Đánh giá kết quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM
Chính trị - Ngày đăng : 16:23, 17/03/2012
Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh-hiện đại và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc là mục tiêu hướng đến của toàn thể nhân dân và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 có ghi rõ “Phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân thành phố; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa”.
Để thực hiện mục tiêu này thành phố đã tiến hành chương trình vận động và thực hiện trong 3 năm liên tiếp. Ngày 28-12-2007, lần đầu tiên UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định mang số 147/2007/ QĐ- UBND về quyết định ban hành chương trình thực hiện chủ đề “Năm 2008 -Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.
Có thể ghi nhận, năm 2008 được coi là năm khởi động của chương trình vận động làm cho nhân dân nhận thức được vấn đề, khơi dậy được ý thức của người dân cần phải quan tâm đến cảnh quan môi trường của thành phố và của nơi mình ở, làm cho nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của xanh, sạch, trật tự và mỹ quan gắn liền với đời sống thiết thực (sức khỏe, sự an toàn) và phương thức làm ăn của người dân (thu hút người mua hàng, gia tăng giá trị bất động sản,...)
Đến năm 2009, chương trình vận động được tiếp tục triển khai bằng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp lần thứ 14 và quyết định triển khai của UBND thành phố (số 311, ngày 21-01-2009) vẫn lấy “Năm 2009- Năm thực hiện nếp sống Văn minh đô thị”. Năm này là năm đặt những nền tảng ban đầu như thiết chế, chính sách, tổ chức lực lượng (chính quyền, tổ chức xã hội, đoàn thể), huy động nguồn tài chính (từ nhà nước và nguồn xã hội hóa), xây dựng cơ sở vật chất (nhà vệ sinh, thùng rác công cộng,…), tiến hành các phương thức tuyên truyền (in tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, sổ tay,…)
Bước qua năm 2010 là năm mở rộng và nâng cấp những gì đã đạt được lên cao hơn một bước về chất, thành phố chọn chủ đề là “Năm 2020- Năm Nếp sống văn minh- Mỹ quan đô thị” với hai nội dung căn bản:
- Làm cho cảnh quan môi trường sạch đẹp (mỹ thuật và nghệ thuật)
- Làm cho đời sống tinh thần đẹp.
Cảnh quan môi trường đẹp là làm cho thành phố xanh (cây xanh, thảm cỏ, mặt nước) môi trường sạch, cảnh trí đẹp, trật tự, ngăn nắp. Đời sống tinh thần đẹp là: lối sống đẹp, sống có văn minh- văn hóa, cư xử đẹp và quan hệ cộng đồng thân thiện, nhân ái. Hai nội dung này làm cơ sở nền tảng để phát triển các chủ trương, kế hoạch làm cho thành phố.
II. Những đánh giá về kết quả cuộc vận động
Sau khi nghiên cứu hơn 700 người dân qua phiếu thăm dò và hàng chục cuộc tọa đàm, các chuyến khảo sát, quan sát thực tế về kết quả cuộc vận động, chúng tôi đưa ra các nhận định tổng quát sau đây:
1. Cuộc vận động văn minh đô thị đã thu được nhiều thành tựu tốt trong đời sống thực tế, tạo ra sự biến chuyển trong nhận thức, thành công phần nào trong công tác tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực, phát huy sáng kiến cộng đồng. Bộ măt ở trung tâm thành phố có những thay đổi hẳn, đặc biệt là sự tiến bộ về môi trường, cảnh quan ở các khu phố, hẻm phố có dân cư ổn định là điều cần ghi nhận có những chuyển biến rất tốt. Các hẻm phố, ngõ ở khu dân cư đã trở nên sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp hơn, ý thức xây dựng cộng đồng tốt hơn.
Tuy nhiên đây mới chỉ là những kết quả ban đầu, thành tích mang chủ yếu lại từ các phong trào vận động, nhiều thành tích đạt được còn là bề nổi, tinh thần của cuộc vận động chưa thấm sâu vào trong đời sống tinh thần của mỗi người dân để trở thành thái độ, thói quen hành động thường trực hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy kết quả là to lớn, nhưng chưa thật sự bền vững. Sang năm 2011, 2012 nhiều hiện tượng đã bắt đầu có sự tái xuất trở lại hoặc biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Như đã biết trong sáu hành vi vận động cần giảm dần đi đến chỗ xóa bỏ hẳn thì có hai hành vi được coi là thành công là: rải vàng mã đám ma và bán hàng rong trước cổng trường, nhưng hiện nay rải vàng mã đám ma bằng tiền giấy đã có nơi thay bằng rải tiền xu, giảm nội thành nhưng chưa có biến chuyển ở ngoại thành; việc bán hàng rong giảm trước cổng trường ở các trường tiểu học nhưng lại có vẻ tăng ở trung học và đại học.
