Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại Gia Lai, Đắc Lắc

Chính trị - Ngày đăng : 05:58, 18/03/2012

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai, ngày 17-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn năm 2011.


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Gia Lai có tiềm năng lớn về đất đai, rừng, nguồn lực lao động. Địa phương cần tính toán, rà soát để khai thác hiệu quả những diện tích đất sử dụng còn chưa hiệu quả; bố trí cơ cấu cây trồng đạt năng suất cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất. Chủ tịch nước nêu rõ, đời sống kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực. Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần phát huy tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh nâng cao công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, buôn làng; đề xuất giải pháp quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số…

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã thăm và làm việc tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắc Lắc; thăm Công ty Cà phê Trung Nguyên - doanh nghiệp đã tham gia thực hiện dự án "Mô hình cụm cà phê quốc gia và mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn"; thăm mô hình tưới cây nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại hộ gia đình ông Ama Chương, buôn Kô Tam, xã Eu Tu, thành phố Buôn Ma Thuột…

Làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chủ tịch nước cho rằng những năm gần đây, hơn một nửa số buôn làng ở Tây Nguyên từ nghèo đói đã vươn lên khá, trung bình. Nhiều nơi đã định hình được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất đời sống của vùng dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Công tác giảm nghèo nhiều nơi chưa bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng của đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên là thực hiện chính sách về đất đai và chú trọng kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, các địa phương cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về lâm nghiệp trong giai đoạn mới; giảm số thôn, buôn chưa có chi bộ Đảng, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng Đảng tại cơ sở; huy động nguồn lực cần thiết, đủ mạnh để xây dựng hạ tầng nông thôn mới.