Kiểm soát quá trình đô thị hóa

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 17/03/2012

(HNM) - Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được phê duyệt là điểm khởi đầu đầy thách thức cho công tác xây dựng, quản lý và phát triển đô thị TP trong những năm tới, đặc biệt là trong điều kiện phải giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.

Thiệt hại nặng nề cả về kinh tế và xã hội

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, BĐKH là nguy cơ thiên tai lớn nhất từ trước đến nay của TP Hồ Chí Minh. Tổn thương do BĐKH của TP Hồ Chí Minh nghiêm trọng hơn do là nơi tập trung dân số đông nhất nước và mức độ đầu tư hạ tầng rất cao. Trong khi đó, công tác quy hoạch được tiến hành trước đây chưa xem xét kỹ những ảnh hưởng của BĐKH cũng như lồng ghép vào nội dung quy hoạch.

Ngập nước ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng.


TP Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn. Trong khi đó, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT, nếu tình huống xấu nhất (diện tích ngập chiếm 23% diện tích đất tự nhiên) thì hầu hết các khu công nghiệp đều bị ngập nặng, thấp nhất khoảng 10% diện tích và cao nhất đến khoảng 67%. Như khu công nghiệp Hiệp Phước nằm cạnh sông Nhà Bè thuộc vùng ảnh hưởng mạnh của triều biển Đông nên khả năng bị ngập rất cao… Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là cho ngành chế biến lương thực thực phẩm và dệt da, may mặc vốn là một trong những ngành chủ lực sẽ có những suy giảm đáng kể, thậm chí cạn kiệt vì không được tiếp ứng từ các vùng nguyên liệu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những điều này sẽ gây sức ép đến sự chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp. Về nông  nghiệp, dù chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu GDP của TP nhưng diện tích đất cho ngành này vẫn còn khoảng 120.000ha. Nếu theo kịch bản xấu như trên thì hầu hết vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Chánh, Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi, Cần Giờ cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại.

BĐKH cũng ảnh hưởng đến hầu hết tất cả lĩnh vực đời sống của người dân. Sẽ có những biến động về sự co cụm dân cư về khu nội thành cũ vốn là vùng đất cao hơn những vùng còn lại; tình hình  ngập lụt xảy ra rộng lớn trên địa bàn sẽ gia tăng dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân; xáo trộn công ăn việc làm...

Kiểm soát quá trình đô thị hóa

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 của TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1-2010. Thế nhưng, mối lo ngại về những nguy cơ mà TP đang và sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển như ô nhiễm môi trường, hạ tầng, sử dụng tài nguyên… đặc biệt là tác động của BĐKH cùng với các hệ lụy của nó đang đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị…

GS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng phần lớn nguyên nhân ngập lụt của TP trong những năm qua không phải do địa hình thấp hay do BĐKH hay nước biển dâng mà lý do chính là do tác động của quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý. Còn theo TS.KTS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn, tình trạng ngập triều gia tăng ở TP Hồ Chí Minh là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố chứ không phải chỉ do nước biển dâng. Điều đó thể hiện rõ ở tốc độ dâng nước biển ở Vũng Tàu trong vài thập niên qua chỉ vào khoảng 0,5cm/năm, chỉ bằng 1/3 tốc độ của mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn. Vì vậy có thể những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát là nguyên nhân lớn của vấn đề ngập lụt ở TP hiện nay. Đó là quy hoạch phát triển mạnh TP về hướng Nam trên nền đất yếu; sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu khiến hàng nghìn héc ta diện tích chứa nước biến mất; diện tích bê tông hóa đất bề mặt của TP tăng nhanh khiến lượng nước chảy bề mặt gây ngập nhiều vì không thấm được vào lòng đất…

Chính vì vậy, theo  TS.KTS Lưu Đức Cường, cần một quy hoạch tổng thể, đồng bộ cho BĐKH. Đó là đổi mới chiến lược thoát nước tổng thể; cần một  cơ chế điều phối cấp vùng như việc quản lý các hồ chứa trên thượng nguồn, xả lũ… Quan trọng nhất, do tình trạng ngập lụt liên quan mật thiết đến việc kiểm soát quá trình đô thị hóa nên trong quá trình phát triển đô thị cần thiết lập "Khu vực khuyến khích đô thị hóa" và "Khu vực đô thị hóa có kiểm soát". Trong đó, khu vực khuyến khích đô thị hóa là những nơi có địa hình cao như khu đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc - Tây bắc như Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Còn khu vực đô thị hóa có kiểm soát là những nơi có địa hình thấp như hướng Đông bắc gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức; hướng Tây nam với quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và hướng Nam - Đông nam tiến ra biển với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Tuy nhiên, ở khu vực đô thị hóa có kiểm soát khi phát triển cần thiết kế, quy hoạch hết sức cẩn thận để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay.

Đặng Loan