Đi tìm sự minh bạch trong khoa học
Công nghệ - Ngày đăng : 06:57, 16/03/2012
"Ảo thuật"... bằng nước?
Ngày 9-3, cùng với một số nhà khoa học, phóng viên Báo Hànộimới được trực tiếp tham quan công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Chánh Khê tại SHTP. Đó là một mô hình thực nghiệm MPĐ công suất khoảng 50W và một sản phẩm hoàn chỉnh công suất 2.000W. Tại đây, một nhân viên lần lượt đổ nước sinh hoạt vào ba chiếc bình bằng nhựa trong suốt. Một loại phụ gia được đổ vào bình và chỉ giây lát sau, nước sôi sùng sục. Chỉ cần bật công tắc của bộ pin nhiên liệu, bóng đèn bật sáng, còn cánh quạt thì quay tròn…
TS Nguyễn Chánh Khê (thứ 3 từ trái sang) đang giải thích về nguyên lý của “máy phát điện chạy bằng nước” trước một số nhà khoa học do Ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9-3. |
Theo thuyết minh của TS Nguyễn Chánh Khê, chất phụ gia làm sôi nước là hóa chất ứng dụng công nghệ nano và quá trình phát điện từ nước cũng như hóa chất xúc tác không gây độc hại cho môi trường. Không chỉ nước sạch mà ngay cả nước biển, nước thải sinh hoạt… cũng có thể làm "nhiên liệu" cho MPĐ. Thiết bị có "tuổi thọ" khoảng 5-6 năm, còn các thiết bị chứa nước và chất xúc tác sẽ có thời gian "bền vững" 3-4 năm. Nghiên cứu này đã được các cơ quan đăng ký sở hữu trí tuệ của Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc… tiếp nhận. Một số đối tác Nhật Bản sẵn sàng mua những chiếc MPĐ nêu trên.
Đặc biệt, khi trao đổi với giới khoa học hoặc báo giới, một câu cửa miệng được TS Nguyễn Chánh Khê nhắc đi nhắc lại nhiều lần là: "Đây là bí mật không thể tiết lộ". "Tôi đã có hai bài báo trên một tạp chí khoa học của Mỹ về pin nhiên liệu nhưng tôi không tiết lộ tên của tạp chí đó đâu. Nếu cần tôi sẽ gửi cho" - TS Khê nói. Ngay sau khi sáng chế này được công bố, rất nhiều nhà khoa học tỏ ý kiến hoài nghi. TS hóa học Giáp Văn Dương (ĐH Quốc gia Singapore) đã có bài phản biện dài, đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của nước ta và ông coi MPĐ chạy bằng nước là không có cơ sở khoa học.
GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng, chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không - không gian cho biết, sau khi biết tin TS Khê công bố sáng chế MPĐ, nhiều nhà khoa học thế giới đã gửi e-mail cho ông hỏi về công trình nghiên cứu này. Nếu chứng minh được đó là sự thật thì sẽ làm thay đổi nhiều luận điểm khoa học bấy lâu và sẽ làm thay đổi thế giới.
...và bài toán minh bạch trong khoa học
Trao đổi với báo giới ngay sau khi tham dự buổi họp kín của một số nhà khoa học về MPĐ tổ chức ngày 9-3 tại SHTP, GS-TS Nguyễn Đăng Hưng cho biết, những câu hỏi ông đặt ra không được giải thích thỏa đáng, đặc biệt là vai trò của loại hóa chất cho thêm vào bình nước. "Về nguyên tắc khoa học, chất đó phải là chất đặc biệt vì tham gia phản ứng với nước, ở nhiệt độ thấp mà sinh ra nhiệt lượng lớn để giải phóng hydro. Đây là yếu tố quan trọng mà nhiều nghiên cứu của nước ngoài đã thất bại trước đó. MPĐ của TS Nguyễn Chánh Khê với thiết kế nhỏ gọn mà sinh ra lượng điện lớn như công bố là hết sức độc đáo, mang tính "cách mạng". Nhưng đã là khoa học thì cần phải công bố rõ ràng. Tác giả có quyền giữ bí quyết công nghệ nhưng phải công bố dưới góc độ khoa học, đó là quy định bắt buộc. TS Nguyễn Chánh Khê chưa làm được điều này" - GS Nguyễn Đăng Hưng nói.
Bình luận về nghiên cứu của TS Nguyễn Chánh Khê, trên blog của mình, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan - Australia) cho rằng, một trong những nét chính của văn hóa khoa học là minh bạch. Nhà khoa học có nghĩa vụ phải công bố những kết quả nghiên cứu kèm theo phương pháp và cách tiếp cận vấn đề trên các tập san khoa học hoặc hội nghị khoa học để mọi người có thể thẩm định. Nhà khoa học thường rất hăng hái "chào hàng" công trình của mình, chứ hiếm thấy ai giấu kết quả nghiên cứu. Cố nhiên, cũng có trường hợp tác giả không chịu tiết lộ phương pháp (vì họ sẽ đăng ký bản quyền sáng chế) nhưng vẫn phải nói sơ qua về các chi tiết kỹ thuật quan trọng. Giấu giếm hay không chịu công bố thí nghiệm là một điều rất phi khoa học. "Một công trình nghiên cứu, cho dù là đẳng cấp Nobel, thì vẫn phải công bố để đồng nghiệp thẩm định. Thật ra, công trình càng quan trọng thì yêu cầu thẩm định càng cao. Chưa có một nhà khoa học nào được trao giải Nobel mà chưa bao giờ công bố nghiên cứu của mình" - GS Nguyễn Văn Tuấn kết luận.
Câu chuyện về MPĐ của TS Nguyễn Chánh Khê rồi sẽ có câu trả lời cụ thể. Nhưng có thực tế không phủ nhận được là nền khoa học nước nhà vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mà đầu tiên chính là sự minh bạch khi tuyển chọn, đánh giá một đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, quy trình lựa chọn thành viên tham gia hội đồng đánh giá đề tài, dự án KHCN chưa đáp ứng đầy đủ tính minh bạch và khách quan, do chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự giới thiệu. Trong một vài trường hợp, các thành viên hội đồng không dành đủ thời gian, chưa đề cao trách nhiệm và chú trọng đúng mức vào chất lượng khi thực hiện đánh giá, thậm chí còn thiên về định tính, nể nang và mang tính chủ quan… Để MPĐ có thể trở thành món hàng trị giá hàng nghìn tỷ USD như TS Nguyễn Chánh Khê mong muốn, trước hết ông phải chứng minh nó trước giới khoa học trong và ngoài nước.
Hoài nghi, nói cách khác là phản biện trong khoa học là điều cần thiết đối với một nền khoa học. Về mặt học thuật, những tranh luận công khai của giới khoa học những ngày gần đây về công trình "máy phát điện chạy bằng nước" là dấu hiệu tích cực cho nền KHCN nước nhà.