Một con đường, trăm nỗi bức xúc

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:15, 19/03/2012

(HNM) - Đó là câu chuyện rắc rối về con đường dân sinh thông ra hồ Ba Mẫu của gần 400 hộ dân thuộc các tổ 23A, 23B, 24, 25, 34 (cụm dân cư số 5, phường Phương Liên, Đống Đa) vừa bị rào lại.

Nỗi khổ của dân

Chỉ cho chúng tôi khu nhà tầng cách đường quanh hồ Ba Mẫu chừng 100m - nơi người dân bị rào đường, cụ Ngô Doãn Hiểu (nhà 38, tổ 49, phường Phương Liên) cho biết: "Đấy các anh xem, nhìn thì gần thế thôi, chứ muốn vào phải đi nhờ đường của tổ 49 đấy". Con đường dài chỉ 100m, nhưng đi đến gần cuối thì bị rào lại bằng cửa sắt chặn. Phải đi lòng vòng một lúc qua những ngõ nhỏ (khoảng 2m) vòng vèo hình "vòng thúng", chúng tôi mới vào được khu nhà phía trong cửa sắt. Cần nói rằng, người rào con đường này không có lỗi, vì phần đất dài khoảng 30m cuối con đường dân sinh này thuộc sở hữu của gia đình bà Cả Vàng (phường Phương Liên). Người dân ở đây chẳng ai trách nhà bà Cả Vàng, vì theo họ "tài sản của người ta thì người ta phải giữ chứ".

Đường nội bộ trong khu 61 hộ dân bị thi công nửa vời, nay vẫn bỏ dở, chưa xong…


Vấn đề ở chỗ, cách đây nhiều năm Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội (theo người dân thì thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hà Nội - UDIC) xây dựng khu nhà ở Dự án hồ Ba Mẫu bán cho 61 hộ dân thuộc cụm 5, phường Phương Liên hiện nay. Điểm quan trọng là trong các bản vẽ dự án khu nhà mà công ty giao kèm hợp đồng mua bán nhà với các hộ dân đều có con đường dân sinh nói trên. Nhưng thay vì mua đứt phần đất nhà bà Cả Vàng để làm đường cho 61 hộ dân thuộc dự án, Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội đã thuê lại phần đất này và trông chờ khi TP triển khai lại Dự án hồ Ba Mẫu sẽ làm thay mình." - Trước đây họ thuê 5 triệu đồng/tháng, sau này tăng lên 15 triệu đồng/tháng, nhưng hết năm 2011, họ không thuê nữa nên nhà bà Cả Vàng đã rào lại. Bán nhà mà không có đường đi thì chẳng khác nào lừa chúng tôi. Ngoài ra, nhiều đoạn đường nội bộ, vỉa hè trong khu họ (chủ đầu tư) đang thi công, nay dừng lại bỏ đó, dở dang, ngổn ngang vật liệu khiến người dân chúng tôi đi lại càng thêm khổ..." -  bà Lê Thị Tạo, Tổ phó Tổ 23B, phường Phương Liên bức xúc.

Ai là người có trách nhiệm?

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Hànộimới, đại diện của 61 hộ dân tổ dân phố 23B cho biết, nhiều năm nay, cả ngàn người vẫn qua lại con đường này hết sức thuận tiện, nay tự dưng con đường bị bịt lại, khiến ai cũng lo lắng. Điều mọi người lo nhất là trong trường hợp nếu không may xảy ra hỏa hoạn hay người nào đó phải đi cấp cứu, thì xe cứu hỏa, xe cứu thương không có đường vào trong khu và hậu quả xảy ra khó có thể lường trước.

Cầm một tập hồ sơ dày trong tay, bà Lê Thị Tạo, Tổ phó Tổ 23B cho biết: - Nhìn thấy khu công viên hồ Ba Mẫu được đầu tư xây dựng, người dân ở đây mừng lắm. Nhưng niềm vui chưa thấy đâu thì nỗi buồn vì con đường bị rào đã ập đến". Bà Tạo là người đã được người dân trong tổ tin tưởng giao nhiệm vụ tập hợp hồ sơ, làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Nhưng theo bà, mặc dù đã cố gắng nhiều tháng nay, gửi đơn, thư đến nhiều nơi, nhưng mọi việc vẫn rơi vào bế tắc. Trong khi đó họ không sao gặp lại được chủ đầu tư…

Qua điện thoại chúng tôi đã liên hệ được với ông Nguyễn Minh Quang, Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, TGĐ Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Thật bất ngờ, ông Nguyễn Minh Quang đã khẳng định, đơn vị hợp đồng bán nhà cho 61 hộ dân không phải là công ty con trực thuộc UDIC (!?). Ông cũng đề nghị chúng tôi làm mạnh tay, đưa đơn vị nào đã gây ra rắc rối nói trên phơi bày lên công luận.

