“Chữa bệnh” quá tải, thuốc gì?
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 16/03/2012
Mặc dù quá tải là "bệnh" trầm kha, không thể "điều trị" khỏi trong ngày một, ngày hai, nhưng theo Bộ trưởng, tình trạng này vẫn có thể được tháo gỡ nếu như lãnh đạo từng BV dồn hết sức để đưa ra những giải pháp cụ thể cho đơn vị mình.
Tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện đang được ngành y tế tập trung tháo gỡ. Ảnh: Khánh Nguyên |
Quá tải ở mọi tuyến
Bộ Y tế nhận định, tình trạng quá tải đang diễn ra tương đối trầm trọng ở tất cả tuyến BV. Nếu xét trên toàn hệ thống KCB, thì công suất sử dụng giường bệnh có xu hướng giảm nhẹ, từ 122% năm 2007 xuống 118% năm 2008 và 111% năm 2010, nhưng tình trạng quá tải lại nghiêm trọng hơn ở tuyến trung ương với 116% năm 2009, 120% năm 2010 và 118% năm 2011. Con số này cao đặc biệt tại một số BV như Bạch Mai (168%), Nhi TƯ (119%), K (172%), Chợ Rẫy (139%), Bệnh nhiệt đới (124%)... Tình trạng quá tải còn thể hiện ở số lượt bệnh nhân điều trị nội trú tăng: các BV trực thuộc Bộ tăng 8,8%, BV tỉnh tăng 6,2%, BV tuyến huyện tăng 4,1%. Số lượt điều trị nội trú tại các BV tư nhân tuy chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số BV nhưng lại có tỷ lệ tăng nhiều nhất với 112,5%.
|
Tình trạng quá tải này, theo đánh giá của Bộ Y tế, là chưa từng thấy ở những nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, ngoài yếu tố năng lực chuyên môn của y tế cơ sở hạn chế, kinh phí đầu tư cho y tế thấp, còn là do thiếu các quy chế, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cũng như những tác động không mong muốn của một số chính sách. Cụ thể, việc thu viện phí theo dịch vụ y tế đã dẫn đến hậu quả lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, giữ chân bệnh nhân kéo dài ngày điều trị. Giá thu viện phí ở tuyến trên so với tuyến dưới không khác nhau nhiều, tự ý vượt tuyến vẫn được thanh toán 30% BHYT nên người bệnh luôn muốn lựa chọn BV tuyến trung ương để mong hiệu quả điều trị cao hơn (tỷ lệ vượt tuyến dao động từ 50% đến 80% ở các BV tuyến trên). Thậm chí một số vị lãnh đạo còn muốn BV quá tải để thêm nguồn thu.
Mô hình bệnh tật thay đổi, diễn biến ngày càng phức tạp cũng đã làm gia tăng nhu cầu KCB tại BV, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A/H1N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1. Tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mãn tính cũng gia tăng đến mức báo động, tăng gấp 2,9 lần so với các bệnh truyền nhiễm.
Giảm tải - ưu tiên hàng đầu
Với mục tiêu giảm tải BV là ưu tiên số một, năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra toàn diện thực trạng quá tải của các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo đó, với việc ban hành Chương trình số 527 "nâng cao chất lượng KCB tại cơ sở KCB", các BV đã giảm diện tích dành cho khu hành chính để tăng diện tích buồng bệnh, kê thêm giường phục vụ người bệnh (kết quả kiểm tra 1.017 BV, năm 2010 số giường thực kê đã tăng được 7,5% so với năm trước). Hầu hết BV đã và đang triển khai các phòng khám điều trị ngoại trú để quản lý những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bướu cổ...; chuyển những bệnh trước đây vẫn điều trị nội trú sang điều trị ngoại trú ; cán bộ y tế BV tuyến trên luân phiên về hỗ trợ BV tuyến dưới thông qua hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn...
Mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp giảm tải, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu không có sự dồn lực, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các BV thì những biện pháp trên sẽ không hiệu quả và không bền vững. Sự quá tải thể hiện rõ ở ngay khoa khám bệnh của các BV nên chỉ cần sắp xếp, bố trí quy trình KCB khoa học, có biển chỉ dẫn rõ ràng, nhân viên tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo thì người bệnh có thể giảm thời gian chờ đợi.
Theo đề án giảm tải BV Bộ Y tế đang hoàn thiện để trình Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 là giải quyết tình trạng quá tải tại một số BV trực thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, K, Phụ sản TƯ, Nhi TƯ, Việt Đức), BV trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với công suất sử dụng giường bệnh không vượt quá 100%; đến năm 2020 giảm tải bền vững trong toàn hệ thống KCB ở cả 3 tuyến trung ương, tỉnh, huyện. Để đạt được mục tiêu này, giải pháp căn cơ và lâu dài mà Bộ Y tế đưa ra là chú trọng tới công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong của các bệnh truyền nhiễm gây dịch; tăng cường phòng, chống các bệnh không nhiễm trùng, góp phần giảm nhu cầu KCB tại BV của người dân; thiết lập hệ thống bác sĩ gia đình để quản lý sức khỏe ban đầu, sàng lọc bệnh ngay tại cộng đồng, hạn chế tình trạng tự ý vượt tuyến KCB không cần thiết. Bộ Y tế cũng đã đề nghị tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư và nguồn kinh phí sự nghiệp cho ngành y tế, bảo đảm chi cho y tế/GDP đạt 10%, chi tiêu công cho y tế đạt trên 50% (hiện nay là 39,3%).
Thu viện phí tăng 32,2% (HNM) - Ngày 15-3, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, năm 2011 tổng các nguồn thu viện phí của các bệnh viện (BV) đạt trên 51,26 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm trước, trong đó thu từ nguồn BHYT chiếm 37,9% (tăng 32,2%), ngân sách Nhà nước cấp chiếm 19,4% (gần 10 nghìn tỷ đồng). Tổng các khoản chi của các BV trên toàn quốc khoảng hơn 46,55 nghìn tỷ đồng, tăng 27% (chi cho chuyên môn nghiệp vụ chiếm 53,7%). Theo thống kê, kinh phí các BV chi cho tiền máu tăng rất cao so với năm 2010 (tăng 288,4%), tiếp đó là tiền cho vắc xin, sinh phẩm (tăng 165,1%); tiền phẫu thuật, thủ thuật tăng 155,6%. Đức Trung |