Mới dự kiến sửa đổi đã… lạc hậu!
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 15/03/2012
Bà Nguyễn Thanh Tú (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình):
Năm 2014 mới áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi là quá muộn
Ngay từ khi Luật Thuế TNCN ra đời vào năm 2009, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/người/tháng và chiết trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người/tháng đã bị dư luận và cả các cơ quan chức năng phản đối gay gắt. Sau 3 năm thực hiện, quy định trên càng trở nên lạc hậu và không theo kịp tốc độ tăng giá nhanh hiện nay. Tôi cho rằng, lần điều chỉnh Luật Thuế TNCN này, Bộ Tài chính không thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người nộp thuế. Chẳng hạn, một căn nhà dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội hiện nay có giá ít nhất là 700 - 800 triệu đồng trở lên. Thử hỏi với đồng lương công chức bậc trung, thu nhập của hai vợ chồng chỉ 8 triệu đồng/tháng đã phải nộp thuế, liệu họ còn đủ tiền để nuôi thân, nói gì đến lo cho gia đình và dành dụm mua nhà thu nhập thấp? Chẳng lẽ, đến bây giờ Bộ Tài chính vẫn chưa thấy sự bất hợp lý của thuế TNCN hiện hành, mà tiếp tục kéo dài đến năm 2014 mới thay đổi? Theo tôi, cơ quan thuế không nên "tận thu" bằng cách quy định mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ gia cảnh quá thấp như hiện nay, mà nên tăng cường kiểm soát nguồn thu của người nộp thuế, nhất là người có thu nhập cao. Hơn nữa, trong khi người làm công ăn lương trong các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức... được chi trả qua tài khoản một cách công khai, minh bạch, phải đóng thuế không thiếu một khoản nào, thì các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, người kinh doanh buôn bán tự do, người kinh doanh bất động sản, ca sĩ, diễn viên, người mẫu... quản lý nguồn thu nhập rất lỏng lẻo.
Ông Trần Hoàng Long (phường Bồ Đề, quận Long Biên):
Nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ tính thuế…
Thấy báo chí đưa tin Bộ Tài chính công bố sửa đổi một số vấn đề bất cập trong Luật Thuế TNCN hiện hành, tôi khấp khởi mừng thầm, nhưng đọc xong lại thấy thất vọng hơn. So với Luật Thuế TNCN hiện hành, tuy mức khởi điểm chịu thuế TNCN sửa đổi và mức chiết trừ gia cảnh đều được nâng lên, song với tốc độ trượt giá "phi mã" như hiện nay, liệu khi được áp dụng vào năm 2014, luật thuế này có còn phù hợp? Theo giải thích của Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này căn cứ vào tốc độ trượt giá, tốc độ thu nhập bình quân, tiền lương tối thiểu dự kiến... Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào các chỉ số này để ấn định một con số theo kiểu "đóng khung", thì chắc chắn cứ sau 1 - 2 năm lại phải sửa đổi Luật Thuế TNCN một lần. Tuy lần sửa đổi này, biểu thuế lũy tiến từng phần có điều chỉnh giảm từ 7 bậc xuống còn 6 bậc, bỏ bậc thuế 35%, song việc điều chỉnh đó chỉ tác động đến một bộ phận nhỏ những người có thu nhập cao trên 80 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, do khoảng cách giữa các biểu số thuế quá dầy (chỉ cách nhau 5%), nên đa số người chịu thuế là người có thu nhập thấp hơn, nhưng thu nhập của họ chỉ vừa nhích lên đã rơi ngay vào bậc thuế khác. Theo tôi, bất cứ một bộ luật nào ra đời cũng cần bảo đảm hai tiêu chí: tính ổn định và tính khái quát cao. Nếu một bộ luật cứ liên tục được thay đổi, điều chỉnh, không chỉ gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, người dân, mà còn gây xáo trộn trong đời sống xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính nên lấy lương tối thiểu làm căn cứ xác định mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ gia cảnh. "Nước lên, bèo lên", khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ gia cảnh cũng tăng theo, cứ thế mà tính.
Chị Lê Hoàng Điệp (Doanh nghiệp tư nhân Hoa Nam, huyện Thanh Trì):
Cần áp dụng ngay mức khởi điểm 6 triệu đồng
Nếu vẫn tiếp tục áp dụng mức thu khởi điểm 4 triệu đồng như hiện nay trong hai năm 2012-2013 thì sẽ gây khó cho cuộc sống của nhiều người dân. Vì với mức sống như hiện nay tại Hà Nội và một số thành phố lớn khác, 4 triệu đồng/tháng cho một trụ cột gia đình chắc chắn không đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu nhất, nói gì đến chuyện nộp thuế. Theo tôi, điều chỉnh từ mức 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng cần được áp dụng ngay từ thời điểm này, vì thực chất đây không phải tăng mà chỉ là quy đổi ngang giá, bởi với tình trạng tăng giá như hiện nay, 6 triệu đồng của đầu năm 2014 chắc chắn không có giá trị bằng 4 triệu đồng thời điểm hiện nay. Tương tự như vậy, mức 4 triệu đồng hiện nay chắc chắn không thể bằng giá trị 4 triệu đồng của thời điểm năm 2009. Nếu cơ quan chức năng vẫn áp dụng chính sách thuế TNCN theo đúng lộ trình dự thảo, thì rõ ràng chúng ta lại dẫm vào vết xe đổ trong cách tính mức khởi điểm chịu thuế của Luật Thuế TNCN năm 2007.
Anh Trần Tuấn Vinh (Công ty Thương mại & Dịch vụ Trung Anh, quận Hoàng Mai):
Gánh nặng lên người làm công ăn lương
Với việc tăng giá vùn vụt của các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, gas, lương thực, thực phẩm…, khiến đại đa số người dân đều lâm vào khó khăn. Một phép tính đơn giản, trong năm 2011, một bát phở bình thường có giá 20.000 đồng, đầu năm 2012 đã tăng lên 30.000 đồng, thậm chí có nơi 35.000 đồng, nhiều mặt hàng khác chỉ trong một năm đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, trong khi việc điều chỉnh lương tối thiểu lại tăng không đáng kể. Sau hai năm nữa, liệu mức tăng lương có đáp ứng được một phần của lạm phát? Chắc chắn mức khởi điểm chịu thuế thu nhập từ 4 triệu tăng đến 6 triệu trong hai năm tới là không phù hợp thực tế đời sống, mức độ lạm phát và bất hợp lý so với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân.