Bài 4: Thế trận lòng dân
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 15/03/2012
Anh nói: "Ở các xã biên giới, chẳng riêng gì Điện Biên, nếu không có nhân dân với trăm tai, nghìn mắt thì bộ đội Biên phòng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ". Chính vì vậy, thế trận lòng dân luôn được các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Điện Biên quan tâm xây dựng như một nhiệm vụ trọng tâm.
Đội tự quản nhân dân
Khi chúng tôi vừa đi bộ vào đến con dốc đầu bản Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, mấy chị ngồi tán chuyện trong quán tạp hóa đã hỏi với ra: "Cán bộ đi đâu đấy?" rồi cười rúc rích. Thiếu tá Nhâm Văn Hạnh, Chính trị viên Đồn Thanh Luông phân trần, với người dân ở vùng biên giới này, chẳng riêng gì bản Lếch Cuông, các chiến sỹ biên phòng giống như người bạn, người thân trong gia đình vậy. "Nhà có chuyện gì cũng hỏi "Biên phòng", có việc gì cũng lên nhờ "Biên phòng". Thậm chí đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử cũng lên nhờ… Biên phòng làm giúp...
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên giúp dân thu hoạch lúa. |
Bản Lếch Cuông những ngày này thật yên bình. Những cánh đào muộn rực rỡ trong nắng xuân. Thiếu tá Nhâm Văn Hạnh kể lại, trước đây, Lếch Cuông là một trong những địa bàn phức tạp nhất mà Đồn biên phòng Thanh Luông quản lý. Trong bản có đến gần chục tụ điểm về ma túy. Nhiều đối tượng lạ mặt thường xuyên ra vào bản nhằm phân phối "cái chết trắng". Và cũng từ những ổ ma túy này đã nảy sinh nhiều đối tượng trộm cắp, tệ nạn xã hội. Có những ngày, bản Lếch Cuông có đến cả trăm xe máy ra vào nườm nượp như đi hội. Biết thế, nhưng để triệt phá được những boong ke này là chuyện không phải một sớm một chiều. Bằng quyết tâm của anh em cán bộ chiến sỹ, lãnh đạo Đồn Thanh Luông đặt mục tiêu bằng mọi giá phải xóa sạch những tụ điểm này, trả lại sự yên bình cho bản làng.
Đội trưởng đội tự quản số 10 Quàng Văn Hoàng nhớ lại trận đánh án đầu tiên của đội. Đó là một ngày trung tuần tháng 8-2011. Chừng 8 giờ tối, trời mưa, đường vào bản Lếch Cuông tối đen, đặc quánh, 4 thành viên của đội tự quản cùng các chiến sỹ đội phòng, chống ma túy Đồn Thanh Luông xuất phát tìm cách áp sát nhà đối tượng Lường Thị Piếng. Đây là đối tượng xảo quyệt nhất trên địa bàn. Piếng từng bị 2 năm tù về tội buôn bán, tàng trữ ma túy nhưng được cho trả án sau do đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, cứ sắp đến ngày thụ án thì Piếng lại có thai. Án nợ vẫn treo, Piếng vẫn tiếp tục lao vào con đường làm ăn phạm pháp. Hằng ngày, tin trinh sát báo về có đến 40-50 đối tượng lạ mặt ra vào nhà Piếng "ăn hàng"... Đường vào nhà Piếng độc đạo, nằm sâu trong khe suối. Hơn thế, Piếng nuôi đến 3 con chó nhằm đánh động khi có người lạ đến nhà. 9 giờ tối, lợi dụng lúc một đối tượng vào mua hàng, các trinh sát cùng đội tự quản nhanh chóng ập vào, thu giữ tại chỗ 70 tép hêrôin. Sau khi chiếc boong ke cuối cùng bị triệt phá, cùng với sự tuần tra kiểm soát gắt gao của đội tự quản, Lếch Cuông đã bình yên trở lại, các loại tội phạm giảm đáng kể.
Ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hưng cho biết, trước tình hình an ninh trật tự của Thanh Hưng phức tạp lắm, chủ yếu là tội phạm về ma túy, trộm cắp. Từ khi Đồn biên phòng Thanh Luông xây dựng mô hình đội tự quản nhân dân thì các loại tội phạm đã giảm hẳn. Theo ông Lường Văn Tọ, đội tự quản nhân dân được thành lập với các thành phần thuộc các tổ chức chính trị trong xã như MTTQ, dân phòng, trưởng bản, công an viên và bí thư chi bộ. Cả xã có 4 đội với "biên chế" lên đến 47 người do bộ đội biên phòng tham mưu và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện tuần tra khép kín địa bàn. Mặc dù mới thành lập từ tháng 7-2011, thế nhưng đến nay đội đã "đánh" 4 vụ án về ma túy, xóa nhiều tụ điểm, ngăn chặn được hàng trăm vụ phạm pháp các loại. Dù mới chỉ là thành công bước đầu, nhưng theo ông Lường Văn Tọ, đội tự quản nhân dân đã tạo được một thế trận vững chắc, ngăn chặn tận gốc các loại tội phạm trên địa bàn.
Khi chúng tôi rời Lếch Cuông, nắng trưa đã đứng bóng. Rẽ vào quán nước nghỉ chân, bà chủ quán Cà Thị Bình hớn hở khoe nhà vừa bán được 2 tạ cá từ cái ao sau nhà. Trước đây, mặc dù thả cá giống nhiều nhưng đến khi thu hoạch chỉ được vài chục cân do bị bắt trộm. Thậm chí máy bơm nước, nồi cơm điện rồi đến con chó nuôi giữ nhà cũng bị kẻ trộm cuỗm mất. "Giờ thì không sợ nữa rồi" - bà Bình hồ hởi.
