Bảo đảm an sinh xã hội: Tiền đề để phát triển bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 13/03/2012

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề cập trong phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 là thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.


Nhiệm vụ trọng tâm

Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn xác định "bảo đảm an sinh xã hội" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật như: hỗ trợ kịp thời cho các gia đình khó khăn; xóa đói giảm nghèo; đào tạo lao động và tạo việc làm mới; đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu vực còn kém phát triển.


TP Hà Nội đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia, giải quyết trung bình mỗi năm khoảng 130 - 140 nghìn việc làm mới cho người lao động.Ảnh: Khánh Nguyên

Năm 2011, mặc dù trong điều kiện phải tiết kiệm chi thường xuyên, nhưng cùng với các chính sách an sinh xã hội đã có, TP đã triển khai nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn do tác động tiêu cực của lạm phát. Trong đó, TP đã tặng 3.759 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền 2 tỷ 775 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 171 nhà tình nghĩa và sửa chữa 272 nhà cho gia đình người có công; trợ cấp 19 tỷ đồng cho những đối tượng hưởng lương và lương hưu từ ngân sách nhà nước có mức lương thấp, người có công và hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. 130.252 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng. Ngoài các chính sách chung như hỗ trợ hộ nghèo khi điều chỉnh giá điện, bổ sung phụ cấp nghề cho giáo viên, TP Hà Nội cũng đã kịp thời hỗ trợ cho lao động từ Libi về nước, hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…

Xóa đói giảm nghèo là một trong những điểm nhấn trong thành tựu bảo đảm an sinh xã hội của TP trong năm qua với 24.000 hộ đã thoát nghèo. Nói về kết quả này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, TP đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình như hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay, đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng nông thôn, ngoại thành, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao… Nhờ đó, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm 2%, tại các xã nghèo, tỷ lệ giảm nghèo còn cao hơn với mức từ 3-4%". Năm 2011, TP cũng đã bổ sung 150 tỷ đồng vào nguồn quỹ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay để phát triển sản xuất.

Mỗi năm, TP Hà Nội tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham gia, giải quyết trung bình mỗi năm khoảng 130-140 ngàn việc làm mới. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ lao động thất nghiệp đang được tăng cường giải ngân. Năm 2011, trên 6 tỷ đồng đã đến tay những lao động thất nghiệp, chia sẻ phần nào gánh nặng cơm áo và giúp họ có điều kiện tìm việc làm mới. TP Hà Nội cũng có riêng đề án đào tạo nghề lao động nông thôn với mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 có 215.000 người được học nghề và phấn đấu 70% có việc làm sau học nghề.

Đáng chú ý, công tác bảo đảm an sinh xã hội của Hà Nội ngày càng được xã hội hóa với sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân với những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả, góp phần vào kết quả chung của TP. Làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, TP đã góp phần duy trì ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển, duy trì tăng trưởng liên tục trong những năm qua.

Tạo bước đột phá mới

Đến xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì những ngày này có thể cảm nhận được phần nào những đổi thay của một trong những xã xa trung tâm nhất TP. Gia đình chị Đinh Thị Thư, dân tộc Mường được thỏa nguyện với ngôi nhà mới do TP hỗ trợ xây dựng. Chị cho biết: "Có được ngôi nhà vững chắc làm nơi ở là niềm mơ ước bấy lâu. Đây là nguồn động viên để cả gia đình vươn lên trong cuộc sống". Gia đình chị Thư là một trong 20 hộ dân tại Khánh Thượng được TP hỗ trợ xóa nhà dột nát trong năm 2011. Ở cách nhà chị Thư không xa, bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Bắt Còn Chèm), ngoài 80 tuổi cũng được hưởng niềm vui dọn về ngôi nhà mới. "Chính quyền quan tâm thế này thì tôi không mong gì hơn" - bà nói. Cùng với gia đình chị Thư, bà Nụ ở Khánh Thượng, trong năm 2011 vừa qua, trên 3.700 hộ gia đình khác cũng có được niềm vui đón nhà mới nhờ chương trình hỗ trợ xóa nhà dột nát của TP.

Về việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội theo chủ trương TP, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Văn Trường cho biết, trong năm qua, trên địa bàn xã, các công trình hạ tầng cơ sở như đường giao thông, kênh mương thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, cải tạo đáng kể. Thay cho những đoạn đường đất gập ghềnh, "nắng bụi, mưa lầy", giờ đây, đường bê tông đã xuống tận các ngõ xóm của xã. Trên cơ sở lợi thế đang có, chính quyền xã tiếp tục thực hiện những mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện đời sống người dân. Ông Nguyễn Văn Trường cho biết: "Chúng tôi đang vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Năm 2012, chúng tôi phấn đấu giảm 3-5% số hộ nghèo".

Cùng với xã Khánh Thượng, hàng trăm xã nông thôn ngoại thành Hà Nội đang chuyển động mạnh mẽ với hàng loạt chương trình phát triển KT-XH, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2015, 40% số xã của Hà Nội đạt 19/19 tiêu chí đang là động lực cho nông thôn ngoại thành không ngừng tiến bộ. Đây là cơ sở để không chỉ xóa được cái nghèo, sửa chữa, xây mới được nhà ở, mà điều kiện phát triển kinh tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, học tập của nhân dân nông thôn ngoại thành cũng sẽ ngày càng tốt lên. Khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị có điều kiện được rút ngắn.

Trên cơ sở kinh nghiệm và thành tựu đã có những năm qua, nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội mà Nghị quyết 11 đặt ra đang được các cấp chính quyền TP tích cực triển khai. Bước vào năm 2012, TP đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 1,5% tương đương với 23.000 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn TP xuống còn 4,2%. TP Hà Nội cũng sẽ đặc biệt coi trọng việc thực hiện Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh thực hiện các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Trong Chiến lược phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22-2-2012, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

TP Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đến năm 2020 ở mức 4,0-4,5%, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho 140.000-150.000 lượt người. Cùng với chiến lược, TP cũng đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các vùng khó khăn phát triển nhanh hơn. Điển hình là hiện nay, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển nông thôn, huy động nguồn lực nông thôn mới giai đoạn 2012-2016 để trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp sắp tới. Chính sách này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng và toàn TP nói chung.

Có thể nói, TP Hà Nội đang làm tất cả để an sinh xã hội được bảo đảm, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo; khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp; đời sống nhân dân được cải thiện. Một điều chắc chắn là công tác bảo đảm an sinh xã hội sẽ luôn được quan tâm, đặc biệt là ở những thời điểm KT-XH gặp khó khăn. Đây là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, mà trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu về thực hiện.

Võ Lâm