Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng
Xã hội - Ngày đăng : 06:09, 18/03/2012
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo những tiền đề cơ bản cho sự phát triển vững chắc của nền văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, đây cũng là sự "gặp gỡ" giữa vai trò tư vấn của Hội đồng với nhiệm vụ đòi hỏi sự tập hợp lực lượng và trí tuệ toàn xã hội trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, Hội đồng LLPB VHNT TƯ với vai trò của mình có những nội dung hoạt động nào được đặc biệt quan tâm trong năm 2012?
- Chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư giao cho Hội đồng LLPB VHNT TƯ, đó là chủ trì, triển khai chương trình khoa học quốc gia "Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam". Nhiệm vụ này đã được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, phần nói về văn hóa, văn nghệ. Thứ hai, cùng với việc thúc đẩy định hướng công tác lý luận thì đồng thời phải chú trọng công tác phê bình. Thường trực Hội đồng chủ trương năm nay sẽ thực hiện một số cuộc tọa đàm khoa học nhằm gợi mở những vấn đề thời sự của phê bình VHNT, thu hút các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhất là những người đã và đang trực tiếp làm công tác phê bình VHNT; qua đó kiến nghị những giải pháp nhằm góp sức tạo sự chuyển biến mới trong hoạt động phê bình văn học. Cuộc tọa đàm đầu tiên sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4-2012 (phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam) thảo luận chủ đề "Nâng cao chất lượng phê bình văn học". Những cuộc tiếp sau sẽ phối hợp với các hội VHNT chuyên ngành ở TƯ. Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là khẩn trương chuẩn bị ra số đầu Tạp chí Lý luận, phê bình VHNT, dự kiến vào dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Việc nâng cấp từ bản tin lên tạp chí là một quá trình chuẩn bị công phu, một bước phát triển về chất. Từ cách thức thể hiện, cấu trúc tạp chí, đến nội dung bài viết đều phải đổi mới, cập nhật mới đáp ứng đúng yêu cầu mới của giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu VHNT. Muốn như vậy phải tổ chức tốt lực lượng, trong đó hết sức coi trọng việc tập hợp, tranh thủ trí tuệ của lực lượng cộng tác viên, cũng như công chúng yêu VHNT.
- "Xây dựng hệ thống lý luận Việt Nam" là một đòi hỏi thiết thực đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này cũng nhiều lần được nhấn mạnh trong một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, theo ông vì những lý do gì (cả chủ quan và khách quan) chúng ta chưa thực sự khởi động thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này?
- Đây là một vấn đề băn khoăn của những người làm VHNT lâu nay. Không thể nói các hoạt động VHNT trong thời gian qua chưa dựa trên nền tảng lý luận, phê bình nào cả. Bản chất vấn đề là ở chỗ, nó còn chắp vá, tản mạn, chưa có tính khái quát, tính hệ thống, do vậy chưa tạo ra nền tảng cơ bản cho các hoạt động sáng tạo của giới VHNT. Thực tế, cũng đã có một số công trình triển khai nghiên cứu về đề tài này và đã có một vài sản phẩm nhất định. Tuy nhiên, những công trình đó chưa thể là đại diện, cũng như chưa bao quát những vấn đề quan trọng của lý luận văn nghệ Việt Nam. Vì lẽ đó, sau khi đã tham khảo ý kiến của 6 bộ, ngành chức năng, Ban Bí thư đã giao cho Hội đồng LLPB VHNT TƯ chủ trì triển khai nhiệm vụ "Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam".
Hội đồng xác định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, phải tiến hành từng bước theo lộ trình thích hợp. Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ cho ý kiến về Bản thuyết trình Chương trình khoa học quốc gia của Nhóm tư vấn (do Hội đồng thành lập), Thường trực Hội đồng sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai với những nội dung, yêu cầu cụ thể. Theo lộ trình, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2012 tới năm 2015, với mục tiêu quan trọng đầu tiên là định hướng được những nội dung cơ bản của hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020 là hoàn chỉnh hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Hội đồng nhận thức rất rõ đây là công việc lớn và phức tạp, phải được thực hiện công phu, nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả. Phải coi trọng tính kế thừa các công trình đi trước, tập hợp trí tuệ rộng rãi của văn nghệ sĩ và các nhà khoa học. Quá trình đó không hề đơn giản.
