Bài 7: Đảng viên đi trước

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 16/03/2012

(HNM) - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI) - Nghị quyết TƯ 4 ''Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay'' với ba nội dung trọng yếu đã cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố con người trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Là huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, Huyện ủy Sóc Sơn đã đặc biệt chú trọng đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chính quyền, cấp ủy trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng nông thôn mới (NTM)... Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

- Một trong những mục đích quan trọng của Nghị quyết TƯ 4 là phải tạo được chuyển biến rõ rệt, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương, đồng chí có suy nghĩ gì?

- Với Đảng bộ huyện Sóc Sơn, ba vấn đề mà Nghị quyết TƯ 4 đặt ra cũng chính là ba nhiệm vụ mà Huyện ủy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến. Thứ nhất, phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trong những việc mới, việc khó như GPMB, DĐĐT để xây dựng NTM. Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, trong 5 nhóm giải pháp để thực hiện 19 tiêu chí, huyện Sóc Sơn quyết định lựa chọn việc tổ chức lại sản xuất là khâu tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó khâu đột phá là DĐĐT. Kết quả hai năm (2010-2011) cho thấy, để thực hiện được DĐĐT thì vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở chi bộ nông thôn có tính quyết định. Thứ hai là vai trò của cấp ủy, người đứng đầu ở địa phương. Sau một năm làm thí điểm tại hai xã Tân Hưng và Minh Trí thành công, huyện triển khai đại trà, mỗi xã chọn ít nhất một thôn để làm. Kết quả đã có 20 xã thực hiện ở 38 thôn. Tuy nhiên còn 5 xã không thực hiện được là do cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cấp ủy, lãnh đạo các xã này chưa nhận thức đầy đủ, vào cuộc chưa quyết liệt, chỉ đạo thiếu sát sao, phó mặc cho cấp thôn. Thứ ba, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; nội bộ lãnh đạo các xã chưa thống nhất. Điều quan trọng là tại các xã này, việc gắn bó giữa cấp ủy với quyền lợi của nhân dân trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ trương của huyện là nơi nào không làm được phải làm rõ lý do. Nếu do cán bộ thì sẽ bằng công tác tổ chức để thay thế cán bộ; nếu do việc quản lý nhà nước đất đai phức tạp thì giải quyết bằng biện pháp hành chính; do năng lực cán bộ yếu sẽ tăng cường hỗ trợ của cán bộ huyện.

- Là địa phương có nhiều kinh nghiệm GPMB, giải quyết thành công một số ''điểm nóng''... tuy nhiên, tại Sóc Sơn vẫn có những vụ việc phức tạp kéo dài; nhân dân, thậm chí cán bộ, đảng viên không đồng tình, ủng hộ, cấp ủy và hệ thống chính trị ở cơ sở rất lúng túng trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp giải quyết?


- Trung bình mỗi năm huyện Sóc Sơn triển khai trên 50 dự án, riêng năm 2011, tổng số diện tích đất phải GPMB trên 700ha, liên quan đến hầu hết các xã và khoảng 10 nghìn hộ dân, trong đó có trên 300 hộ phải di chuyển nhà cửa, gần 2 nghìn ngôi mộ. Trong đó có những dự án mang tính chất nhạy cảm về môi trường và xã hội như dự án mở rộng bãi rác, xây dựng nghĩa trang tại xã Minh Phú. Quá trình triển khai còn một số dự án chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, nhân dân địa phương nơi triển khai dự án, như dự án nghĩa trang Minh Phú. Sau hơn hai năm triển khai, ban đầu tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Minh Phú không đồng tình, thậm chí có tổ chức đảng, đoàn thể có nghị quyết phản đối dự án, một số người dân có hành vi quá khích dẫn đến phải xử lý pháp luật. Quan điểm của huyện, đây là dự án khó, chủ trương, mục tiêu dự án rất tốt cũng để chăm lo cho nhân dân. Tác động của dự án đến môi trường, KT-XH... là những vấn đề người dân quan tâm cũng là những vấn đề huyện đặt ra phải giải quyết. Nói cách khác, tâm tư nguyện vọng của người dân với nhiệm vụ huyện phải giải quyết là trùng hợp nhau.

Từ nhận thức như vậy, chúng tôi kiên trì thuyết phục, nhận phần khó về mình để tạo sự đồng thuận cao nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bằng các biện pháp, báo cáo với TP quan tâm đầu tư hỗ trợ hạ tầng KT-XH cho địa bàn. Công việc này đang tiến triển tốt, nhân dân ủng hộ và phấn khởi. Huyện tập trung tuyên truyền và siết chặt lại kỷ luật của Đảng, đoàn thể với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Đến nay, về cơ bản đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã đồng tình ủng hộ. Đồng thời, huyện tăng cường kỷ cương về luật pháp với những đối tượng quá khích cầm đầu, chống đối. Qua nắm tình hình, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa thực sự yên tâm về tác động đến môi trường của dự án và chưa tin tưởng vào nhà đầu tư. Chúng tôi một mặt báo cáo với TP tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý của dự án theo quy trình, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Làm tốt công tác xây dựng Đảng là cơ sở để xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Bên cạnh việc tổ chức học tập, nghiên cứu, phổ biến, quán triệt nghị quyết, Huyện ủy Sóc Sơn đã thực hiện các nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và đổi mới sinh hoạt đảng như thế nào?

- Chúng tôi rút ra được ba bài học, thứ nhất phải nắm chắc tình hình, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai là công tác cán bộ, sở dĩ những việc chưa đạt được theo yêu cầu, trong đó có dự án nghĩa trang của TP là do công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở chưa có kinh nghiệm, nội bộ chưa thật sự đoàn kết. Thứ ba cần trung thực, chân thành trong công tác báo cáo cấp trên và phối hợp tốt với cơ quan chức năng TP cho hiệu quả hơn.

Từ những bài học đó, Huyện ủy đề ra các biện pháp tháo gỡ, đồng thời thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách của Nghị quyết TƯ 4, đó là phải chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ. Với huyện Sóc Sơn, xuất phát điểm thấp không thể một lúc có thể thay thế ngay cả đội ngũ cán bộ, cũng không thể ngay một lúc chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ theo yêu cầu. Vì vậy cần tập trung vào 3 việc: Bồi dưỡng, tập huấn đến từng bí thư chi bộ và trưởng thôn; bảo đảm các điều kiện để anh em thực hiện nhiệm vụ, tài liệu định hướng nội dung thực hiện và về lâu dài phải tạo nguồn, phải chăm lo chính sách cán bộ. Nhưng điều quan trọng hơn là nhất quán và quyết liệt trong chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; quyết liệt trong chỉ đạo, phân công rõ người, rõ việc; khen thưởng, kỷ luật thực chất. Mặt khác phải khơi dậy tính tự giác, chủ động của các đơn vị cơ sở, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cào bằng.

Huyện ủy đặc biệt chú ý khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ nông thôn. Khảo sát tại 196 chi bộ nông thôn cho thấy, các chi bộ vẫn sinh hoạt nhưng nội dung rất yếu, không theo sự chỉ đạo chung.

Nhận thấy vấn đề đó, chúng tôi xây dựng cuốn bản tin phát đến từng chi bộ định hướng nội dung sinh hoạt, cung cấp thông tin những nội dung trọng tâm huyện đang triển khai làm điều kiện cho các chi bộ triển khai sinh hoạt phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Thúy - Lê Hoàn