Vậy nếu không phải UDIC, thì ai chịu trách nhiệm trong việc này!? Trong khi đó, những người dân nơi đây thì lại quả quyết: "- Đúng là công ty con này thuộc UDIC. Nhưng khi tìm những người có trách nhiệm của công ty, thì họ lại bảo ký hợp đồng trước là do đời giám đốc cũ, bây giờ công ty đã cổ phần rồi, lại gặp khó khăn về kinh tế, nên chưa thể giải quyết yêu cầu của bà con...". Phóng viên cũng đã cố gắng đi tìm những người có trách nhiệm của Công ty XD và phát triển công trình hạ tầng Hà Nội, nhưng cũng không ai đứng ra để trả lời vấn đề này.

Giải pháp nào cho con đường "đau khổ"?

Chuyện rắc rối về con đường nói trên, theo lời người dân, còn là hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch hồ Ba Mẫu. Trong quy hoạch ban đầu của 20 năm trước, con đường này nằm trong dự án. Nếu làm theo quy hoạch cũ, TP sẽ thu hồi đất, GPMB nhà bà Cả Vàng để làm con đường thông ra hồ cho các hộ dân thuộc cụm 5, phường Phương Liên, trong đó có 61 hộ dân nói trên. Nhưng sau khi dự án bị đình trệ kéo dài (chủ yếu do vướng về GPMB), TP đã cho điều chỉnh quy hoạch. Sau điều chỉnh, diện tích cần phải GPMB bị thu hẹp lại và con đường đi qua phần đất của nhà bà Cả Vàng không còn nằm trong quy hoạch mới nữa...

Gặp Ban QLDA hồ Ba Mẫu, ông Bùi Ngọc Hòa (Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị - Sở XD) giải thích: Trong quy hoạch ban đầu của Dự án hồ Ba Mẫu không hề có con đường nói trên. Trước đây, khi xây dựng nhà để bán chủ đầu tư (Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội - PV) đã sử dụng con đường này để vận chuyển vật liệu, phế thải nên có thời gian phải thuê lại một phần đất của nhà bà Cả Vàng. Khi bán xong nhà họ không thuê đất nữa, thì nhà bà Cả Vàng cho rào chắn lại nên bây giờ không có đường cho ô tô vào. Người dân trong khu vực này hiện vẫn có đường đi, nhưng phải đi lòng vòng theo những ngõ ngách hẹp... Tuy nhiên, cũng theo ông Hòa, trong quy hoạch tổng thể mới (đã được phê duyệt) của thành phố, Dự án hồ Ba Mẫu có tuyến đường số 6 (dài khoảng 70m, rộng 5,5m cộng 1m vỉa hè, nằm giáp phía nam phường Trung Phụng và phía đông bắc phường Phương Liên) dẫn từ đường ven hồ vào trong khu của 61 hộ dân nói trên. Con đường này sẽ có đầy đủ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Theo kế hoạch, việc GPMB sẽ cố gắng được hoàn tất trong quý II-2012 và sau khi có mặt bằng thì con đường sẽ được ưu tiên thi công trước để sớm giải tỏa nỗi bức xúc cho người dân...

Còn ông Trương Đình Đức, Trưởng ban GPMB quận Đống Đa thì khẳng định, khi quy hoạch tổng thể Dự án hồ Ba Mẫu có nghiên cứu hệ thống giao thông cho toàn khu dân cư của hai phường Trung Phụng và Phương Liên, trong đó có đường vào khu của 61 hộ dân. Tuyến đường số 6 chắc chắn có trong quy hoạch tổng thể và đã được niêm yết công khai cho người dân tại hai phường Phương Liên và Trung Phụng. Việc con đường sẽ được thi công và hoàn thành sớm hay muộn hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào công tác GPMB, cũng như sự ủng hộ, hợp tác của người dân trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB của Dự án hồ Ba Mẫu. Song, ở góc độ người mua nhà, ông Trương Đình Đức cho rằng, bên chủ đầu tư xây dựng nhà cần phải có trách nhiệm với người sử dụng, bởi khi bán nhà thì phải kèm theo hạ tầng và phải có đường đi. Trong trường hợp cụ thể trên, ông Đức cho rằng, Công ty Xây dựng và Phát triển công trình hạ tầng Hà Nội nên tiếp tục tạm thời thuê đất của nhà bà Cả Vàng, trong khi chờ đợi con đường mới (tuyến đường số 6) được hoàn thành và đưa vào sử dụng...

Trọng Quang - Võ Lâm