Ánh sáng văn hóa giữa bản làng
Trở về lòng chảo Điện Biên nghiêng nghiêng trong nắng chiều, chúng tôi gặp Tòng Thị Thu Nguyệt, Đội trưởng Đội tuyên truyền văn nghệ quần chúng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên. Không trang điểm nhưng gương mặt Nguyệt lúc nào cũng hồng hào, rạng rỡ và tự tin. Cô cười nói với chúng tôi rằng: "Cũng bởi trèo đèo lội suối nhiều nên anh em trong đội diễn văn nghệ đều béo khỏe cả. Lính biên phòng đi tuyên truyền phục vụ bà con dân bản mà không chịu được ruồi vàng, bọ chó, không ăn cùng dân, ở cùng dân thì làm sao hoàn thành được nhiệm vụ chính trị". Biên chế định khung, đội tuyên truyền xung kích của biên phòng Điện Biên chỉ có 4 người, do Nguyệt làm đội trưởng. Mỗi đợt đi diễn, đội phải huy động hạt nhân văn nghệ từ các đơn vị cơ sở. Tất thảy hai chục ca sĩ, diễn viên mang quân hàm xanh chưa ai được đào tạo về kỹ thuật thanh nhạc hay diễn kịch, vậy mà nhiều năm qua, đội tuyên truyền của Nguyệt "chọc trời khuấy nước" giành hàng chục tấm huy chương vàng trong các đợt hội diễn văn nghệ toàn quân. Nguyệt nói: "Lính văn công chúng em khác ca sĩ ngoài đời nhiều lắm. Đi diễn không có xe đưa xe đón, không có cát sê... Lính biên phòng đi diễn chỉ có một trái tim nóng bỏng đó là được phục vụ bà con". Để đến được những thôn bản heo hút, cách thành phố Điện Biên gần 300 cây số, có những ngày, đội diễn của Nguyệt phải cuốc bộ. Xe ô tô không có, trang phục và thiết bị biểu diễn phải xếp chồng đống lên lưng con ngựa thồ. Lắm khi ngựa dở chứng, hí lên một tiếng rồi hất toàn bộ hành lý xuống vực, vậy là tăng âm, loa đài, trang phục biểu diễn ướt hết cả. Có những chiến sỹ trẻ mới đi biểu diễn lần đầu chỉ biết ôm đôi chân sưng tấy chực khóc. Những lúc như thế, anh em trong đội chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Hôm đội tuyên truyền vào bản Mường Lói, huyện Điện Biên, vừa vào tới nơi, bỗng trời mưa sầm sập, bà con dân bản vẫn cõng con, cõng cháu đội mưa chờ xem văn nghệ. Vừa là trưởng đoàn, vừa đảm nhiệm vai trò MC, Nguyệt nói với bà con xin phép được hoãn buổi diễn vì trời mưa quá to. Bà con buồn lắm nhưng chẳng ai chịu ra về. Thấy vậy, Nguyệt hội ý với anh em trong đoàn, quyết tâm biểu diễn phục vụ bà con. Dùng ni lông che loa đài cho khỏi ướt, những người lính tuyên truyền lao ra sân khấu ngoài trời diễn. Mưa ướt lướt thướt, diễn viên vừa múa vừa "vồ ếch" vì nền đất trơn trượt. Thấy bộ đội ngã, bà con dân bản cười cổ vũ. Được động viên, lính văn nghệ cứ ngã lại đứng dậy biểu diễn mặc cho cái lạnh tê tái như cứa vào da thịt vì trang phục biểu diễn vừa mỏng lại sũng nước. Sau 3 tiếng dầm mưa, đội diễn gần như kiệt sức. Và trong cái hoàn cảnh ấy, người ta mới thấy hết tình quân dân máu thịt. Bà con dân bản vội vã đi lấy củi, đốt lửa rồi nấu cháo cho bộ đội ăn và sưởi ấm. Chẳng cần nói ai cũng biết, thế trận lòng dân xuất phát từ đây, tất thảy bà con dân bản đều vui vẻ chung sức, chung lòng cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Với hơn 400km đường biên giới, 25 xã đường biên được xem là tỉnh có đường biên dài và địa hình khó khăn, hiểm trở nhất trong cả nước. Thế nhưng, phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng tốt thế trận lòng dân, bộ đội biên phòng Điện Biên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chỉ tính trong năm 2011, toàn lực lượng biên phòng Điện Biên đã triệt phá 130 vụ án về ma túy, 153 đối tượng bị bắt, thu giữ gần 6kg hêrôin, hơn 2.000 viên ma túy tổng hợp, 1.790kg thuốc phiện, 4 khẩu súng các loại cùng nhiều tang vật khác; xử lý giải quyết 54 vụ/89 đối tượng có liên quan đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới và hàng trăm đối tượng xâm phạm an ninh biên giới… Đó là những con số minh chứng sống động cho những chiến công thầm lặng của những người lính mang quân hàm xanh ở Điện Biên. "Có được kết quả đó là nhờ vào công tác vận động, xây dựng lực lượng quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân khu vực biên giới", Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng Điện Biên, Đại tá Trần Thanh Hải khẳng định.