- Thưa ông, sự "không đơn giản" có lẽ còn nằm ở chỗ việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam diễn ra trong một thời gian khá dài, trong khi đời sống văn học, nghệ thuật trong nước và thế giới lại không ngừng biến động. Làm sao để cập nhật, phân tích, xử lý, đưa ra dự báo chính xác?
- Như tôi đã nói ở trên, bên cạnh những cuộc tọa đàm khoa học về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Hội đồng sẽ tiến hành khảo sát các địa bàn trọng điểm trong nước và nước ngoài, nghiên cứu tiếp thu các kinh nghiệm quý về vấn đề này từ các nước tiên tiến. Thế giới ngày một hội nhập sâu rộng khiến các xu thế, trào lưu, cả tích cực và tiêu cực tràn vào nước ta. Công chúng yêu VHNT băn khoăn; các nhà nghiên cứu lúng túng, thụ động chưa phân tích thấu đáo cái hay, cái dở của những xu thế, trào lưu đó, để định hướng người sáng tác và cả người đọc. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội đồng là phải tư vấn để định hướng nên tiếp thu cái gì, chọn lọc thế nào để vận dụng vào điều kiện của nước ta.
Vừa rồi trong buổi gặp gỡ đầu năm giữa Hội đồng với các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng chí Nguyễn Khánh (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, Ban Bí thư giao cho Hội đồng nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là đã giao "đúng người đúng việc", bởi chỉ có Hội đồng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình mới có thể đứng ra tập hợp các lực lượng để thực hiện một nhiệm vụ rất lớn và cực kỳ quan trọng trong đời sống VHNT nước nhà.
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi xác định Tạp chí Lý luận, phê bình VHNT tới đây sẽ là một trong những công cụ chủ lực, tập hợp những bài viết sắc sảo, tạo ra được diễn đàn thu hút các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ cùng nhau trao đổi, đề xuất ý kiến, nhất là các giải pháp hữu hiệu.
- Ông từng giữ trọng trách Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, nay đảm nhiệm vai trò người đứng đầu cơ quan tư vấn cho Đảng về VHNT, ông chia sẻ những kinh nghiệm của mình về mối quan hệ giữa báo chí và VHNT?
- Thực tế khẳng định, giữa báo chí và VHNT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều nhà báo đồng thời là nhà văn. Đứng về mặt thể loại, cũng có nhiều bài viết được chuyển tải mềm mại nhờ ngôn ngữ mang tính văn học. Tuy nhiên, nó vẫn có ranh giới. Báo chí phải phản ánh trung thực các sự kiện, sự việc. Còn văn học có quyền tái tạo hiện thực qua lăng kính nhà văn, diễn đạt thông qua những hình tượng, với nhiều cách thức thể hiện, sáng tạo phong phú, tác động tới chiều sâu tâm tư, tình cảm, lay động và hướng người đọc tới chân - thiện - mỹ. Nhưng báo chí không chỉ là một công cụ cập nhật thời sự các vấn đề đời sống VHNT, mà còn làm nhiệm vụ quan trọng nữa là tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm VHNT nước nhà, tham gia định hướng cho công chúng về văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn…
Nhân đây, thay mặt Hội đồng LLPB VHNT TƯ, tôi cảm ơn sự cộng tác có kết quả của đội ngũ cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã dành cho Hội đồng; mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm hơn nữa của báo chí cả nước, nhất là những tờ nhật báo có chuyên trang VHNT định kỳ hằng tuần.
