Cần tăng cơ chế giám sát

Chính trị - Ngày đăng : 05:54, 17/03/2012

(HNM) - Quy định công khai tài sản, thu nhập cán bộ theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13-11-2007 của Thanh tra Chính phủ được Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục xác định là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng trong năm 2012.

Nặng tính hình thức

Theo Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, đến thời điểm này, các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trên cả nước đã và đang tiến hành kê khai tài sản năm 2011, người kê khai tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với tài sản công bố theo tinh thần Nghị định 37 và Thông tư số 2442. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhân viên sẽ quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của đơn vị.

Hiện nay, việc giám sát, kiểm soát tài sản là bất động sản của cán bộ vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Phương An


Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, theo đánh giá của không ít người dân, cơ chế kê khai tài sản còn nặng tính hình thức, nên hiệu quả không cao. Đây cũng là nhận định của không ít thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Trên thực tế, hằng năm, trung bình các bộ, ngành, địa phương đều hoàn thành 95-97% nội dung cần kê khai đúng thời hạn, rất ít trường hợp phải xác minh. Việc làm này chỉ có ý nghĩa tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về trách nhiệm minh bạch tài sản, giúp cho công tác quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn. Riêng tác dụng phòng ngừa tham nhũng rất hạn chế.

Mặc dù Nghị định 37 và Thông tư 2442 quy định đối với công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ bị phạt bằng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; nhưng lại chưa có quy định xử lý thế nào đối với số tài sản kê khai không trung thực, cũng chưa có quy định về kiểm tra nguồn gốc tài sản. Trong khi đó, tài liệu về kê khai tài sản, thu nhập chỉ được sử dụng mang tính nội bộ. Theo Điều 12 Nghị định 37, ai muốn khai thác, sử dụng bản kê tài sản, thu nhập của CBCC "phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu, trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ, mục đích sử dụng". Điều 14 của Nghị định này quy định thêm rất rõ: "người nào làm sai lệch, mất mát, hư hỏng hoặc làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác... thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Hạn chế quyền giám sát

Là luật sư có kinh nghiệm lâu năm về bảo vệ thân chủ trong các vụ án tham nhũng, ông Nguyễn Hoài Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, ngoài các quy định ngặt nghèo trên, Thông tư số 2442 còn có nội dung rất khó thực hiện. Cụ thể "nếu muốn cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh lại tài sản của công chức, người tố cáo phải có căn cứ xác minh về sự không trung thực trong kê khai của người có nghĩa vụ kê khai". Áp theo văn bản luật hiện hành, người dân sẽ khó lòng có thể biết được người mình định tố cáo tham nhũng, kê khai gian dối đã công bố có những tài sản ra sao tại đơn vị họ làm việc.

Vấn đề trên đã phần nào làm hạn chế quyền được giám sát của công dân đối với CBCC như tại Điều 8 của Hiến pháp 1992 quy định. Hơn nữa, vô hình trung đã làm giảm hiệu quả một biện pháp PCTN quan trọng. Bởi vì, hơn ai hết, chính người dân nơi họ đang sinh sống là đối tượng có thể nắm rõ được sự tăng, giảm tài sản của CBCC. Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều vụ tham nhũng được phanh phui là nhờ sự phát giác của công dân.

Để khắc phục những hạn chế trên, nên chăng cần xây dựng cơ chế giám sát tài sản, thu nhập từ nhiều phía chứ không chỉ từ các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, phải mở rộng quyền giám sát từ phía người dân. Chính phủ cũng cần ban hành một nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của CBCC. Theo đó, CBCC có nghĩa vụ giải trình đối với nguồn gốc tài sản của mình và từng bước công khai tài sản, nếu không làm rõ vì sao có tài sản đang sở hữu, phải bị tịch thu.

Có như vậy, không chỉ cơ quan thẩm quyền mà cả người dân đều có thể kiểm soát được thu nhập của những người có chức vụ và những người có chức vụ khó có "đất" để tham nhũng.

Hồ Bách