Do vậy nếu không có cách thức duy trì liên tục, bền bỉ thông qua các biện pháp đa dạng thì rất có thể kết quả đạt được bị suy giảm, những thói quen xấu sẽ tái lập lại, bức tranh toàn cảnh về vệ sinh môi trường, cảnh quan của thành phố sẽ bị xấu đi, mà một khi những cái xấu được tái lập thì nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn do sự coi thường luật pháp và ý thức tự do cá nhân. Thành phố cần phải có những kế hoạch lồng ghép nội dung của cuộc vận động này vào các chương trình và kế hoạch khác nhau.
2. Điều quan trọng nhất đáng ghi nhận là đã có sự chuyền biến nhất định trong nhận thức và ý thức của nhân dân, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, cảnh quan của thành phố và khu dân cư. Con số 73% trong 800 người được hỏi công nhận là có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân là hoàn toàn có cơ sở và hiện thực. Từ chỗ họ thờ ơ với những hiện tượng làm mất mỹ quan ở bên ngoài khuôn viên nhà mình, thậm chí coi việc xả rác, vượt đèn đỏ là chuyện bình thường, thì nay họ biết tự ý thức thực hiện, nhắc nhở mọi người thân trong gia đình, bạn bè cùng thực hiện các qui tắc vệ sinh và tỏ thái độ không đồng tính đối với những hoạt động phản cảm. Họ không chỉ làm sạch nhà mình, khu phố hẻm của mình mà còn quan tâm đến cảnh quan môi trường của toàn thành phố. Những ý kiến phản ánh trên báo chí, qua các cuộc thảo luận, các cuộc họp, dư luận xã hội cho thấy trong tiềm thức của nhân dân “văn minh đô thị” đã có chổ đứng và được lưu trong bộ nhớ. Mỗi hành động liên quan đến môi trường như xây dựng nhà ở, đổ rác, xà bần đều được cán bộ cơ sở và người dân quy chiếu vào các tiêu chí của văn minh đô thị.
3. Một trong số kết quả thu nhận được đáng khích lệ nhất là cuộc vận động thực sự đã khơi mở và huy động được một nguồn lực rất đáng để trong nhân dân tham gia. Điều đó thể hiện ở hai điểm:
- Rất nhiều các tổ chức xã hội tham gia một cách tự nguyện và hăng hái, trong đó phải kể đến hai nhóm: một là các cán bộ hưu trí, đảng viên cao tuổi, cựu chiến binh. Cộng cuộc vận động này mang lại kết qủa là có một phần đóng góp lớn từ phía họ. Nhóm thứ hai là các tổ chức tôn giáo và các chức sắc tôn giáo. Chúng ta phải công bằng thừa nhận sự đóng góp của các vị chức sắc tôn giáo, đặc biệt là các vị chức sắc trong giao hội phật giáo, các vị chủ trì các chùa trong việc vận động từ bỏ thói quen rải vàng mã đám ma, đốt vàng mã. Nhiều chùa đã vận động nhân dân không rải vàng mã mà tiết kiệm tiền chuyển sang làm từ thiện. Các vị chủ trì các chùa, nhà thờ, thánh thất đã đưa cuộc vận động vào trong các bài thuyết giảng nơi tôn nghiêm mang lại hiệu quả đáng khích lệ.
- Cán bộ cơ sở và nhân dân các khu phố có nhiều sáng kiến rất hay và thú vị trong khi thực hiện cuộc vận động này. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã nhận được hàng chục sáng kiến có giá trị được phát huy từ cộng đồng như “Hẻm, khu phố, đường phố không rác ”; “Mỗi ngày dành 20 phút cho cộng đồng ”, “Liên gia vệ sinh hẻm phố ”, nhiều sáng kiến được áp dụng có kết quả trong thực tế sinh động của khu phố. Cũng qua cuộc vận động này làm nảy sinh nhiều tấm gương cá nhân, tập thể điển hình cho mọi người học tập.