- Cùng với nhiệm vụ mang tính chuyên môn khoa học cao, Hội đồng luôn luôn nhắc đến vai trò trở thành "mái nhà chung cho văn nghệ sĩ". Theo ông, phải làm sao để thu hút, lôi cuốn những chủ thể sáng tạo (vốn luôn rất độc lập và cá tính) này để cùng hướng tới xây dựng, phát triển, bồi đắp những giá trị chung của VHNT nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại?
- Hình ảnh "mái nhà chung" là phương châm hoạt động từ khi ra đời Hội đồng. Bản thân mỗi nghệ sĩ có một cá tính riêng biệt, có bút pháp sáng tạo độc lập, do vậy, việc đánh giá một tác phẩm, tác giả trong một thời kỳ cũng khác nhau, điều đó là bình thường. Vấn đề là, từ rất nhiều khác biệt ấy, chúng ta tìm thấy những giá trị chung cho dân tộc, những vấn đề thiết thực với đất nước, những gì hướng tới khát vọng của số đông nhân dân. Theo hướng đó, Hội đồng phải lắng nghe nhiều chiều, góp sức động viên, cổ vũ các văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo vì lợi ích chung ấy để cùng sát cánh với nhau, cùng phấn đấu cho một nền VHNT phong phú, lành mạnh, tất cả vì con người, cho con người. Thời gian qua, để thực hiện phương châm này, Hội đồng không chỉ tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học mà trụ sở này thường xuyên đón tiếp các văn nghệ sĩ đến bày tỏ nguyện vọng, trao đổi dự kiến sáng tạo tác phẩm mới, nêu ý kiến về những vấn đề thời sự của đời sống VHNT nước ta và thế giới.
"Mái nhà chung" còn thể hiện ở nhiệm vụ xây dựng Tạp chí Lý luận, phê bình VHNT như một công cụ chuyển tải những ý kiến đa chiều về một vấn đề cụ thể. Vì vậy, có thể bài viết này khen ngợi một khuynh hướng, nhưng bài viết khác lại có ý kiến khác. Đó là cách tiếp cận chân lý, tìm mẫu số chung khi đánh giá một khuynh hướng, một sự kiện trong đời sống VHNT. Chính vì lẽ đó, tờ tạp chí này không dành riêng cho chuyên ngành nào, mà là "ngôi nhà chung" của giới VHNT.
- Thường trực Hội đồng đã trực tiếp tham gia nhiều chuyến khảo sát thực tế lắng nghe tiếng nói của văn nghệ sĩ khắp mọi miền đất nước. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một vài kỷ niệm sâu sắc từ những chuyến đi này?
- Hội đồng đã thực hiện được hơn 30 chuyến khảo sát làm việc với các Hội VHNT, các cơ quan văn hóa, tư tưởng cả TƯ, địa phương và thu được những kết quả thiết thực. Điều mà tôi thấm thía nhất là sự nhiệt huyết với nghề, ý thức trách nhiệm với nền văn nghệ nước nhà của số đông văn nghệ sĩ. Anh chị em phấn khởi trước việc ban hành Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" cho rằng đó là việc làm rất đúng và trúng, nhưng việc cụ thể hóa thành các thông tư, thể chế, chính sách… còn chậm. Tiếp thu các ý kiến tâm huyết đó, Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các đề án; vấn đề còn lại là các cơ quan, Nhà nước cần cụ thể hóa thành 32 chương trình; đi liền đó là ban hành các thông tư hướng dẫn. Đặc biệt chúng tôi rất cảm động, khi văn nghệ sĩ vùng sâu, vùng xa cũng rất quan tâm theo dõi và có những nhận xét sâu sắc về tình hình VHNT đất nước; nêu những kiến nghị rất thiết thực về các giải thưởng VHNT, về đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm VHNT… Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh và nhất là tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng vẫn tổ chức lớp tập huấn trong thời gian ba ngày cho cán bộ làm công tác VHNT. Hội đồng đã trợ giúp giảng viên cho các lớp tập huấn này. Như thế là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và Hội VHNT được đề cao. Điều đó cho thấy văn hóa, VHNT với vai trò là nền tảng tinh thần xã hội đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!