Củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 16/03/2012
Việc Thủ tướng D.Cameron trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đi trên chiếc Air Force One với Tổng thống B.Obama được quan chức Mỹ miêu tả là "Chuyến bay Nhà Trắng", một cử chỉ đặc biệt với mối quan hệ cũng không thể đặc biệt hơn. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Anh D.Cameron được nhìn nhận là cơ hội để củng cố "cuộc hôn nhân" xuyên Đại Tây Dương đã sắp bước sang tuổi 70. Ngoài bàn thảo để cùng giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới mà cả hai quốc gia đang can dự như Afghanistan, Iran và Syria, người đứng đầu Nhà Trắng ở Washington DC và ông chủ số 10 Phố Downing ở London còn "nhấn nhá" về mối giao tình giữa hai người.
Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Anh D.Cameron (phải) theo dõi trận bóng rổ tại bang Ohio ngày 13-3. |
Không phủ nhận mối quan hệ Anh - Mỹ đã bén rễ trong các mối liên kết chặt chẽ suốt hơn 2/3 thế kỷ qua, nhất là vào giai đoạn Tổng thống George Bush và Thủ tướng Tony Blair "kề vai sát cánh" trong cuộc chiến khốc liệt ở Afghanistan và Iraq, nhưng thời thế đã đổi thay. Cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc trong thất bại, trong khi "vũng lầy" Afghanistan đang khiến nhiều đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, phải tính "bài tháo lui". Mối "quan hệ đặc biệt" Mỹ - Anh đã không còn bị chi phối bởi "học thuyết Bush-Blair", áp đặt giá trị phương Tây trong các vấn đề quốc tế. Đơn giản bởi cuộc khủng hoảng kinh tế chưa thấy hồi kết khiến cả hai quốc gia hàng đầu không còn dồi dào nguồn lực như trước. Nhưng, về căn bản, động lực của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn là lấy lợi ích quốc gia làm đầu. Mỹ, Anh vẫn là hai đồng minh gần gũi nhất không chỉ trong cuộc chiến tại Afghanistan, mà còn với các vấn đề toàn cầu khác.
Tuy nhiên, trọng tâm chuyến công du Mỹ ba ngày của Thủ tướng D.Cameron, hai nhà lãnh đạo Âu - Mỹ vẫn dành ưu tiên cho cuộc chiến tại Afghanistan và tình hình Syria cũng như những giới hạn chưa được tiết lộ về Iran. Theo đó, bất chấp tác động sau vụ lính Mỹ (11-3) vừa xả súng thảm sát 16 dân thường Afghanistan, Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Anh D.Cameron nhất trí sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong kế hoạch rút lính Mỹ và binh sĩ đồng minh trong Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này trước cuối năm 2014. Thủ tướng Cameron cũng cho biết, Mỹ và Anh đã thảo luận về các nỗ lực tiếp tục gây áp lực; đồng thời kêu gọi Iran sớm nối lại những cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Ngoài ra, Mỹ và Anh sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria...
Ngoài các "điểm nóng" quốc tế, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng D.Cameron và Tổng thống nước chủ nhà tại Nhà Trắng còn là cơ hội giúp cá nhân hai nhà lãnh đạo thu được những lợi ích đối nội đáng kể trong bối cảnh cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ đang nóng lên từng ngày. Các nhà phân tích cho rằng, ông D.Cameron là lựa chọn hợp lý nhất cho kế hoạch xây dựng hình ảnh trước cử tri của Tổng thống B.Obama đang trên đường chinh phục nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai liên tiếp. Bên cạnh đó, với chuyến đi cùng ông B.Obama đến bang Ohio, người đứng đầu nội các Anh D.Cameron đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng, ông ủng hộ ông B.Obama trong chiến dịch tranh cử. Điều này sẽ khiến cử tri không thể không lưu tâm. Đổi lại, chuyến thăm Mỹ với những cử chỉ thân thiện cũng sẽ thật hữu ích cho nỗ lực tái tranh cử của ông D.Cameron vào năm 2015. Theo các chiến lược gia của Anh, cử tri nữ và những người theo chủ nghĩa vô thần là hai trong những nhóm cử tri quan trọng mà ông D.Cameron phải chiếm được cảm tình nếu muốn tại nhiệm sau năm 2015. Thành công của chuyến vượt đại dương kết thúc vào hôm nay (16-3, giờ Việt Nam) sẽ giúp ông D.Cameron gần như chắc chắn sẽ giành được trái tim của hai nhóm này, bởi họ là những người Anh rất hâm mộ Tổng thống Mỹ B.Obama.
Có thể thấy rất nhiều "chất" gắn kết Anh - Mỹ đã được gia cố thêm trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh D.Cameron, nhất là trong chính sách đối ngoại và quốc phòng được hai nhà lãnh đạo khẳng định là "sự cộng tác của trái tim, dựa trên nền tảng lịch sử, truyền thống và các giá trị chung". Trong một thế giới biến động không ngừng, mối quan hệ vượt châu lục này xem ra luôn được điều chỉnh để phù hợp với lợi ích quốc gia và quy luật thay đổi của dòng chảy thời gian.