Từ cuộc vận động này càng củng cố và làm sáng tỏ thêm một luận điểm rất xưa nhưng luôn có sức sống mạnh mẽ. Đó là các cuộc vận động chỉ sống được khi làm cho nhân dân hiểu được các giá trị và lợi ích thực tế mang lại cho họ, làm cho họ hiểu được vai trò, giá trị của bản thân họ khi tham gia vào trong cuộc vận động. Từ nhận thức này sẽ biến thành thái độ tích cực, hành động chủ động và các sáng kiến. Một khi họ thấy được sự trọng thị từ chính quyền thì họ sẽ chủ động tham gia không nề hà, việc tham gia tích cực của các chức sắc tôn giáo là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.
4. Bộ máy công quyền từ ban chỉ đạo đến các sở ngành chức năng, từ cấp thành phố đến quận huyện, phường xã đã thực sự vào cuộc một cách có ý thức và có tổ chức, mặc dù gánh nặng dồn nhiều hơn vào một số sở như Sở Văn hóa Thể thao- Du lịch, sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông vận tải, nhưng đánh giá khách quan là việc triển khai, tổ chức thực hiện, phối hợp không có trục trặc nào đáng kể. Tuy nhiên vẫn có những điểm hạn chế cần ghi nhận. Đó là việc triền khai các chương trình còn chậm, Nghị quyết được ban hành từ tháng 1, nhưng thực sự triển khai đến sở và quận, phường, sau đó ra ngoài thực tiễn phải mất gần hết quý một, hay việc thực hiện giữa các quận và các phường có khác nhau (mức xử phạt, thái độ dễ dãi, cách vận động thực hiện,..) cho nên gây ra sự không đồng bộ và so bì. Sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng chưa đồng đều, các sáng kiến chưa nhiều và trong một vài thời điểm chưa thật chủ động đề xuất các chương trình hành động mà vẫn có tư tưởng bao cấp về “chủ trương và hành động”, chờ đợi chỉ thị, kinh phí từ bên trên rót xuống.
5. Tuy không đồng đều, nhưng nhìn chung các tổ chức chính trị cũng đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, đáng kể nhất trong số đó là đoàn thanh niên cộng sản mà dẫn đầu là thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể thông qua một loạt các phong trào “Ngày chủ nhật xanh ”, ra quân xóa quảng cáo rao vặt. Các phong trào này vừa có ý nghĩa như “cú hích ” ban đầu cho một chuỗi các hoạt động theo kiểu “domino ”, và vừa có ý nghĩa như làm gương cho các tầng lớp nhân dân, học sinh sinh viên noi theo.
6. Một điều cần ghi nhận nữa là sự đóng góp của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy các báo, đài truyền hình, đài phát thanh tham gia chưa đều và chưa liên tục, có những tờ báo tham gia thường xuyên như báo Sài gòn giải phóng, Pháp Luật, Tuổi Trẻ, Ban chuyên đề Đài Truyền hình Thành phố, nhưng cũng có những tờ báo còn chưa thực sự vào cuộc. Dù sao cũng phải khách quan thừa nhận một số phương tiện truyền thông đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng ý thức, lòng tự hào, tự trọng trong người dân thông qua việc truyền bá kiến thức, phê phán các hành động xấu, nêu gương các cá nhân, tập thể điển hình. Báo Sài Gòn giải phóng đã tổ chức nhiều hoạt động như các hội thảo, tọa đàm qui tụ nhiều nhà khoa học tham gia hiến kế cho thành phố. Một trong số các phương tiện truyền thông mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc vận động này là Đài Truyền hình TP.HCM các kênh HTV7, HTV9.
7. Sau 3 năm vận động, các sơ sở vật chất phục vụ cho hoat động văn minh đô thị có gia tăng ở các khu vực trung tâm, tuy nhiên vẫn còn thiếu về chủng loại và chưa đủ về số lượng. Khách quan mà nói thì việc xây dựng mới các nhà vệ sinh, đặt thêm thùng rác là không khó khăn về kinh phí, nhưng lại khó khăn về địa điểm, bởi vì ở các quận trung tâm rất thiếu đất trống, trong khi các sở có liên quan chưa thật sự có những sáng kiến đột phá mạnh mẽ như làm nhà vệ sinh di động, làm dưới mặt đất,...Nhưng sau 3 năm số lượng các thùng rác công cộng, nhà vệ sinh đã có tăng lên. Sau 3 năm thành phố chung ta có bộ mặt sạch hơn và đẹp hơn, nhất khu vực các quận trung tâm.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010 các quận trung tâm đả trồng thêm được 13.000 cây xanh, tăng thêm được 150.000 m² mảng xanh ở các vỉa hè, tiểu đảo, và dải cây xanh giao thông, trong đó mảng xanh vỉa hè là hơn 11.000 m². Các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống văn minh cũng được gia tăng, trong năm 2010 trang bị mới 1.637 thùng rác công cộng nâng tổng thùng rác công cộng lên đến 9.962 thùng, xây mới 15 nhà vệ sinh nâng tổng số nhà vệ sinh công công lên 320 nhà vệ sinh. 15 tuyến đường kiểu mẫu và các công sở, trường học, khách sạn đã có sự chăm chút về hình thức cho sạch, đẹp hơn lên.
