Sau vụ thịt lợn siêu nạc: Người chăn nuôi điêu đứng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 17/03/2012

(HNM) - Sau khi báo chí thông tin về việc sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn tại một số tỉnh miền Nam, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến giá thịt lợn giảm mạnh, thị trường ảm đạm, còn người chăn nuôi điêu đứng.

Người tiêu dùng dè chừng thịt lợn

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2010 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết quy trình kiểm tra chất tồn dư, trong đó cấm sử dụng 3 chất tạo nạc Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số đại lý bán thuốc thú y và cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm này trong chăn  nuôi lợn ở Đồng Nai và Bình Phước nhằm tăng trọng lợn, tạo nạc và làm cho màu sắc thịt đẹp mắt hơn. Theo ông Sơn, việc sử dụng chất cấm mới chỉ xảy ra ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chứ chưa có cơ sở để kết luận có tới 30-40% thịt lợn bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc trên thị trường như một số báo thông tin trong thời gian qua. Hiện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đang khẩn trương tổ chức lấy mẫu và công bố công khai tỷ lệ thịt lợn trên thị trường có nhiễm chất độc hại. Dự kiến, cuối tháng 3 này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ chất cấm được sử dụng trên đàn lợn.

Chăm sóc đàn lợn ở hộ gia đình tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Ảnh: Đàm Duy


Nhưng từ khi báo chí thông tin có thịt lợn bị ăn chất cấm, người tiêu dùng quay lưng và có dấu hiệu tẩy chay thịt lợn. Tại Hà Nội, ngày 16-3, phóng viên Hànộimới dạo qua các chợ La Khê (Hà Đông), Phùng Khoang (Từ Liêm), Ngã Tư Sở (Đống Đa)… ghi nhận lượng khách mua thịt lợn giảm hẳn. Chị Hòa bán thịt lợn tại chợ La Khê cho hay, từ khi có thông tin về "lợn bẩn" chị bán hàng chậm hẳn. Nếu như, trước đây bình quân mỗi ngày bán được 70kg, nay chỉ bán được 40kg. Hầu hết các tiểu thương bán thịt ở các chợ khi được hỏi đều trả lời không dám lấy nhiều thịt lợn trong ngày vì sợ bị ế. Thay cho thịt lợn, người tiêu dùng chuyển sang ăn thủy sản, thịt bò, thịt gà nhiều hơn.

Chăn nuôi lao đao

Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay xét nghiệm chất cấm thì gần 7 triệu hộ dân nuôi lợn trong cả nước đang chịu hậu quả nặng nề. Từ khi có thông tin sử dụng chất tạo nạc cho lợn, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Ngay cả phía Trung Quốc, tháng 2 vừa qua cũng đã có văn bản ngừng nhập sản phẩm gia súc, gia cầm của Việt Nam. Giá thịt lợn trên thị trường đã giảm 15%-20% so với trước và sau Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Đình Viện, trang trại (TT) chăn nuôi tại huyện Thường Tín (Hà Nội) than thở, hiện TT có 100 lợn nái và 200 lợn thịt. Mặc dù ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc chưa phát hiện được người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm tạo nạc cho lợn nhưng thị trường tiêu thụ giảm hẳn so với tháng trước. Hiện, giá lợn bán tại trang trại chỉ có 50.000-52.000 đồng/kg, còn nếu lợn nuôi nhỏ lẻ trong dân chỉ ở mức 43.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Chiến - chủ trại chăn nuôi lợn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây bức xúc: Tôi nuôi lợn đã lâu nhưng chưa bao giờ lại chịu cảnh chỉ trong thời gian ngắn mà giá lợn hơi sụt giảm tới gần 6 triệu đồng/tấn. Anh Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai) cho hay, TT đang có khoảng 1.000 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng, ngày nào cũng phải gọi thương lái đến mua nhưng họ đều vào xem rồi bỏ đi; giá lợn rẻ nhưng bán rất chậm, mức tiêu thụ giảm 50% so với tháng 1; nhiều con lợn quá lứa, đạt 1,4 tạ mà anh Long không biết làm cách nào.

Người chăn nuôi đề nghị, các ngành chức năng cần mạnh tay xử lý triệt để các đối tượng sử dụng chất cấm tạo ra thịt bẩn bằng chế tài hình sự. Nếu chỉ dừng ở mức độ xử lý vi phạm hành chính thì các đối tượng sẽ còn tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng vi phạm không dễ khi Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT có những quy định khác nhau. Bộ NN&PTNT cấm sử dụng chất  Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi, nhưng Bộ Y tế lại cho phép sử dụng trong việc hỗ trợ bệnh hen suyễn. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn đề nghị,  Salbutamol và Clenbuterol là những chất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng nên Bộ Y tế phải có chế tài thật cụ thể, có quy định vận chuyển thật chặt chẽ để những đối tượng kinh doanh trái phép không lợi dụng được. Nếu người dân quay lưng với thịt lợn trong nước, không chỉ người chăn nuôi gặp khó mà còn tạo cơ hội cho nguồn thịt nhập khẩu đổ về Việt Nam, khi đó sẽ khó kiểm soát.

Quỳnh Dung