Bỏ ngỏ công tác quản lý

Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 19/03/2012

(HNM) - Được phát hiện từ năm 1999 với độ nóng cao (38 - 42 độ C) và có độ khoáng, độ tinh sạch cấp quốc gia, người dân thôn 5, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đã

Trở lại thôn 5, xã Thuần Mỹ mỗi năm lại thấy một sự đổi thay mau lẹ. Nếu như cách đây chừng mười năm, thôn 5 nói chung, xã Thuần Mỹ nói riêng vẫn còn là một làng quê thuần nông, 100% số hộ trông vào nông nghiệp, thì từ khi phát hiện ra nguồn khoáng nóng (thời điểm năm 1999, khi một số hộ dân khoan giếng nước sạch trong chương trình hỗ trợ của UNICEF) người dân đã biết tranh thủ của "trời cho" này để làm kinh tế.


Phía dưới những cánh đồng như thế này ở xã Thuần Mỹ đều có nguồn nước khoáng nóng.    Ảnh: Quốc Ân

Ban đầu, chỉ một vài hộ khoan giếng, xây phòng mở dịch vụ tắm khoáng nóng, dần dần thấy hiệu quả, người dân mở dịch vụ ngày một nhiều. Hiện nay, thôn 5 đã san sát những hộ có dịch vụ: tắm khoáng nóng, kèm cà phê, bia lạnh và ăn uống. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuần Mỹ Nguyễn Đình Học cho hay, nước nóng có ở khắp nơi, dưới lòng đất của mỗi gia đình nên hộ nào cũng có thể khai thác, nhà ít cũng có 1-2 giếng khoan, còn nhà nhiều thì 4-5 giếng. Cũng chính vì sự dễ dàng này mà số giếng khoan đã phát triển theo cấp số nhân. Đến nay, thôn 5 có 130/178 hộ dân khai thác nước nóng làm dịch vụ, với hơn 700 phòng tắm. Trong các ngày nghỉ, ngày lễ, mùa đông, lượng khách đến đây lên đến hàng nghìn người/ngày. Gần đây, một số hộ dân thôn 5 còn đầu tư phòng tắm xoáy cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách như hộ ông Nguyễn Trung Toàn, xóm 1, có 15 phòng tắm 2 tầng; hộ ông Vũ Văn Chuyển, xóm 2 có 11 phòng tắm… Ông Toàn cho biết, đầu tư 50-70 triệu đồng là có thể khoan được một giếng nước nóng. Ở thôn 5, chỉ một số hộ có điều kiện xây phòng tắm sang trọng, đầu tư hàng trăm triệu, còn đa số là các phòng tắm bình dân, kinh phí không nhiều. Dịch vụ tắm khoáng nóng mang lại thu nhập cao gấp hàng chục lần so với làm ruộng. Cũng bởi vậy mà thôn 5 chỉ còn 7 hộ nghèo, hầu hết các gia đình trong thôn đều có nhà cửa khang trang.

Hơn 10 năm phát hiện, tài nguyên vẫn chưa được quản lý

Tuy mang lại kinh tế khá cho các hộ dân, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Thế nhưng, đã hơn 10 năm qua kể từ khi phát hiện, việc khai thác món quà "trời cho" này vẫn hoàn toàn tự phát. Ông Nguyễn Đình Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã bức xúc, ngay khi phát hiện ra "mỏ" khoáng nóng, xã Thuần Mỹ đã báo cáo lên huyện Ba Vì và các cơ quan chức năng nhằm tìm nhà đầu tư vào khoan thăm dò, tổ chức khai thác nguồn nước. Tuy nhiên, phải mất gần 3 năm làm thủ tục, đến năm 2004, Công ty cổ phần Xây dựng - du lịch Bình Minh mới được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép thăm dò nguồn nước khoáng nóng ở Thuần Mỹ với 3 lỗ khoan. Do máy móc đưa vào thực hiện không đủ năng lực nên đến năm 2008, công ty này mới hoàn thành khoan thăm dò 3 mũi. "Kết quả ban đầu cho thấy trữ lượng mỏ khoáng nóng ở đây rất dồi dào. Nhưng từ đó tới nay, việc quy hoạch, khai thác, cấp phép thì vẫn "giậm chân tại chỗ", không thấy làm thêm được gì"- ông Học cho biết.

Hiện, chưa có gia đình nào ở Thuần Mỹ được các cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh. UBND xã Thuần Mỹ mới chỉ quản lý về mặt an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và vệ sinh môi trường. "Chính quyền xã đã có quy định, thời gian hoạt động các dịch vụ tắm khoáng nóng không quá 22 giờ, khách thập phương về xã phải đăng ký tạm trú. Phía công an xã cũng thường xuyên nhắc nhở các gia đình hướng dẫn khách giữ gìn an ninh, trật tự địa phương... Tuy nhiên, việc kinh doanh nước khoáng nóng vẫn chưa đi vào quy củ. Đặc biệt, tệ mại dâm có chiều hướng gia tăng. Đơn cử, vào tháng 8-2011, tại điểm tắm nước khoáng nóng Bình Minh, lực lượng Công an huyện Ba Vì đã bất ngờ đột kích và bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang "tắm" cùng nhau trong 2 phòng tắm. Theo ông Học, số vụ bắt được mới chỉ là bề nổi. Cũng bởi làm ăn tự phát, chưa được tập huấn kiến thức về du lịch nên tình trạng chèo kéo, tranh giành khách vẫn phổ biến.

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ thẳng thắn nhìn nhận, người dân địa phương khai thác nguồn nước nóng một cách tự phát và ồ ạt. Chính quyền xã rất khó quản lý bởi các hộ đều khai thác ngay trên mảnh đất gia đình mà cha ông để lại, lại chưa có gia đình nào được cấp giấy phép hoạt động. Ông Sơn mong các cơ quan chức năng sớm có sự đầu tư, nghiên cứu một cách nghiêm túc và có cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ để đưa việc kinh doanh khoáng nóng đi vào quy củ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các hộ dân và bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

Nguyễn Mai