Người mua, người bán đều thờ ơ
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 17/03/2012
Giá tăng, gia cầm, thủy cầm vẫn đắt khách
Tại một số chợ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, lượng gia cầm tiêu thụ không hề giảm. Mới 8h sáng nhưng chợ dân sinh trên phố Nguyễn Cao (phường Đống Mác - Hai Bà Trưng) đã tấp nập người mua, kẻ bán. Dạo một vòng quanh chợ, chỉ đếm sơ sơ đã có cả chục người buôn bán gia cầm ngồi rải rác dọc theo những con ngõ nhỏ. Ở một góc chợ, sau khi có khách mua hàng, người bán thoăn thoắt cắt tiết, nhúng gia cầm vào nồi nước sôi sùng sục trên chiếc bếp than đặt cạnh đó. Toàn bộ công đoạn vặt lông, moi ruột… được thực hiện trên tấm ni lông nhỏ trải dưới nền đất. Đi sâu vào chợ, một chiếc phản nhỏ bằng gỗ phía trên bầy la liệt cả chục con gà nằm xếp hàng ngay ngắn, nhìn khá bắt mắt. Khi được hỏi về tình hình buôn bán từ khi dịch cúm tái phát, chị Thoan - người bán hàng tỏ ra khá cởi mở: "Vẫn đông khách như thường! Ngày nào em cũng bán khoảng 50 con gà, vịt, ngan các loại. Hàng em bán được nhập từ trang trại chăn nuôi ở Quỳnh Mai nên người mua rất yên tâm...". Nhưng khi được hỏi vì sao không thấy có dấu của trạm thú y đóng trên thân gia cầm, thủy cầm thì chị Thoan ngơ ngác: "Gần chục năm bán hàng ở đây, em có bao giờ nhìn thấy cán bộ thú y nào đến kiểm tra, đóng dấu ở chợ đâu?".
Kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm dịch tại chợ dân sinh trên phố Nguyễn Cao. |
Không chỉ các chợ dân sinh, một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như Hàng Bè, Châu Long, chợ Hôm - Đức Viên... tình trạng buôn bán gia cầm không nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến. Tại chợ Hàng Bè, hai cửa hàng kinh doanh gia cầm lớn nhất chợ là Tố Lan (14 Gia Ngư) và Hoàng Dung (14A Gia Ngư) đều đầy ắp gia cầm sống đã qua giết mổ. Mặc dù cả hai cửa hàng đều có biển "Buôn bán gia cầm sạch, đã kiểm dịch...", nhưng khi ghé vào cửa hàng Hoàng Dung trong vai những người nội trợ khó tính, chúng tôi không tìm thấy bất cứ một con gia cầm nào có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Còn tại chợ Châu Long, khu kinh doanh gia cầm được bố trí, riêng biệt, các ki ốt được ốp gạch men khá sạch sẽ. Tại gian hàng Thu Phương thuộc ki ốt 1, cầu 3, hàng chục con gà, vịt, ngan các loại đã qua giết mổ đều được người bán hàng khẳng định "đã qua kiểm dịch", song để ý kỹ mới thấy, tất cả con dấu bằng mực tím đóng trên thân gia cầm, thủy cầm đều nhòe nhoẹt, mờ ảo, không thể nhìn rõ chữ...
Không chỉ người bán hàng thờ ơ, ngay cả người tiêu dùng cũng thản nhiên trước dịch cúm. Bà Khanh (quận Long Biên) cho biết, bà vẫn thường xuyên ăn thịt gà, miễn là mua ở hàng quen nên dù không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y nhưng chất lượng luôn được bảo đảm (!?). Một số khác tuy biết thông tin về dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp nhưng có cách phòng tránh rất chủ quan, thiếu hiểu biết. "Từ khi biết tin có dịch cúm, tôi gửi người nhà mua gà ở Thái Bình chuyển lên. Khi cần ăn thì giết mổ sạch sẽ, nấu chín là xong. Vi rút gì thì gặp nước sôi cũng chết hết..." - chị Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Điều nghịch lý là ở chỗ, kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, giá gia cầm, thủy cầm lại có chiều hướng tăng lên, trong khi sức mua của người tiêu dùng không hề giảm. Hiện giá gà ta sống ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg, gà mía 60.000 đồng/kg, ngan 70.000 đồng/kg... Tính trung bình, giá một tạ gà, ngan, vịt đã tăng khoảng 1 triệu đồng.
Tự bảo vệ mình trước đại dịch
Lý giải tình trạng trên, ông Đỗ Phú Sơn - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Trong lần tái phát dịch cúm A (H5N1) này, thông tin báo chí chưa nhiều, đặc biệt chưa đi vào trọng tâm khiến người dân lơ là, chủ quan trước dịch cúm. Công tác quản lý giữa các ngành, cơ quan liên quan còn thiếu đồng bộ, trong khi lực lượng cán bộ thú y còn rất mỏng. Trung bình một trạm thú y cấp quận, huyện chỉ có 8-10 cán bộ thú y, nơi đông nhất cũng chỉ đóng khung ở con số 30 cán bộ. Trong khi đó, trên địa bàn mỗi quận, huyện thường có hàng chục chợ lớn, nhỏ với hàng trăm người kinh doanh gia cầm nhỏ lẻ. Tại các huyện, cán bộ thú y còn phải kiêm nhiệm thêm công tác phòng, chống dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm nên dù có "ba đầu, sáu tay" cũng không thể làm hết việc.
Khác với những lần dịch trước, thái độ thờ ơ, chủ quan của người dân trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm đang là mối lo ngại lớn của các cơ quan chức năng hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khẩn thiết kêu gọi người dân phải thông báo ngay cho chính quyền trong trường hợp phát hiện gia cầm bị ốm, chết. Hạn chế tiếp xúc và tuyệt đối không ăn thịt gia cầm bị bệnh để tránh lây nhiễm cúm. "Năm 2012 nguy cơ mắc cúm A (H5N1) trên người là rất cao do dịch cúm trên gia cầm đang tăng mạnh, có hiện tượng virút cúm A lưu hành trong các đàn thủy cầm nhưng không có biểu hiện bệnh, gây rất nhiều khó khăn cho việc giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch" - ông Bình cho biết.
TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh ATTP khuyến cáo: Để tự bảo vệ mình, người dân cần có những kiến thức nhất định để lựa chọn thực phẩm tươi sống an toàn. Nên mua gà ở những cửa hàng quen biết, có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Nên lựa chọn gà có mào đỏ tươi, mắt không lờ đờ, mỏ không có rớt dãi. Nếu là gà mổ sẵn cần chọn gà có vết cắt tiết, màu da vàng sáng tự nhiên, không chọn gà có da tím tái, bầm dập... Tuyệt đối không ăn tiết canh vì trong máu sống của gia cầm tồn tại một lượng vi rút cúm lớn, nếu ăn phải gà, vịt, ngan trong giai đoạn ủ bệnh thì khả năng nhiễm cúm gia cầm là rất cao.