Đừng để đạo đức bị vùi lấp

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 17/03/2012

(HNM) - Bức xúc và xót xa là những gì có thể cảm nhận được qua thông tin trên báo chí mấy ngày qua về tâm trạng người dân khu vực Tứ Kỳ (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khi họ khẳng định chỉ trong một đêm, nhiều ngôi mộ của mình bị biến mất dưới những đường ủi của máy xúc.

Còn dư luận thì sao? Cũng ngỡ ngàng không kém. Một phần bởi ít ai tin chuyện ấy lại xảy ra, phần khác là vì trong câu chuyện này, người dân khẳng định mất mộ thì chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án lại một mực: "Không có mộ nào bị lấp. Việc dư luận cho rằng có hàng trăm ngôi mộ bị lấp là không đúng". Nhưng có lẽ công luận còn ngỡ ngàng và khó lý giải hơn khi đã qua mấy ngày, dù việc xác định thực hư có lẽ không đến mức quá khó, nhưng đôi co giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ, và chưa thấy một "trọng tài" nào lên tiếng.

Dân gian ta có câu "sống ở nhà, già ở mồ" hay "sống về mồ về mả", ý nói nhà ở lúc sống, mồ mả lúc chết là những chuyện rất quan trọng. Người chết có mồ yên thì người sống mới thanh thản, kết phát. Quan niệm có phần duy tâm ấy cũng chính là một triết lý sống đậm chất tâm linh của người Việt và nó được bảo vệ bởi quy định của pháp luật hình sự với tội danh "xâm phạm mồ mả". Vì thế mà đằng sau câu chuyện ở Tứ Kỳ đang gây ầm ĩ dư luận kia nếu là sự thật thì chắc chắn còn có nhiều điều sâu xa hơn thế phải bàn.

Xưa nay, chuyện xâm phạm mồ mả không phải là hiếm, nhưng việc xâm hại có ý thức với quy mô lớn là điều bất thường. Hồi tháng 8-2010, một vụ việc "động trời" tương tự xảy ra ở nghĩa trang Đồng Trưa (Dương Nội, Hà Đông), cũng chỉ sau một đêm, hàng chục ngôi mộ bỗng dưng bị chôn vùi dưới hàng trăm tấn bùn thải. Vụ việc này đã gây phẫn nộ trong dư luận và người ta đã phải tổ chức hàng trăm người mất nhiều ngày đêm đào bới mới tìm lại được các mộ phần từ dưới đống bùn đen. Những người trực tiếp chở bùn thải đến lấp mộ cũng đã phải nhận án tù theo quy định của pháp luật.

Với vụ việc ở Tứ Kỳ chưa biết thực hư ra sao nhưng đã lộ rõ nhiều điểm tương đồng, xuất phát từ những bất đồng trong việc thỏa thuận về việc lấy đất phục vụ dự án. Những nghĩa địa này hầu hết đều có vị trí khá đắc địa mà các chủ đầu tư nhắm tới, thế nên khi không đạt được thỏa thuận, những người có tiền (có thể có cả quyền) đã chỉ vì lợi ích của mình mà chẳng coi dân ra gì, thậm chí còn cả gan đứng trên cả đạo lý và pháp luật như vụ việc ở Đồng Trưa.

Trên thực tế, có thể những yêu sách của người dân trong việc thỏa thuận bồi thường GPMB còn chưa hợp lý. Nhưng vi phạm đến đâu xử lý đến đó, người cố tình làm sai chính sách có thể bị xử lý theo pháp luật. Tương tự như vậy, bất luận thế nào các chủ đầu tư không thể tự cho mình quyền được quyết định thay cả pháp luật. Lương tâm, đạo đức cũng không cho phép họ được hành động như vậy. Nhưng theo phản ánh của một tờ báo thì có người dân còn cho rằng có lãnh đạo địa phương ở đây biết trước kế hoạch này nên chiều 12-3, đã cho người di dời mộ của nhà mình trước? Nếu thông tin này là sự thật thì quả là sự đau xót của dân còn tăng lên gấp bội. Bởi như thế tức là đạo đức của những người họ từng bầu chọn, gửi gắm tin cậy đã bị vùi lấp dưới những lớp bùn cát mất rồi.

Trong một thời gian không dài, đã xảy ra vài vụ xâm hại mồ mả "có tổ chức", từ vụ hai nghĩa trang Đường Mía và Giải Phướn (tháng 3-2010), đến vụ Đồng Trưa (tháng 8-2010) và bây giờ là những nghi vấn ở nghĩa trang Tứ Kỳ. Đã qua mấy ngày vụ việc xảy ra, nhưng tiếc là những tố cáo của dân chưa được làm rõ. Dân nói có, chính quyền cơ sở và chủ đầu tư nói không, hoặc mập mờ rằng chỉ 1-2 mộ phần bị lấp. Lúc này rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc ngay. Sớm làm rõ sự việc ngày nào, tránh gây bức xúc, hoang mang trong dư luận ngày đó.

Nữ Quỳnh