Đấu tranh không khoan nhượng
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:04, 19/03/2012
Thứ nhất: Việc xử lý kỷ luật hai đảng viên - hai vị cán bộ cao cấp, có thể thấy một điều không mới nhưng là vấn đề cốt yếu, đó là công tác cán bộ. Khâu luân chuyển, sắp xếp những người có đức, có tài, có tâm vào các vị trí trọng yếu vẫn chưa thật sự được chú trọng. Vấn đề chạy chức, chạy quyền vào một số vị trí trong bộ máy chính quyền các cấp vẫn tồn tại. Trong khi đó chúng ta vẫn thiếu những cơ chế quản lý, giám sát và quy trình bố trí cán bộ chặt chẽ ở từng cấp. Do vậy, không ít phần tử cơ hội đã tìm cách chui vào bộ máy, leo cao trong các vị trí lãnh đạo để tham nhũng, đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây dư luận xấu, làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng...
Thứ hai: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã chỉ rõ: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ… Đảng ta đã thẳng thắn nhận diện những vấn đề bức xúc, đã đề ra những sách lược cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ ba: Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng"… Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm khắc những khuyết điểm, vi phạm của hai vị cán bộ cao cấp là một minh chứng thể hiện quyết tâm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Thứ tư: Cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn Đảng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật nhằm phát hiện ra "những sâu mọt" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với việc thực thi các giải pháp quyết liệt, triệt để và hiệu quả.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vấn đề lúc này là mỗi đảng viên cần khẳng định rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, thiết thực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.