Kỳ tích của “cô gái chân đất”

Thể thao - Ngày đăng : 07:35, 18/03/2012

(HNM) - Không phải Thanh Hằng, chẳng phải Vũ Thị Hương mà chính


Trước khi Thanh Phúc lên đường dự giải đấu do Nhật Bản đăng cai vào hôm 11-3, giới chuyên môn đều kỳ vọng "cô bé hạt tiêu" này có thể làm nên chuyện bất ngờ với khả năng đột phá luôn tiềm tàng, song cũng không dám tin chị lại vượt qua cuộc "đi bộ" tới Olympic thần kỳ như vậy.


Thanh Phúc, niềm tự hào của Điền kinh Việt Nam.

Lần đầu dự tranh một đấu trường tầm cỡ châu lục mà Phúc đã nhập cuộc đầy tự tin và thanh thản, đến mức hồn nhiên, hệt như những buổi tập thường ngày bên bờ sông Hàn. Lạ hơn, ở chị cũng không thấy bất cứ sự trở ngại nào về kỹ năng, kỹ thuật như đã có người e ngại. Phúc cứ thoăn thoắt tiến bước về phía trước một cách bền bỉ, đều đặn, để rồi thực hiện cú tăng tốc ngoạn mục trong 2km cuối cùng, về đích ở vị trí thứ 3 trong niềm phấn khích tột độ của số thành viên ít ỏi của ĐTVN.

Thanh Phúc đã đoạt tấm huy chương châu lục đầu tiên cho môn đi bộ Việt Nam với thông số 1 giờ 35 phút 13 giây đáng kinh ngạc. Nó đã vượt mức chuẩn B Olympic (1 giờ 38 phút 00) tới 2 phút 47 giây. Với kết quả này, suýt chút nữa Phúc còn qua luôn cả chuẩn A khi chỉ còn thiếu đúng 1 phút 30 giây.

Nhưng như thế cũng đã quá đủ để Phúc đi vào lịch sử với tư cách VĐV ĐKVN vượt chuẩn B, có nhiều khả năng giành quyền chính thức tham dự Olympic.

Kỳ tích và nghịch lý

Trong việc Thanh Phúc đoạt chuẩn B Olympic có hàng loạt chuyện thật không thể tin nổi, có lẽ hy hữu ngay cả trên bình diện thế giới.

Thật khó có VĐV nào như tuyển thủ quê Đà Nẵng đã vươn tới thành quả quá tuyệt vời ngay ở lần thứ 2 xuất ngoại thi đấu. Càng đáng nói hơn vì trong lần đầu xuất ngoại, cũng mới chỉ cách đây 4 tháng tại SEA Games 26, Phúc đã đoạt luôn HCV. Ngoài 2 cuộc xuất ngoại thi đấu rồi lập tức lập công kể trên, trong suốt 10 năm kể từ khi đăng quang tại Giải VĐQG, chị chưa từng được thọ giáo một chuyên gia nước ngoài hay theo một giáo án quốc tế bài bản nào cả, chỉ là tự mày mò vừa tập luyện vừa học, với sự dẫn dắt của một ông thầy nội hoàn toàn "tay ngang".

Trong khi đó, nếu tính trong môn điền kinh thì đi bộ như chỉ là một nội dung phụ, "cho có", chưa bao giờ được quan tâm đầy đủ. Mãi đầu năm 2012, Phúc mới được đưa vào diện "trọng điểm", tức là có khả năng giành suất Olympic, song thực tế thì chị vẫn phải tự tập luyện.

Trong chiến công ngoạn mục này của Phúc, tất cả chỉ có thể lý giải bởi tố chất hiếm có cùng sự bền bỉ và nỗ lực vượt khó tuyệt vời của cô gái con nhà nông thứ thiệt, ở mãi xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang của TP Đà Nẵng. Ở đây cũng phải ghi nhận tính chủ động của đơn vị chủ quản Đà Nẵng cùng sự vào cuộc kịp thời của ngành thể thao để giúp cho "nữ hoàng đi bộ" có cơ hội biến điều tưởng như không thể trở thành có thể.

Trường hợp của Thanh Phúc mở ra cách nghĩ mới về đầu tư cho thành tích cao chăng?

Kim Tuyến