Nhà du hành vũ trụ Bỉ trò chuyện với học sinh Việt

Giáo dục - Ngày đăng : 15:21, 15/03/2012

(HNMO) - Tại buổi trò chuyện nhà du hành vũ trụ Frank De Winnin đã thân mật chia sẻ với các em học sinh Việt Nam về những khó khăn, những trải nghiệm và hành trình thú vị, đáng nhớ của ông trong thời gian sống và làm việc trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Một em học sinh đặt câu hỏi giao lưu với nhà du hành vũ trụ.


Buổi giao lưu diễn ra trong không khí vui vẻ, cởi mở và ấm cúng. Tại buổi trò chuyện nhà du hành vũ trụ Frank De Winnin đã thân mật chia sẻ với các em học sinh Việt Nam về những khó khăn, những trải nghiệm và hành trình thú vị, đáng nhớ của ông trong thời gian sống và làm việc trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Niềm đam mê với các môn khoa học, mơ ước được chinh phục vũ trụ bao la và mong muốn đóng góp cho nhân loại xây dựng cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn đã đưa ông đến với ngành du hành vũ trụ. Trải qua 4 năm rèn luyện và đào tạo gian khổ từ những việc đơn giản nhất mà cần phải tập luyện nhiều lần khi ở dưới mặt đất như việc ăn uống, đi lại, tập thể dục, rèn luyện về thể chất và tinh thần, nhà du hành vũ trụ đã chinh phục được hoài bão của mình qua hai lần bay vào vũ trụ vào năm 2002 và năm 2009.

Ông đã giải đáp thắc mắc của các em học sinh về cuộc sống ở bên ngoài vũ trụ trong khoảng thời gian 6 tháng sống và làm việc tại trạm vũ trụ quốc tế (ISS) như việc phải làm quen với môi trường không trọng lượng, hay phải mất 10 tiếng đồng hồ mặc bộ đồng phục thám hiểm vũ trụ nặng tới 250 kg, việc dành 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập thể dục rèn luyện cơ thể, cũng như việc tiến hành các thí nghiệm khoa học về vật lý, thực vật, y học, sinh học và các biến đổi về khí hậu ... Ông cho biết để sống và làm việc tại trạm vũ trụ quốc tế những nhà du hành vũ trụ đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách về sức khỏe, tâm lý và ý chí tinh thần. Tuy nhiên, các nhà du hành vũ trụ luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp cũng như sự khích lệ tinh thần của những người thân trong gia đình.

Với các em học sinh Việt Nam, việc nghiên cứu về khoa học vũ trụ dường như là một vấn đề rất xa lạ. Nhưng theo ông trạm vũ trụ quốc tế như một ngôi nhà tuyệt vời với những người bạn thân thiết đến từ nhiều quốc gia khác nhau và rất nhiều các trang thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học nhằm mang lại những phát kiến, những nghiên cứu có ích cho cuộc sống của loài người. Nhà du hành vũ trụ cho biết, nhìn từ trạm vũ trụ, trái đất rất mong manh và dễ bị tổn thương, đặc biệt, trái đất không hề có biên giới. Biên giới là do con người tạo ra từ khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa…Vì vậy, ông kêu gọi các em học sinh và mọi công dân của trái đất hãy luôn sát cánh bên nhau và quan tâm hơn đến việc giữ gìn và bảo vệ trái đất thân yêu của chúng ta.

Trong buổi trò chuyện này, nhà du hành vũ trụ Frank De Winne cũng đã nhấn mạnh đến việc tái chế nhiên liệu, các trang thiết bị, và tái sử dụng lại nước trên trạm vũ trụ quốc tế nhằm phục vụ và duy trì cho sinh hoạt hằng ngày trong trong thời gian các ông sinh sống và làm việc tại đây. 70% nước và các nguyên liệu được các nhà du hành vũ trụ tái sử dụng sau khi đã qua xử lý. Ông thấu hiểu tầm quan trọng rất lớn của nước đối với con người qua cuộc sống vô cùng khan hiếm nước và phải tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên này trên trạm vũ trụ. Ông đã chia sẻ điều này một cách vô cùng giản dị và sinh động với các bạn học sinh Việt Nam. Một thông điệp nữa mà ông muốn truyền đạt đến các em học sinh là: Dù ở ngay trong trạm vũ trụ quốc tế hay bất cứ nơi đâu trên trái đất, mỗi cá nhân đều cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống ở những nơi sinh hoạt công cộng.

Nhà du hành vũ trụ chụp ảnh lưu niệm cùng với các em học sinh


Kết thúc buổi nói chuyện, nhà du hành vũ trụ khuyên các em học sinh luôn biết ước mơ và cố gắng lao động, nghiên cứu hăng say để biến những ước mơ của mình trở thành sự thật. Risupia Việt Nam hy vọng rằng, cuộc nói chuyện lý thú này sẽ nhen lên ngọn lửa yêu khoa học và những hoài bão chinh phục vũ trụ bao la của các bạn học sinh, để mai kia đất nước Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà du hành vũ trụ như Frank De Winne hay anh hùng Phạm Tuân – người Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên vũ trụ vào năm 1980.

Buổi trò chuyện chỉ diễn ra trong 2 tiếng ngắn ngủi, nhưng nó đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với các em học sinh Việt Nam. Qua buổi trò chuyện này, các em có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống và công việc của các nhà du hành vũ trụ,. Ngoài ra, các em cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Tháng 10 năm 2010, trung tâm Panasonic Risupia cũng đã được vinh dự đón tiếp nhà du hành vũ trụ Nhật Bản Soichi Noguchi đến tham quan.

H.H