Khó khăn “bủa vây” doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 12/03/2012
Lãi suất cao, khó vay vốn, thị trường co hẹp và khó tiêu thụ sản phẩm... khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ảnh: Huy Hùng
Trên thực tế, thị trường đã không sôi động như kỳ vọng của xã hội sau dịp Tết Nguyên đán, thể hiện qua số lượng DN mới gia nhập thị trường, nhất là số vốn mới "chảy" vào nền kinh tế không giữ được phong độ "theo biểu đồ đi lên" như thông lệ từ những năm gần đây. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, 2 tháng qua cả nước có thêm 8.699 DN đăng ký kinh doanh, với số vốn hơn 49.000 tỷ đồng, giảm 14% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tiễn này cho thấy, sức sống của nền kinh tế đang giảm trên diện rộng, chưa tìm được phương cách bứt phá trong một sớm một chiều.
Riêng trên địa bàn Hà Nội đã có gần 170 DN công bố giải thể, phá sản. Lượng DN thành lập mới và lượng vốn đăng ký mới cũng giảm, tới hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, tình hình của DN nhìn chung đang rất khó khăn và thực tiễn diễn ra trái ngược với thông lệ hằng năm, bởi những tháng đầu năm thường là thời điểm "phấn khởi" của giới DN, ít khi có chuyện DN nộp đơn xin giải thể. Ở TP Hồ Chí Minh, số lượng DN xin giải thể, phá sản còn lớn hơn, khoảng 370 DN trong 2 tháng đầu năm và là mức cao hơn hẳn so với cùng kỳ các năm trước. Hiện, không ít đơn vị sản xuất rơi vào cảnh không thể tiến, mà cũng khó lùi, phải "nằm thở" chờ qua chặng khó khăn bởi không thể tìm được nguồn vốn. Các chuyên gia cũng xác nhận, với lãi suất như hiện nay, hầu hết DN không thể tìm được loại hàng hóa nào để SXKD có lãi...
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng qua chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ và là mức rất thấp. Điều này cho thấy những thách thức vốn tồn tại suốt năm ngoái đang từng bước dồn gánh nặng sang thời điểm hiện tại, đẩy DN, nhất là DN trực tiếp sản xuất vào "chân tường". Một số chuyên gia còn cảnh báo, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện tình huống phức tạp, bất lợi hơn trong thời gian tới. Rõ ràng, điều kiện kinh doanh của DN chưa được cải thiện và phần lớn đơn vị buộc phải tiết giảm chi phí, cắt giảm quy mô hoạt động, giữ chân công nhân cũng như bạn hàng... Nhiều ngành sản xuất cũng thể hiện sự căng thẳng. Trong đó, ngành thép đang chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm đầu tư công, dẫn đến thu hẹp khả năng tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng trong 2 tháng qua chỉ tăng 0,78% so với cùng kỳ và là tháng có mức tăng hiếm hoi sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Kết quả này khá bấp bênh, không thể là dấu hiệu hứa hẹn cho sự phục hồi. Ngành dệt may lại có hiện tượng giảm sút về đơn hàng; hoạt động sản xuất của ngành da giày chưa ổn định, chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu trong khi xuất khẩu cũng một phần phải thông qua bên thứ ba, gây hạn chế về hiệu quả kinh tế. Ngành giấy cũng có mức sản xuất giảm 4,3% so với cùng kỳ và đang lúng túng trước việc tăng giá nhiều loại vật tư, nguyên liệu đầu vào.
Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý cần theo sát diễn biến thực tiễn và kịp thời có biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp. Trên cơ sở đó, cần tập trung nghiên cứu cơ chế, cho phép DN được giãn, giảm thuế ở mức hợp lý, kêu gọi thực hành tiết kiệm trên diện rộng, kết hợp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giữa các DN thông qua những đơn hàng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có giá thành rẻ. Đồng thời, khuyến khích áp dụng những phương thức thanh toán linh hoạt và có tính chất chia sẻ giữa các đơn vị.
Trong tháng ba, Bộ Công thương sẽ tập trung vào một số công tác, như chỉ đạo các DN khai thác tốt năng lực sản xuất; tìm cách tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, nhất là hướng về xuất khẩu; sản xuất kết hợp thực hiện tái cơ cấu DN; ủng hộ việc tiêu dùng sản phẩm trong nước cũng như hạn chế nhập khẩu những hàng hóa chưa cần thiết hoặc hàng xa xỉ… Đặc biệt, giới DN cũng mong muốn các cơ quan quản lý cần chủ động giảm bớt những quy định có tính bắt buộc và có thể gây ảnh hưởng đến "sức khỏe" DN, nhất là những quyết định làm nảy sinh chi phí như phí, lệ phí, thuế, giá đầu vào như điện, xăng dầu, cước vận tải hoặc gây thắt chặt đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm… nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.