Sửa luật để tăng hiệu quả giám sát
Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 20/03/2012
Để HĐND hoạt động đạt chất lượng, thực quyền và hiệu quả hơn, vấn đề nên làm và cần làm ngay là sửa đổi Hiến pháp 1992 gắn với sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Đó là kiến nghị chung được Thường trực HĐND 11 tỉnh, TP Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ đưa ra tại Hội nghị giao ban lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cơ cấu, tổ chức chưa đủ mạnh
Theo ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng, pháp luật quy định HĐND TP có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn nhưng thực tế tổ chức bộ máy cơ quan của HĐND, văn phòng giúp việc HĐND và bố trí cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Và đây là nguyên nhân chính làm cho hoạt động của HĐND còn nhiều hình thức.
Hải Phòng đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nên ngoài việc thực thi các nhiệm vụ chung, thành phố còn phải thực hiện thí điểm nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Không tổ chức HĐND ở hai cấp dưới cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn đại biểu hội đồng ở cấp này không còn làm việc song vẫn cần duy trì bảo đảm các nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương. Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hải Phòng, dù đã được tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 65 lên 67 đại biểu và TP tăng số lượng cấp ủy, cán bộ làm việc HĐND chuyên trách nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Không bị khuyết đi hàng ngàn đại biểu tại cấp quận, huyện và phường, xã như Hải Phòng, Vĩnh Phúc - các địa phương đang triển khai thí điểm, nhưng các tỉnh, TP khác như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương lại đang gặp không ít khó khăn khi cơ cấu đại biểu HĐND thiếu đại biểu chuyên trách và thiếu cán bộ văn phòng HĐND. Tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm nhiều, thiếu đại biểu chuyên trách là một trong những nguyên nhân khiến HĐND chưa thực sự mạnh như mong muốn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ giúp việc cho văn phòng HĐND, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương bày tỏ lo lắng khi đội ngũ cán bộ văn phòng còn thiếu nhiều so với thực tế công việc và yêu cầu của quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND trong tình hình mới. Hình ảnh đội ngũ chuyên viên văn phòng phải "biết tuốt" khi vừa tham mưu cho Thường trực, các ban tổ chức giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, đến công tác tổng hợp, xây dựng dự thảo… phần nào cho thấy đội ngũ này đang làm việc quá tải trong khi công việc nhiều khi lại đòi hỏi có chuyên môn sâu.
Thiếu chế tài
Những vướng mắc kể trên, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có yếu tố khách quan do cơ chế thực thi quyền lực của HĐND các cấp vẫn còn bị ràng buộc bởi các quy định không rõ ràng, đôi khi trở thành hình thức, không hiệu quả.
Đơn cử hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND. Thực tế, không ít các cuộc giám sát sau một thời gian đã bị "vô hiệu hóa" do cơ quan, đơn vị được giám sát chậm hoặc không thực hiện những kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của đoàn giám sát. Nhưng luật không quy định các chế tài xử lý những trường hợp này nên hiệu quả giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND thường không cao, chủ yếu mới dừng lại ở phần kiến nghị. Vì vậy, khi chưa có điều kiện ban hành luật riêng về giám sát, nên chăng sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND cần bổ sung nội dung này theo hướng quy định rõ cơ chế, nguyên tắc, quy trình và phương pháp cơ bản trong giám sát đồng thời với quy định các chế tài trong thực hiện kiến nghị giám sát.
Tại hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ vừa tổ chức tại Hà Nội, các ý kiến đều thống nhất đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu tổng kết và sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 theo hướng làm rõ địa vị pháp lý về vị trí, cơ cấu, nhiệm vụ và quyền của Thường trực HĐND trong mối quan hệ tương xứng với 3 cơ quan lãnh đạo ở địa phương hiện nay là thường trực cấp ủy, thường trực HĐND và lãnh đạo UBND. Bên cạnh đó, cần bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND điều khoản quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy và nguyên tắc hoạt động, số lượng biên chế của cơ quan tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, chỉnh sửa những nội dung còn chồng chéo trong luật quy định việc phê chuẩn, kết quả bầu các thành viên của UBND cấp tỉnh… Rõ ràng, việc sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 là yêu cầu thiết yếu đang đặt ra nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho HĐND phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay.