Cuộc chiến khí phát thải carbon

Thế giới - Ngày đăng : 07:32, 16/03/2012

(HNM) - Kể từ tháng 1-2012, các hãng hàng không có chuyến bay vào không phận Liên minh Châu Âu (EU) phải chịu thuế khí thải carbon (ETS).

Ngày 12-3, Airbus và 6 hãng hàng không lớn khác của Châu Âu đã gửi thư lên các nhà lãnh đạo chính trị Châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng David Cameron của Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Pháp Francois Fillon và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, kịch liệt phản đối luật này. Lập luận của các hãng hàng không cho rằng việc đưa các hãng hàng không toàn cầu vào ETS sẽ tạo ra một mối đe dọa "khôn lường" cho ngành công nghiệp hàng không Châu Âu. Theo Airbus - doanh nghiệp sử dụng hơn 50.000 lao động trên khắp Châu Âu, thuế khí thải carbon (CO2) sẽ phá hủy khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Thậm chí, ETS còn có khả năng kích hoạt một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ và Nga nếu chính phủ các nước này cũng trả đũa bằng cách hạn chế quyền tham gia vào thị trường vận tải hoặc áp các luật thuế theo kiểu "ăn miếng trả miếng". Các hãng hàng không EU muốn EU tạm hoãn việc mở rộng của chương trình này cho đến khi một kế hoạch toàn cầu điều chỉnh lượng khí thải carbon giữa các hãng hàng không có thể được thỏa thuận.

Các hãng hàng không sử dụng sân bay EU phải nộp thuế khí thải CO2.


Hiện tại, các hãng hàng không có máy bay cất cánh và hạ cánh tại các sân bay của EU phải trả chi phí cho 15% lượng khí thải CO2. Mức thuế dự kiến tăng lên 18% vào năm 2013. Hãng nào không chấp hành sẽ phải nộp phạt 100 euro cho mỗi tấn CO2 và bị cấm bay trên không phận 27 quốc gia thành viên EU. Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng, chi phí phải trả cho ETS là có thể chấp nhận được. Ước tính, việc áp thuế này chỉ khiến các hãng hàng không phải tăng thêm từ 4 đến 24 euro tiền giá vé cho một chuyến bay đường dài khứ hồi. Tuy nhiên, Trung Quốc lại khẳng định, ngành hàng không dân dụng sẽ phải trả thêm khoảng 800 triệu nhân dân tệ (125 triệu USD) mỗi năm cho các chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh ở Châu Âu và chi phí này sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2020. Theo một tính toán khác của nhiều hãng hàng không, luật thuế mới của EU sẽ gây thiệt hại 23,8 tỷ USD trên toàn cầu cho ngành công nghiệp này trong vòng 8 năm tới.

Trong một phản ứng đối với ETS, Trung Quốc tuyên bố thuế carbon mới mà EU đưa ra đã vi phạm Công ước về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và nguyên tắc của Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Bắc Kinh đã cấm các hãng hàng không nội địa không được tham gia vào kế hoạch ETS của EU và không cho phép các hãng này tăng phí hay thêm các khoản phí mới vì kế hoạch này. Trung Quốc cũng đang từ chối hoàn thành đơn đặt hàng cho 45 máy bay Airbus A330 trị giá lên đến 12 tỷ USD. Không chỉ Trung Quốc, chính phủ các nước Mỹ, Canada... cũng cho rằng, EU đang vượt quá thẩm quyền pháp lý bằng cách tính toán chi phí carbon trên toàn bộ chuyến bay, đồng thời tung ra những động thái tương tự.

Cuối năm nay, Nghị định thư Kyoto được 175 quốc gia ký kết với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hết hiệu lực. Thế giới đã tính đến nhiều biện pháp nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ cần chứng kiến phản ứng đối với luật thuế phát thải khí CO2 mà EU vừa áp dụng cũng đủ thấy đây sẽ là một cuộc chiến vô cùng khó khăn.

Quỳnh Chi