“Bốn không” thì đừng lấy chồng ngoại!

Đời sống - Ngày đăng : 05:32, 17/03/2012

(HNM) - Tin cô gái Phạm Thị Loan (39 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị chồng ngoại (Hàn Quốc) đánh chết hôm 6-3, sau khi đặt chân đến xứ sở Kim chi chưa được 2 tháng khiến cả gia đình chị và nhiều cán bộ TƯ Hội LHPN Việt Nam bàng hoàng.

Đây là trường hợp cô dâu Việt thứ 4 bị sát hại thương tâm ở Hàn Quốc trong 3 năm trở lại đây. Vụ việc một lần nữa cảnh báo "điềm xấu" cho những chị em nông thôn lấy chồng ngoại theo kiểu chớp nhoáng.

Theo kết quả tổng hợp của nhiều ngành chức năng, đặc điểm chung là 3/4 số cô dâu đi lấy chồng người nước ngoài đều là con của những gia đình có 5 con trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa biết chữ. Kết hôn với người nước ngoài đang có nhiều tiêu cực và biến tướng, vì mục đích kinh tế và thường trong tình trạng "bốn không" gồm: không biết ngôn ngữ, không hiểu truyền thống văn hóa, không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể, thậm chí cả bản thân chú rể và không có điều kiện bảo đảm hạnh phúc. Nhiều trường hợp gặp nhau một vài lần đã tiến tới hôn nhân, dẫn đến nhiều mâu thuẫn ngay khi vừa sống chung…

Nguyên nhân của tình trạng này ngoài yếu tố xã hội thì những bất cập trong hệ thống chính sách, văn bản hướng dẫn hiện nay cũng khiến cho việc giảm thiểu rủi ro trong kết hôn có yếu tố nước ngoài rất khó khăn. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam có quy định, những đối tượng cấm kết hôn, trong đó có trường hợp vi phạm về thuần phong, mỹ tục. Trên thực tế việc kết hôn có yếu tố nước ngoài đã phát sinh thực trạng chú rể lớn hơn cô dâu vài chục tuổi, có trường hợp chú rể ngang tuổi với ông ngoại cô dâu khiến cơ quan có thẩm quyền không khỏi lúng túng và tự đặt câu hỏi có nên áp vào văn bản này để đình chỉ ngay khi đăng ký không. Nhưng do hành lang pháp lý thiếu hướng dẫn chi tiết nên hầu hết vẫn phải làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Hay như hiện nay quy định để được đăng ký kết hôn thì đôi nam nữ phải qua phỏng vấn của Sở Tư pháp nhưng trên thực tế điều này làm rất hình thức, không có chuẩn mẫu. Trong nhiều trường hợp, người môi giới đứng đằng sau mớm trước câu trả lời.

Việc người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là một hiện tượng bình thường trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng để ngăn chặn tình trạng hôn nhân không tình yêu, nên chăng, Bộ Tư pháp cần bổ sung quy định cụ thể về một số trường hợp có thể từ chối thực hiện việc đăng ký kết hôn thông qua mục đích kết hôn có đúng không; mức độ hiểu biết như thế nào, đặc biệt nhấn mạnh đôi bên phải hiểu nhau qua một ngôn ngữ chung để bảo đảm quan hệ hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh, tiến bộ và bền vững.

Hồ Bách