Lỏng cơ chế, khó kiểm soát
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 19/03/2012
Thiếu cơ chế quản lý liên thông
Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, Đỗ Hoàng Yến, Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá đã quy định rõ hơn về tổ chức bán ĐGTS và các loại tài sản bán đấu giá; hạn chế thông đồng trong ĐGTS và nâng cao tiêu chuẩn đấu giá viên cũng như các tổ chức thực hiện ĐGTS. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa hoạt động bán ĐGTS, là tiền đề cho việc xây dựng luật bán ĐGTS sau này. Theo đó cả trung tâm bán ĐGTS công và doanh nghiệp đều đang "chơi" trong một "sân" chung, đó là Nghị định 17/2010/NĐ-CP, không có chuyện phân biệt Nhà nước hay tư nhân và quyền lựa chọn của khách hàng với nhữngđịa chỉ uy tín.
Các ngành chức năng cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chế tài để xử lý hành vi vi phạm về đấu giá tài sản nhằm tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Ảnh: Cộng Tác |
Tuy nhiên, mặc dù đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành trên cả nước ban hành xong quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Nhưng, quá trình thực hiện có khá nhiều vướng mắc.
Báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, Hà Nội khi chưa sáp nhập địa giới hành chính với tỉnh Hà Tây, có trên 10 nghìn doanh nghiệp có chức năng bán ĐGTS. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Vỹ, lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nào để giới thiệu cho các quận, huyện có nhu cầu ĐGTS đang là băn khoăn của cơ quan này. Sau khi Nghị định 17 được ban hành, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát và chọn ra được 135 đấu giá viên/54 doanh nghiệp có chức năng bán ĐGTS tạm gọi là "chuyên nghiệp". Một cuộc kiểm tra của Hà Nội sau đó cho thấy, trong 18 doanh nghiệp bị "sờ gáy" hầu hết không thực hiện chế độ báo cáo, không đăng ký danh sách đấu giá viên và chỉ có một cơ sở duy nhất hoạt động trong lĩnh vực bán ĐGTS. 17 doanh nghiệp còn lại kinh doanh "thập cẩm", bán ĐGTS chỉ là một trong nhiều hoạt động của họ. Đặc biệt, có công ty chăng biển nhưng không có người, có đấu giá viên từ khi được cấp thẻ chưa một lần đi làm đấu giá…
Nguyên nhân của tình trạng đụng đâu sai phạm đấy kể trên là do Luật Doanh nghiệp quy định các doanh nghiệp bán ĐGTS đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tư pháp thực hiện quản lý nghiệp vụ bán ĐGTS. Tuy nhiên, do chưa có quy định chặt chẽ về cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Kế hoạch - Đầu tư nên việc nắm bắt, quản lý các doanh nghiệp đấu giá đối với cơ quan tư pháp còn nhiều bất cập. Đây cũng là thực tế của nhiều địa phương trên cả nước, gây ra rất nhiều hệ lụy khác nhau.
Quản lý lúng túng
Tại Đồng Tháp đã xảy ra hiện tượng khách hàng "đổ bộ" vào doanh nghiệp thẩm định và bán đấu giá tài sản tư vì lý do hoa hồng của doanh nghiệp cao hơn trung tâm do Nhà nước quản lý. Có "thượng đế" còn đòi chi "phần trăm" nếu muốn ký hợp đồng bán đấu giá. Thực trạng này cho thấy, quản lý các đơn vị ĐGTS không phải dễ.
Cùng cảnh ngộ, Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, nhận thức của doanh nghiệp bán ĐGTS cũng như vị trí, vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về bán ĐGTS còn hạn chế. Do đó, hầu hết doanh nghiệp bán ĐGTS không thông báo bằng văn bản việc đăng ký kinh doanh cho Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn quy định; không báo cáo việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên với Sở Tư pháp. Do đó, đơn vị này không thể nắm hết cụ thể số lượng đấu giá viên đang hành nghề tại địa phương để quản lý.
Trong khi đó, để có được một dự án bán ĐGTS phải thông qua nhiều bước, từ an ninh đến quy mô dự án đấu giá, quy trình phê duyệt đấu giá và được cấp có thẩm quyền phê duyệt... mất rất nhiều thời gian. Rồi giải quyết "hậu" đấu giá cũng còn không ít vấn đề bất cập. Có không ít phiên đấu giá đất 20 người trúng thầu, nhưng sau đó 18 người... bỏ không mua.
Thực tế trên cho thấy, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung chế tài để xử lý hành vi vi phạm quy định về bán ĐGTS. Đặc biệt, để thực hiện quản lý về tổ chức, hoạt động bán ĐGTS, việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và các sở, ngành khác cho phù hợp với thực tế địa phương trên cơ sở đúng luật và bảo đảm thông thoáng theo yêu cầu cải cách hành chính là rất cần thiết.