Quan hệ Mỹ - Afghanistan: Bóng đen bao phủ
Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 15/03/2012
Mặc dù, Tổng thống Mỹ Barack Obama (13-3), đã lên tiếng xoa dịu làn sóng phẫn nộ khi tuyên bố vụ việc là nghiêm trọng như chính dân thường Mỹ bị sát hại và trước đó, ngày 12-3, ngay sau vụ việc xảy ra, ông B.Obama cũng đã điện cho người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai và cam kết sẽ nhanh chóng điều tra về vụ thảm sát. Trong một động thái mới ngày 14-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm không báo trước tới Afghanistan nhằm xoa dịu căng thẳng... Nhưng vụ thảm sát đẫm máu và nước mắt đang làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Người dân Afghanistan không còn mặn mà với sự hiện diện của quân đội nước ngoài. |
Trong một động thái mới, ngày 13-3, hàng trăm người biểu tình đã xuống đường tại thành phố Jalalabad ở miền Đông Afghanistan để phản đối vụ việc này. Khoảng 400 người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu chống Mỹ, một số người còn kêu gọi tiến hành cuộc "thánh chiến". Dư luận Afghanistan đang đòi đưa kẻ gây tội ác ra xét xử công khai tại quốc gia Nam Á này. Trước đó, ngày 12-3, Quốc hội Afghanistan cũng nêu rõ người dân đã hết kiên nhẫn trước những hành động vượt khuôn khổ luật pháp nước chủ nhà của binh sĩ nước ngoài. Còn Tổng thống H.Karzai thì cho rằng, vụ thảm sát không khác gì một "hành động khủng bố", là một việc "không thể tha thứ"...
Chiều hướng sau vụ việc được cho là sẽ làm tổn hại nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận chiến lược với Kabul. Theo đó, cho phép người Mỹ hiện diện lâu dài tại Afghanistan. Mặc dù, Washington đã lên tiếng rằng hành động của một binh sĩ Mỹ tại hai làng Alokozai và Garrambai xuất phát từ động cơ cá nhân, nhưng lời cáo buộc của người đứng đầu Chính phủ Afghanistan cùng làn sóng biểu tình của người dân đang nổ ra rất có thể sẽ gây khó khăn cho phương án mà Mỹ muốn thương lượng với nước chủ nhà.
Trong khi đó, vụ việc cũng làm dấy lên không ít hoài nghi về một trong "những thành tựu ngoại giao" mà Nhà Trắng đang tung ra trong chiến dịch tái vận động tranh cử của ông B.Obama. Một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đã không ít lần công kích kế hoạch rút quân của Nhà Trắng khỏi Iraq và Afghanistan khi cho rằng các quyết định này chỉ phục vụ mục tiêu chính trị năm bầu cử và về lâu dài có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh của Mỹ. Rõ ràng, hành động của binh lính Mỹ đã gây khó khăn cho Nhà Trắng trên nhiều phương diện. Nhất là trong bối cảnh các báo cáo tình báo hồi tháng 1-2012 của Mỹ bị rò rỉ khẳng định rằng, các tay súng Taliban sẽ kiên trì chờ cho tới khi lính Mỹ và NATO rút đi sẽ gia tăng hoạt động để chiếm lại từng phần lãnh thổ của quốc gia Nam Á này.
Hiện tại, vụ việc đã phủ bóng đen lên hy vọng vừa nhen nhóm về thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Afghanistan. Trước đó, hồi đầu tháng 3 này, lãnh đạo hai bên đã đề cập tới một loạt vấn đề liên quan đến lợi ích song phương như đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược, tiến trình tái hòa giải của Kabul cũng như tiến trình quân đội nước ngoài tại Afghanistan chuyển giao sứ mệnh bảo đảm an ninh cho nước sở tại... Căng thẳng chưa kịp lắng dịu sau sự kiện binh sỹ Mỹ đốt kinh Koran (khi Washington chuyển giao nhà tù trung tâm Bagram - nơi Mỹ giam giữ hàng trăm nghi can khủng bố Al-Qaeda và Taliban - cho chính quyền Afghanistan) thì vụ việc vừa xảy ra đã làm sâu thêm vết rạn không đáng có trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, Afghanistan, quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt cả về địa - chính trị lẫn địa - chiến lược trong khu vực sẽ vẫn giành được sự quan tâm thích đáng của Mỹ. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi căng thẳng giữa Iran và Mỹ cũng như Liên minh Châu Âu (EU) đang gia tăng, có được ảnh hưởng nhất định tại Afghanistan - quốc gia có chung biên giới với Iran - sẽ là tiền đề thuận lợi để cân bằng các lợi ích của Washington trong khu vực. Vụ thảm sát thường dân Afghanistan của dù chỉ do một binh sĩ Mỹ đang đẩy quan hệ Mỹ - Afghanistan đến giới hạn không mong muốn và xem ra khó có thể sớm được hóa giải.