Hài hòa lợi ích, không dễ dãi
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 16/03/2012
Tác động tích cực tới nền kinh tế
Theo Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau 25 năm thu hút vốn ĐTNN, đến nay Việt Nam có 13.530 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 200 tỷ USD. Bình quân hằng năm, các dự án ĐTNN đã đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực này đã tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp cùng hàng chục vạn việc làm gián tiếp. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và hỗ trợ cân đối vĩ mô. Giai đoạn 2006-2010, thu ngân sách đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng bình quân trên 20%/năm, riêng năm 2011 đạt 3,5 tỷ USD (không kể thu từ dầu thô). Một số chuyên gia cho rằng, nếu không có quá trình thu hút vốn này thời gian qua, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của cả nước chỉ có thể đạt khoảng 2/3 mức đã đạt được. Như vậy, đóng góp và tác động của khu vực có vốn ĐTNN đối với nền kinh tế là rất tích cực.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Noble, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN, việc thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là khả năng hấp thụ vốn còn khiêm tốn; chưa tận dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn này; chất lượng nguồn vốn chưa cao; việc thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế; việc chuyển giao công nghệ còn chậm. Đặc biệt, còn có DN ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu, tạo nguy cơ, hoặc trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả, hợp lý. Mối liên kết ngang và dọc giữa DN ĐTNN và DN trong nước chưa cao. Tình trạng tranh chấp lao động và đình công còn diễn ra ở một số nơi làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư... Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do các văn bản pháp luật về hoạt động ĐTNN chưa đồng bộ, rõ ràng. Một số văn bản còn chồng chéo, tạo ra cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là hệ thống điện, nước, giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp...
Để nâng cao chất lượng hiệu quả vốn đầu tư
Trước thực trạng trên, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rút kinh nghiệm; nghiên cứu đề xuất biện pháp phù hợp với nhu cầu nền kinh tế cũng như xu hướng thị trường thế giới để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả vốn ĐTNN. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại, cơ quan nhà nước cần tổ chức điều tra xã hội, thu thập ý kiến người dân cũng như đại diện giới DN để tìm hướng giải quyết những vấn đề mà cả Nhà nước và DN ĐTNN đang quan tâm. Giải quyết hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ của các bên là yêu cầu quan trọng, có tính quyết định quan hệ đối tác kinh tế trong tương lai. Ông nhấn mạnh, cần nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý, làm rõ và phù hợp hóa các vấn đề liên quan đến thuế, quy định tài chính, phi tài chính đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, phải thực hiện "quyền lựa chọn" một cách hài hòa và kịp thời giữa bên đầu tư và tiếp nhận đầu tư. Sự lúng túng, bị động có thể dẫn đến những quyết định khiên cưỡng, gây ảnh hưởng nhiều mặt, phá vỡ quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, không thể kêu gọi ĐTNN dễ dãi, bằng mọi giá...
Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ĐTNN nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm mục tiêu cải thiện, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc chủ động chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp nhân lực là một lợi thế quan trọng trong mắt nhà đầu tư, có tác động để họ xem xét, đi đến quyết định đầu tư. Mặt khác, kiên quyết lựa chọn những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên dự án kết hợp giữa đầu tư và phát triển từ các nước có truyền thống công nghiệp và sở hữu công nghệ nguồn.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nghị định mới nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đồng thời chuẩn bị tổng kết 25 năm thực hiện ĐTNN ở Việt Nam. Đó là cơ sở để dẫn hướng ĐTNN phù hợp với nhu cầu nội tại của nền kinh tế và nâng cao chất lượng dòng vốn này trong thời gian tới.