Những cách làm sáng tạo

Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 19/03/2012

(HNM) - Xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh xác định quy hoạch phải đi trước một bước nên đã đặc biệt quan tâm và có nhiều cách làm sáng tạo. Đến nay, Mê Linh là huyện đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội hoàn thành QH xây dựng NTM.


Trong khi hầu hết các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, triển khai QH xây dựng NTM đều chậm so với tiến độ, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thì ở huyện Mê Linh, công tác QH lại được thực hiện mau lẹ, thu được nhiều kết quả. Chỉ trong thời gian 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8 - 2011), 16/16 xã của huyện Mê Linh đã tổ chức lập xong QH theo đúng trình tự, bước đi, cách làm mà thành phố hướng dẫn. Đến tháng 12-2011, huyện Mê Linh đã phê duyệt QH NTM tại 13/16 xã; còn lại 3 xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Tiền Phong do nằm trong QH đô thị nên UBND huyện Mê Linh đã trình lên cấp TP chờ phê duyệt.


Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh đã triển khai dồn điền đổi thửa, gắn với mở rộng hệ thống giao thông nội đồng phát triển sản xuất. Ảnh: Minh Phú

Ông Đoàn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, thông thường ở các huyện khác, công tác QH NTM giao cho các xã tự làm. Ở Mê Linh, sau khi xem xét tình hình thực tế, UBND huyện đã quyết định thành lập "BQL dự án QH xây dựng NTM". Lấy lực lượng nòng cốt là cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện, chủ tịch UBND và cán bộ địa chính các xã. BQL thay mặt chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập QH; đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu. Việc làm này nhằm phát huy khả năng chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý đô thị, có nhiều kinh nghiệm, có thể phối hợp với tư vấn đưa ra các ý tưởng QH phù hợp, khoa học, hỗ trợ những hạn chế của cán bộ cấp xã. Hơn nữa, thay vì triển khai đồng loạt các QH chi tiết phải cần rất nhiều kinh phí, huyện Mê Linh đã chọn lựa, ưu tiên từng hạng mục đầu tư. "Nếu tất cả các QH đều xây dựng chi tiết theo tỷ lệ 1/500, vừa không cần thiết vừa rất tốn kém (mỗi xã cần khoảng 1,2 tỷ đồng), huyện Mê Linh đã lựa chọn chỉ QH các khu trung tâm như: công trình giáo dục, y tế, văn hóa… mới xây dựng tỷ lệ 1/500; còn QH tổng thể của xã xây dựng tỷ lệ 1/2000. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được 1/3 kinh phí, mỗi xã chỉ hết từ 400-500 triệu đồng cho công tác QH"- ông Trọng cho biết.

Là người trực tiếp tham gia xây dựng QH tại các xã, anh Nguyễn Ngọc Ngà, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh chia sẻ, quá trình lập QH ở huyện Mê Linh cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên do tổ chức công khai để người dân tham gia, quá trình vào cuộc quyết liệt nên những khó khăn đều được tháo gỡ. Trong rất nhiều các QH phải làm thì QH nghĩa trang nhân dân nhận được nhiều ý kiến nhất. Theo quy định, mỗi xã chỉ có một nghĩa trang tập trung cho tất cả các thôn. Trong khi đó, hiện nay mỗi thôn đều có một nghĩa trang riêng. "Ban đầu người dân không đồng thuận cho rằng, nếu chôn tập trung thì đường đến nghĩa trang sẽ xa hơn. Lại có ý kiến cho rằng tập quán không nên mang người mất từ thôn này đến thôn khác để chôn cất… Lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, việc lập QH đã chọn ra những điểm trung tâm giữa các thôn và có kết nối với hạ tầng giao thông nội đồng thuận tiện. Từ đó, vấn đề tưởng như khó nhất, mất nhiều thời gian nhất lại được người dân đồng tình cao nhất"…

Chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm hay

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, với đặc thù là một trong những huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác xây dựng QH NTM các xã trên địa bàn phải được khớp nối với các dự án đô thị, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã và đang triển khai. Nhìn chung, các đồ án QH của các xã đã có sự cập nhật hiện trạng một cách chi tiết nhất, ý tưởng quy hoạch có tính khả thi cao. Thành công ban đầu trong công tác QH là tiền đề quan trọng để Mê Linh triển khai xây dựng NTM một cách khoa học, hiệu quả.

Đánh giá cao cách làm bài bản của huyện Mê Linh, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình NTM Hà Nội cho rằng: "Khi có QH, người dân sẽ thấy được bức tranh tổng thể của xã, tạo niềm tin đối với người dân. Nếu để tự phát thì nông thôn sẽ phát triển manh mún, luộm thuộm". Trước mắt, để nhân dân ở các xã thấy được quy mô, "bộ mặt mới" của xã mình trong tương lai và thực hiện theo đúng QH, các xã phải tổ chức hội nghị công bố công khai QH, đồng thời phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện theo QH như tổ chức cắm mốc giới các công trình hạ tầng xã hội và tuyến đường giao thông; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (đường giao thông, kênh mương...). Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch đã được duyệt. Đặc biệt, cần có sự giám sát thực hiện theo đúng QH của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội khác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, huyện Mê Linh chia sẻ kinh nghiệm, cùng các đơn vị liên quan giúp các huyện khác trên địa bàn thành phố xây dựng QH, phấn đấu đến quý II-2012, tất cả 161 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 (2010 - 2015) trên địa bàn TP hoàn thành QH và đến hết năm 2012 có 401 xã trên toàn TP xây dựng xong QH NTM.

Theo QH NTM ở Mê Linh, đường ngõ xóm ở tất cả các xã sẽ được cải tạo, lòng đường tối thiểu 3,5- 4m; đường trục thôn khoảng 4-5m; đường trục khu tối thiểu 4-5m, có vỉa hè mỗi bên tối thiểu 1-2m, hệ thống thoát nước; đường trục xã tối thiểu 5-7m, vỉa hè mỗi bên tối thiểu rộng 2-4m. QH cũng quy định rõ định hướng tổ chức không gian vùng sản xuất, tổ chức mạng lưới điểm dân cư nông thôn, trụ sở đơn vị hành chính, trường học, các công trình công cộng, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan có giá trị.

Nguyễn Mai