Ra sách về nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc

Văn hóa - Ngày đăng : 06:54, 17/03/2012

(HNM)- Hơn một trăm năm qua, cho tới ngày 30-4-1975, nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước đã lâm vào cảnh tù đày trong hầm tối, ngục sâu. Nỗi khổ mất tự do

Lê Văn Ba dành tâm lực sưu tầm, tập hợp thành sách mang tên: "Chiến sĩ cách mạng, nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc" (NXB Văn hóa thông tin - quý III-2011), giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ. Cuốn sách làm sống dậy cuộc đời tác giả cùng với các bài thơ, văn, hồi ký của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, nữ sĩ Vân Đài, Sơn Nam, Vĩnh Mai, Trần Mai Ninh, Lý Văn Sâm, Vũ Hạnh, Vũ Bão, Trần Bạch Đằng, Lê Quang Vịnh… Qua cuốn sách (tập I, giới thiệu 56 nhà văn), người đọc hình dung rõ hơn về hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng, trong ngục tù xiềng xích vẫn vững tin ở tương lai: "Kiên trì cùng nhẫn nại/ Không chịu lùi một phân/ Vật chất tuy thống khổ/ Không nao núng tinh thần" (Hồ Chí Minh).

Bìa cuốn sách.


Trong tù không giấy bút, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu đã làm "báo miệng", xuất bản "tiểu thuyết mệng", lập "ngục thất tao đàn" cùng anh chị em tù ngâm vịnh với những câu thơ đầy khí phách: "Tám mồ chiến sĩ táng kề nhau/ Nấm mới vun thêm, dậu mới rào/ Khí xông mất vía phường cai trị/ Máu đổ kinh hồn lũ sếp lao".

Nhà sử học Trần Huy Liệu bị tù tại Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Ông viết nhiều, luôn lạc quan, hài hước: "Cái Tết năm nay lại tết tù/ Tiệc tùng hát xướng tết lu bù/ Nhị tuồng réo rắt mê "Sao Đỏ"/ Cửa ngục hầm hè, mặc Cút- xô".

Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ để lại hồi ký "Tú Mỡ cai tù phiêu lưu ký". Nhờ có nhà văn Lê Vĩnh Hòa mà chúng ta được biết "Ca kịch, chiếu phim trong khám Chí Hòa"…

Những người tù nữ, chí khí không kém các đấng mày râu. Bà Phạm Thị Trinh sống trong nỗi khắc khoải hai vợ chồng cùng bị lao tù. Thơ bà viết về nỗi nhớ chồng (Nguyễn Phan Chánh, sau này là trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) chân thực và cảm động: "Em cũng như anh, cũng cảnh tù/ Cảnh ngộ chung mà đứa một nơi/ Vì phận chim lồng không cất cánh/ Nỗi lòng ai có thấu chăng ai".

Từ trong nhà tù hiến binh Nhật, nữ sĩ Vân Đài gửi thư ra nhắn bạn: "…Áo vẫn cài khuy, chân vẫn vững/Tim không rung chuyển, dạ không kinh/Nước non đã hẹn cùng chung sống/Quyết đập cho tan nỗi bất bình"...

 Lê Văn Ba sinh ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1952 ông làm báo bí mật ở nội thành Hà Nội, bị chính quyền Pháp bắt và giam ở Hỏa Lò một năm. Từ 1958 ông là phóng viên báo Tiền Phong, ủy viên Ban biên tập báo Đại Đoàn kết, Phó Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Vừa làm báo, ông vừa viết văn, đã có hơn mười đầu sách, đủ cả truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, khảo cứu…

Lê Văn Ba, với tấm lòng nhớ thương, cảm phục những người đồng chí đồng cảnh ngộ, đã lặng lẽ sưu tầm và lặng lẽ viết, đem lại cho người đọc tầm nhìn khái quát về dòng văn học Việt Nam hình thành trong nhà tù đế quốc. Đó là dòng văn học đặc sắc, độc đáo, không ai muốn có nhưng đã ra đời, tràn đầy sức sống, thấm đẫm nhân văn, trở thành tài sản quý báu của dân tộc.

Cuốn sách "Chiến sĩ cách mạng, nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc" của  Lê Văn Ba là một đóng góp mới, rất đáng trân trọng.

Mai Thục