những khúc cua tay áo bám lượn quanh sườn những đồi chè xuân xanh miên mải, Yên Bái đón chúng tôi với một bầu trời nắng nhẹ ấm áp. Dọc đường đi, như để cho các thành viên quên đi quãng đường dài, Phạm Kiều Vinh - Phó Bí thư Liên Chi đoàn Báo Hànộimới kể cho chúng tôi nghe “xuất phát điểm” chương trình “Hành trình về nguồn”. Khởi động từ năm 2006 tại Bắc Kạn, ban đầu, “Hành trình về nguồn” của tuổi trẻ báo Đảng có sự tham gia của 6 chi đoàn báo đến từ tỉnh Việt Bắc (cũ) là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Từ đó đến nay, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của nhiều báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc và được tổ chức theo hình thức luân phiên giữa các báo. Năm nay, nhân Tháng Thanh niên, hòa trong không khí sôi nổi của tuổi trẻ cả nước hướng tới kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Hành trình về nguồn” do Chi đoàn Báo Yên Bái đăng cai tổ chức, với sự tham gia của tuổi trẻ 13 báo Đảng gồm: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Ninh và Hànộimới.
Tuổi trẻ các báo Đảng dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thị xã Nghĩa Lộ). |
Sôi nổi, nhiệt huyết và cũng thật gần gũi là những gì chúng tôi cảm nhận ở những nhà báo trẻ trong hoạt động về nguồn lần này. Niềm vui hội ngộ, gặp gỡ đan quyện trong những cái bắt tay siết chặt. Nắm chặt những bàn tay lâu ngày gặp mặt, Lê Thanh Tân, Báo Yên Bái phát huy vai trò “chủ nhà”, chủ động chào đón, chúng tôi ôn lại kỷ niệm sau những lần đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm báo. Qua các câu chuyện bên bàn trà, chúng tôi thấy rõ sự quan tâm, thân tình của nhà báo trẻ các tỉnh, thành dành cho nhau. Tiếng là báo địa phương, nhưng hoạt động nghề nghiệp của các đồng nghiệp báo bạn đều được các cây bút trẻ lưu tâm, theo dõi qua các trang báo điện tử mà hầu hết báo Đảng các tỉnh đã xây dựng. Internet, công nghệ thông tin giúp nối gần khoảng cách, kéo các nhà báo trẻ xích lại gần nhau hơn. Những bài viết hay, những phát hiện đặc sắc của đồng nghiệp thể hiện qua các tác phẩm báo chí có chất lượng được không ít cây bút trẻ kể tên, cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm báo của mỗi địa phương. Để rồi qua các sự kiện, đến với mỗi vùng đất, mỗi nhà báo lại có thêm những tư liệu mới, kiến thức mới để viết lên những tác phẩm báo chí có chất lượng, hiệu quả hơn đối với xã hội.
Tự hào giới thiệu về mảnh đất Văn Chấn, đồng chí Sa Quang Phụng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Văn Chấn bao gồm 28 xã và 3 thị trấn: thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú. Đây cũng là những nông trường chè nổi tiếng của Yên Bái. Chỉ tính riêng tại Văn Chấn đã tập trung đến 62 nhà máy chế biến chè. Các sản phẩm chè chế biến ở đây chủ yếu phục vụ và xuất khẩu nổi tiếng nhất vùng chè Yên Bái cũng như chè cả nước là chè shan tuyết Suối Giàng. Nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, xã Suối Giàng có hàng chục hécta trồng chè tuyết, trong đó có hàng trăm cây chè cổ thụ 200-300 năm tuổi. Nằm ở phía đông nam của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn còn nổi tiếng là vựa lúa lớn của vùng Tây Bắc. “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Trong số 4 vựa lúa vùng Tây Bắc thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai, sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Cánh đồng Mường Lò rộng 2.300ha nổi tiếng với nhiều sản vật có giá trị như: chè, quế, gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, nhãn Văn Chấn. Ngoài ra, Mường Lò được biết đến với những vòng xòe uyển chuyển của các cô gái Thái cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số nơi đây: Tày, Nùng, Dao, Mông…
