Bài 8: Đồng tâm hiệp lực chống tham nhũng

Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 21/03/2012

(HNM) -


7 hạn chế yếu kém trong phòng, chống tham nhũng

BCĐ PCTN TP Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, công tác PCTN trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai nghiêm túc, đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Có 7 hạn chế, yếu kém đang tồn tại hiện nay. Đó là tuyên truyền, giáo dục về PCTN ở một số nơi mang tính hình thức. Mặc dù Bộ Chính trị, Thành ủy đã chỉ đạo công tác PCTN là một trong những nội dung cần quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng công tác PCTN được đề cập trong một số đại hội đảng bộ ở một số đơn vị không phải là cơ quan quản lý nhà nước, Đảng đoàn chưa sâu sắc, chưa xác định rõ lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để có biện pháp phòng ngừa, nên phần lớn các vụ việc được phát hiện do báo chí phản ánh, quần chúng nhân dân tố giác. Có chi bộ Đảng không nắm chắc quan hệ xã hội của đảng viên, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Tính chiến đấu, tự phê bình theo phương châm "trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau" còn hạn chế. Trong khi đó, các quy định hiện nay có những điểm chưa hợp lý như: Việc xác minh bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi và chưa được khai thác đầy đủ. Sau khi Văn phòng BCĐ TƯ gặp mặt, biểu dương những cá nhân có thành tích trong PCTN và những người phát hiện, tố cáo tham nhũng, không ít người trong số đó bị đe dọa trả thù nhưng các cơ quan chức năng vẫn thiếu hành lang pháp lý, biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.


Tăng cường thanh kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Minh Nguyễn

Vì vậy, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong các môi trường nhạy cảm như ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý tài sản công, triển khai các dự án, tài chính ngân sách, giải phóng mặt bằng... Các vi phạm chủ yếu là không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thiếu tinh thần trách nhiệm đối với chức trách nhiệm vụ được giao; làm trái chính sách với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân, trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà, thẩm định hồ sơ dự án… Tổng kết năm 2011, toàn ngành thanh tra của TP Hà Nội đã phát hiện sai phạm 130 tỷ đồng, 165ha đất, kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 121 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 52 tập thể, 35 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Đến nay đã thu hồi được 96 tỷ đồng. Nhìn trên bình diện chung số tài sản đã thu hồi nhỏ so với tổng số tài sản thiệt hại do tham nhũng.

Bịt kín lỗ hổng chính sách

Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua, có thể rút ra rằng, hạn chế hiện nay trong công tác PCTN là một số cấp ủy Đảng và người đứng đầu đơn vị vẫn chưa nhận thức sâu sắc về tình hình nghiêm trọng của nạn tham nhũng, lãng phí, dẫn tới ý thức chấp hành, phòng ngừa, đánh giá về công tác PCTN thiếu khách quan. Vì vậy, trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách mà Nghị quyết số 12-NQ/TƯ đưa ra, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng thanh, kiểm tra lĩnh vực nhạy cảm, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao phẩm chất năng lực cán bộ, tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu.

Theo Trưởng ban Chỉ đạo PCTN TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền; có cơ chế để phát huy vai trò giám sát, phát hiện của quần chúng nhân dân cùng với việc nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách và các cơ quan thẩm quyền làm nòng cốt. PCTN là cuộc đấu tranh trong mỗi con người, trong mỗi cơ quan, đơn vị, do đó BCĐ PCTN TP Hà Nội đề xuất đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực cán bộ. Thông qua đó, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo và PCTN; tạo nên phong trào tự rèn luyện, tu dưỡng trong cán bộ, đảng viên. Trước mắt, sẽ xây dựng đơn vị điểm về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN cho CBCC, nhân dân tại UBND quận Thanh Xuân; Tổng Công ty Vận tải TP, Sở Giao thông Vận tải. Nội dung phổ biến tập trung vào Nghị quyết 12- NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP về PCTN; Chương trình 09 của Thành ủy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hình thức thực hiện đa dạng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tọa đàm, diễn đàn đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, nói chuyện chuyên đề, niêm yết công khai thủ tục hành chính. Đặc biệt, sẽ lồng ghép việc bồi dưỡng pháp luật về PCTN trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hằng năm đối với CBCC. Trên cơ sở kết quả thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất UBND TP triển khai nhân rộng trên địa bàn. Mặt khác, BCĐ PCTN TP Hà Nội cũng đã chính thức đề xuất BCĐ TƯ có cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Góp phần bịt kín lỗ hổng chính sách, Thanh tra Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trước mắt, sẽ tăng cường kiểm tra các quy định, quy trình thực hiện trong các lĩnh vực "nhạy cảm" như quản lý tài chính, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, thẩm định, phê duyệt dự án… nhằm hạn chế những sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, giám sát tài sản công, ngân sách, đất đai, dự án, giải phóng mặt bằng, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí và công khai danh sách này. Một số chức danh có thể phải cam kết công khai trước dân về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh PCTN của mình.

Bên cạnh đó, Thanh tra TP cùng Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu cho TP tiếp tục thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ, chấn chỉnh công tác thi tuyển, tiếp nhận CBCC, hoán đổi vị trí công tác nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực; kiến nghị công khai 100% thủ tục hành chính để người dân biết cùng giám sát.

Sắp tới, Ban Chỉ đạo PCTN TP Hà Nội sẽ không chỉ dựa vào kết quả kiểm tra, giám sát của các đơn vị thanh tra để yêu cầu xử lý nhanh, kịp thời các biểu hiện tiêu cực, mà còn tiếp tục tham khảo ý kiến người dân qua nhiều "kênh", từ các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND, MTTQ đến tiếp nhận, xử lý đơn thư và yêu cầu sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt hơn nữa của các cơ quan tố tụng.

Một số nội dung thanh tra đáng chú ý năm 2012 của Hà Nội
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại quận Long Biên, thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm.
- Thanh tra việc thu, chi ngân sách tại quận Hà Đông.
- Thanh tra dự án thí điểm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của TP tại ô đất CT 19A thuộc Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư.
- Thanh tra việc quản lý, điều hành, thu, chi ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Mê Linh, quận Hoàn Kiếm.
- Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật và thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai tại Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và Khu Công nghiệp Phú Nghĩa - Chương Mỹ.


Bách Sen

Hà Phong