III. Một vài lý do khách quan làm giảm kết quả của cuộc vận động:
Mặc dù có sự cố gắng của nhiều lực lượng, chi ra số tiền rất lớn, nhưng kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Những lý do dưới đây lý giải phần nào cho sự hạn chế đó:
1. Thành phố có diện tích quá lớn và dân số quá đông, nhiều nơi có mật độ dân số quá cao. Tính chất đa dạng và phức tạp trong dân cư khiến làm cho việc triển khai thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, quản lý không phải là dễ. Với một thành phố hơn 2100 km² và hơn 8 triệu dân thì mức đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ cho công cuộc xây dựng đời sống văn minh đô thị là vô cùng lớn, trong khi kinh phí của thành phố không phải là vô cùng.
2. Thành phố là cục nam châm khổng lồ hút người nhập cư, lao động tự do, người vãng lai, du khách quốc nội và quốc ngoại. Một ngày có khoảng chứng 1,5 đến 2 triệu người qua lại thành phố. Họ là người mang lợi cho thành phố nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tác hạc tiêu cực. Một trong số đó là những người lao động nhập cư tự do mang tính thời vụ. Họ chính là đối tượng thường xuyên gây ra mất mỹ quan, mất trật tự ở thành phố. Vì thành phố không phải là nơi họ sinh sống cho nên họ không có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Họ là những người bán hàng rong, lượm ve chai, ăn mày ăn xin, “thợ đụng ” ở các công trường xây dựng. Mặc dù trong năm 2010, công tác tuyên truyền vận động đã chú ý đến họ nhưng kết quả không gặt hái được bao nhiêu.
3. Thành phố vẫn còn đang trong quá trình chỉnh trang như cải tạo kênh rạch, làm mới hệ thống cấp thoát nước, nâng cấp vỉa hè, làm lại hệ thống thông tin, cải tạo lưới điện nhưng do kéo dài quá lâu cho nên thực tế làm ảnh hưởng lớn việc thực hiện vận động các hành vi văn minh. Trong số đó hành vi leo lề, chạy ngược đường, lấn tuyến, chèn ép nhau khi di chuyển giao thông, thậm chí là cãi lộn, xô xát gây chết người là có nguyên do từ các lô cốt.
4. Một đặc trưng nổi trội của thành phố là nhà buôn bán mặt tiền theo dãy bám sát lòng đường và xe máy. Phải khách quan thừa nhận là hai nhân tố này tác động rất mạnh mẽ đến cảnh quan môi trường, vệ sinh, trật tự đô thị. Chừng nào hai nhân tố này chưa giảm thì bức tranh văn minh và bộ mặt của thành phố khó lòng cải thiện được. Việc những dãy nhà hình ống chạy dài theo trục lộ nối thành từng dãy, có mặt tiền làm ăn buôn bán, sử dụng luôn phần vỉa hè là đã có từ hơn 100 năm nay khó lòng thay đổi được, còn xe máy là phương tiện di chuyển chính hiện nay với 4,7 triệu chiếc xe máy và tốc độ đăng ký mới vẫn gia tăng từng ngày. Trong mấy ngày tết khi những người nhập cư trở về quê, xe máy giảm hẳn thì đường phố trở nên thoáng đãng, sạch đẹp và trật tự là một thức tế chứng minh cho luận điểm này.
IV. Những kiến nghị duy trì kết quả cuộc vận động, tiếp tục xây dựng thành phố văn minh, hiện đại
1. Những kết quả đạt được trong những năm qua là đáng ghi nhận, nhưng chưa bền vững và luôn trong nguy cơ tái thực trạng, do vậy mà việc xây dựng xã hội văn minh cần được duy trì liên tục, thường xuyên, kiên trì và bền bỉ dưới những hình thức đa dạng và nội dung phong phú khác nhau.
