Hướng đi nhiều tiềm năng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 16/03/2012

(HNM) - Cùng với

Tranh truyện hiện đại hay còn gọi là comic hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi bởi tranh vẽ chiếm tỷ lệ lớn, mang lại những hình dung trực diện về nhân vật, bối cảnh câu chuyện. Chưa kể tình tiết, tính kịch của comic cũng khiến độc giả không rời trang sách. Kết hợp giữa khả năng thể hiện của loại hình này với kho chuyện đồ sộ, phong phú và đầy sức hấp dẫn của lịch sử nhân loại, các nhà văn, họa sĩ nhiều nước đã tạo ra những bộ tranh truyện lịch sử có sức tiêu thụ đáng nể.

Truyện tranh lịch sử “Vạn Xuân” và “Đại Cồ Việt” vừa ra mắt bạn đọc.

Nếu như tranh truyện manga Nhật Bản mang đậm màu sắc khoa học viễn tưởng trở thành sự kiện trong giới xuất bản hơn chục năm trước thì giờ đây những bộ comic lịch sử do các văn nghệ sĩ Hàn Quốc chuyển thể lại đang khiến bạn đọc nhỏ mê tít.

Đầu tiên phải kể đến bộ tranh truyện “Thần thoại Hy Lạp” do nhóm tác giả Thomas Bulfinch-Lee Kyungjin-Seo Young chuyển thể. Tiếp đó là bộ “I-li-at và Ô-đi-xê”, nguyên tác Homer, tranh và lời của Yang Seung-Uk. Tác giả này nguyên là giảng viên Học viện “Phục hưng”, Viện trưởng Viện Tranh truyện - Phim ảnh Incheon (Hàn Quốc)… Khỏi phải nói tới sức hấp dẫn của thiên sử thi này với hệ thống nhân vật phong phú, khơi gợi mạnh mẽ sức tưởng tượng của trẻ nhỏ cùng diễn biến câu chuyện thắt mở đầy kịch tính. Các tác phẩm này đều có số tập lớn - trên dưới 50 tập, giá bìa cũng không khỏi khiến phụ huynh tính toán đôi chút trước khi mua: 50.000 đến 55.000 đồng/tập.

Rõ ràng, truyện tranh khai thác từ kho lịch sử đồ sộ của nhân loại là một hướng đi tiềm năng.

Ở Việt Nam, một năm trước “nhà” Kim Đồng đã chính thức thay đổi từ thể loại tranh trên lời dưới đơn giản thuần nhất sang thể loại truyện tranh comic với lời dẫn chuyện, thoại nhân vật sinh động. Ba cuốn “Thành Rồng”, “Đại Cồ Việt”, “Vạn Xuân” được coi là ba cuốn nền tảng đầu tiên. Các tác phẩm xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử theo dòng thời gian. “Thành Rồng” kể chuyện về vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long; “Đại Cồ Việt” tái hiện sinh động hình ảnh 3 vị đế vương từ Ngô Quyền, đến Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… Soạn lời cho bộ sách này là nhà văn Lê Phụng Hải. Phần tranh do họa sĩ Tạ Huy Long (người vẽ minh họa cho cuốn sách nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký” phiên bản mới). Hai cuốn mới là “Đại Cồ Việt” và “Vạn Xuân” sẽ ra mắt bạn đọc tại Hội chợ Sách lần thứ VII tại TP Hồ Chí Minh ngày 20-3 tới.

Trước bộ ba cuốn comic lịch sử nói trên, bạn đọc cũng đã biết tới một số tác phẩm lẻ về đề tài này. Trong đó cuốn truyện tranh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, truyện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tranh Văn Minh cũng đã chứng tỏ sức hấp dẫn của truyện lịch sử dưới dạng comic. Cùng với những phiên bản truyện chữ, tranh truyện comic giống như một lối đến với văn học và nhất là lịch sử một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Tất nhiên, với comic lịch sử, việc chuyển thể phần lời cũng như xử lý những tình tiết, cốt truyện để vừa hấp dẫn vừa bảo đảm nguyên tác, phù hợp với bạn đọc nhỏ luôn là yếu tố thách thức tay nghề những người thực hiện.

Hà Dương