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong những hoạt động của “Hành trình về nguồn năm 2012”, tuổi trẻ 13 báo Đảng đã đến viếng và báo công với Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ; cùng dâng hương, tưởng nhớ công lao của 403 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ; thăm tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ - Cụm di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Qua lời giới thiệu của chị Phạm Thị Duyên - hướng dẫn viên khu di tích, những dấu ấn của một thời hào hùng như hiện hữu. Thời điểm những năm 1944-1947, khi thực dân Pháp xâm chiếm Yên Bái, chúng đã cho xây dựng nơi đây thành một hệ thống đồn, bốt dày đặc: đồn Pú Chạng, đồn Nghĩa Lộ cùng một nhà tù (căng) ở thị xã Nghĩa Lộ nhằm giam giữ tù chính trị. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo đã bị giam ở đây như: Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc... Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học, thành nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Điều đặc biệt, vào đúng ngày chúng tôi thăm khu di tích cũng là ngày cách đây đúng 67 năm (17/3/1945 - 17/3/2012), dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ Đảng nhà tù, cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm diễn ra quyết liệt. Bị địch đàn áp dã man, 9 đồng chí đã hy sinh. Cuộc nổi dậy của các chiến sĩ làm cho giặc Pháp hoang mang, lo sợ, góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong vùng. Để rồi 7 năm sau, ngày 18-10-1952, chiến thắng Nghĩa Lộ đã san phẳng phân khu quân sự này, mở thông cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần vào chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta.
Dâng hoa, thắp nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ, chúng tôi cũng được chị hướng dẫn viên cho biết thêm, một trong chín chiến sĩ được chôn cất tại khu mộ và đài tưởng niệm 9 tù chính trị mà chúng tôi đang đứng ở đây là nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Văn Nhu (1910-1945). Ông chính là tác giả bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” - bài hát đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, bài hát đã được đông đảo quần chúng nhân dân và các chiến sĩ cách mạng đón nhận với một tình cảm đặc biệt, góp phần khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong trái tim mỗi người con đất Việt. Qua đó giúp cho thế hệ sau luôn thấy được ý chí kiên cường của người cách mạng qua bài hát trong ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nhớ đến cố nhạc sĩ, liệt sĩ, tri ân các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước vì nền độc lập dân tộc, lãnh đạo và tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đã cùng cất vang ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh”. Lời ca hào hùng với những ca từ mộc mạc nhưng cũng đầy ý chí của một thời kháng chiến chống thực dân xâm lược càng khơi dậy trong các nhà báo trẻ niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ báo Đảng trách nhiệm với xã hội, động viên đoàn viên thanh niên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, trau dồi bản lĩnh chính trị. “Cùng nhau đi hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh… Đời ta không cần lo/Nhà ta không cần tiếc/Làm sao cho toàn thắng/Ta mới sống yên vui…”.
Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, hoạt động an sinh vì cộng đồng luôn được chú trọng triển khai trong “Hành trình về nguồn”, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy và hun đúc trách nhiệm xã hội cho thế hệ những người làm báo trẻ. Đây cũng là ý nghĩa nhân văn, là giá trị cốt lõi của cuộc hành trình hướng về nguồn cội. Năm nay, trong chuỗi hoạt động của chương trình, tuổi trẻ báo Đảng 13 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đã tặng 2 bộ máy vi tính cho Trường THCS xã Tú Lệ, Trường Tiểu học xã Suối Giàng; tặng 10 suất quà cho 10 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Nhân dịp này, tuổi trẻ Báo Hànộimới cũng tặng một bộ máy vi tính và Báo Phú Thọ tặng 500 quyển vở cho các em học sinh nghèo trên địa bàn huyện.
Chia tay Yên Bái trong những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm bịn rịn, các cây bút trẻ lại trở về với nhiệm vụ và công việc hằng ngày. Hẹn gặp nhé trong chương trình “Hành trình về nguồn” lần thứ 8 năm 2013 tại vùng than thân yêu của Tổ quốc - Quảng Ninh.