2. Thành phố có thể lồng ghép vào các chương trình khác, mang các tên khác, nhưng mục tiêu xây dựng văn minh đô thị cần phải được duy trì một cách độc lập và luôn thể hiện sáng tỏ, nếu lồng ghép mà mục tiêu này bị che lấp, lu mờ như một nội dung ăn theo thì sẽ làm triệt tiêu kết quả vận động đã thu nhận được.
3. Kết quả đạt được hiện nay chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở một vài quận trung tâm, một số tuyến đường, do vậy mà cần phải mở rộng kết quả xanh, sạch, mỹ thuật từ trung tâm ra bên ngoài, nhưng cần lưu ý là tiêu chí không đồng nhất nhau giữa các điểm, chẳng hạn ở các huyện thì tiêu chí văn minh, sạch đẹp phải khác với nội thành.
4. Các thiết chế, tổ chức phục vụ cho cuộc vận động này được hình thành từ trong cuộc vận động nên duy trì trong chừng mực có thể, không nên xóa bỏ hết, chẳng hạn các ban chỉ đạo, các câu lạc bộ, các đội nhóm ở cấp cơ sở. Nếu các thiết chế này rã đám sau các phong trào thì không nên.
5. Việc duy trì cuộc vận động có thể không tiếp tục trong toàn xã hội thì nên ít nhất nên tiếp tục duy trì mạnh mẽ ở 3 tổ chức là thành đoàn, các trường đại học và các trường trung học. Đây là nhưng nơi có lực lượng thực hiện và dễ triển khai.
6. Một trong các hình thức quan trọng nhất và ít tốn kém nhất là duy trì các cách thức tuyên truyền, vận động qua báo chí, đài truyền hình. Các phương tiện truyền thông đại chúng nên có mục “văn minh đô thị ” hàng ngày, hàng tuần.
7. Việc giáo dục cần được tiếp tục duy trì sâu rộng vào các trường, các cấp học, đặc biệt là các cấp mẫu giáo, tiểu học. Đó là thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố.
8. Cần tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với các tổ chức và chức sắc tôn giáo không chỉ cho cuộc vận động này mà còn nhiều cuộc vận động khác nữa.
9. Ở cấp cơ sở ngoài các cán bộ địa phương thì luôn luôn coi các cán bộ về hưu, cựu chiến binh, đảng viên lão thành là lực lượng nòng cốt, vô cùng quan trọng quyết định sự thành bại của các cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân.
10. Cần phải lối kéo các cơ quan, công ty, trường học đóng trên địa bàn thành phố vào cuộc trên nguyên tắc các bên cùng có lợi. Họ cũng có nhu cầu làm đẹp, xanh và trật tự ở chính đơn vị của họ. Nếu chúng ta kết hợp được với họ thì quả sẽ được nhân lên. Hoạt động của các khách sạn ở trung tâm là một ví dụ tốt cho điều này. Không có cuộc vận động nào thành công, nhất là các cuộc vận động lớn, có qui mô rộng khắp thì nhất thiết phải được xã hội hóa các nguồn lực và huy động sức mạnh từ bên ngoài hệ thống công quyền.
11. Cần thiết duy trì và phát triển đồng bộ các trụ cột chính của hệ thống giải pháp trên quan điểm biện chứng và lịch sử.
V. Kết luận
Xây dựng ý thức và hành động làm cho thành phố trở nên văn hóa và văn minh hơn cho hàng triệu người dân là chuyện vô cùng khó và không phải chỉ trong một vài năm mà là chuyện của nhiều chục thế hệ. Do vậy cho dù năm 2011 này chủ đề văn minh đô thị không được nêu ra nữa thì các nội dung của nó vẫn phải thực hiện thông qua các chương trình tuyên truyền, giáo dục, các hình thức chế tài, và phải được lồng ghép vào các chương trình khác như “Khu phố văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, …
Nói cho cùng thì bất cứ hành động xã hội nào của cá nhân và cộng đồng đều có liên quan ít nhiều đến văn minh đô thị, do vậy mà các cuộc vận động, các chương trình, các dự án đều có thể đưa nội dung văn minh đô thị vào được, vấn đề là người tổ chức và quản lý các cấp có nhận thức được và có có chủ trương hay không mà thôi.
PGS.TS. NGUYỄN MINH HÒA,
Trưởng Khoa Đô thi học và Quản lý đô thị - Đại học Quốc gia TP.HCM - Tác giả đề án “Xây dựng Nếp sống văn minh và Mỹ quan đô thị” cho Hội Đồng nhân dân và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.